Có thể nói, huyện Khánh Sơn có xuất phát điểm xây dựng NTM rất thấp, bởi dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, tỷ lệ đói nghèo ở mức cao. Thêm vào đó là khó khăn do vị trí xa xôi, địa hình trắc trở, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ…
"Đổi đời" nhờ chuyển đổi sản xuất
Kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 vào cuối năm 2021 cho thấy, toàn huyện Khánh Sơn có 3.530 hộ nghèo, chiếm 47,43% tổng số hộ và 1.405 hộ cận nghèo, chiếm 18,88%. Đây là những con số khiến chính quyền luôn trăn trở, tìm cách để người dân nhanh chóng thoát nghèo, trong đó ưu tiên cho việc tiếp tục chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao.
Huyện Khánh Sơn định hướng xây dựng thương hiệu nông sản sạch, trong đó chủ lực là cây sầu riêng (Ảnh: Int) |
Vì thế, lãnh đạo huyện Khánh Sơn đã lựa chọn cách đi riêng, phù hợp với vị trí địa lý, thế mạnh địa phương: xây dựng thương hiệu nông sản sạch, trong đó chủ lực là cây sầu riêng.
Hiện, huyện Khánh Sơn có tổng diện tích trồng sầu riêng hơn 2.100ha, cho thu hoạch hơn 10.000 tấn/năm; mục tiêu đến năm 2025, sản lượng sầu riêng đạt khoảng 20.000 tấn. Một số hộ trồng sầu riêng, bao gồm cả các thành viên của HTX, tổ hợp tác, có thu nhập hơn 1 - 5 tỷ đồng/năm, nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng nhờ loại cây đặc sản này.
Điển hình như hộ ông Mai Văn Khang, ở xã Sơn Lâm. Vụ trái cây năm 2022, gia đình ông Khang đạt sản lượng gần 100 tấn, doanh thu trên 5 tỷ đồng. Hay như trên địa bàn xã Ba Cụm Bắc có 20 hộ người dân tộc thiểu số làm sầu riêng chuyên nghiệp, diện tích từ 1-3ha..
Theo anh Đào Quang Hiển, đại diện Tổ hợp tác cây ăn quả Sơn Trung, xã Sơn Trung, Tổ hợp tác có 27ha trồng sầu riêng theo hướng nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Nhờ đó, trái sầu riêng đảm bảo chất lượng và nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm nay, do có mưa ở giai đoạn sầu riêng trổ hoa, sản lượng không cao như mong đợi của người dân, bù lại sầu riêng được giá nên người dân phấn khởi.
“Tổ hợp tác trồng sầu riêng theo tiêu chí xanh - sạch - không dùng hóa chất. Đây là điều kiện tiên quyết để thị trường đón nhận sản phẩm sầu riêng của chúng tôi nói riêng và của Khánh Sơn nói chung. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vừa học vừa làm nâng cao quy cách đóng gói sản phẩm, mã QR… Có như vậy thì mặt hàng đặc sản miền núi này sớm sẽ có giá trị bền vững trên thị trường, tránh tình trạng vào vụ mất giá”, anh Hiển chia sẻ.
Với hướng đi đúng, tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng, nên nông dân Khánh Sơn đã vươn lên thoát nghèo. Trên địa bàn huyện có nhiều HTX, tổ hợp tác nông sản phát triển trồng cây ăn trái, trong đó chú trọng thế mạnh cây sầu riêng, giải quyết công ăn việc làm cho người dân bản địa. Khu vực kinh tế hợp tác, vì thế, góp phần quan trọng trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, đặc biệt là các tiêu chí về giảm nghèo, thu nhập, tạo việc làm, và hình thức tổ chức sản xuất.
Tính đến cuối năm 2021, trong số 7 xã xây dựng NTM tại Khánh Sơn, xã Sơn Bình đã đạt 15/19 tiêu chí; xã Sơn Hiệp đạt 14 tiêu chí; xã Sơn Lâm đạt 13 tiêu chí; các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Thành Sơn đạt 12 tiêu chí và xã Sơn Trung đạt 11 tiêu chí. Huyện Khánh Sơn phấn đấu đến năm 2025, xã Sơn Bình đạt 19/19 tiêu chí; xã Sơn Hiệp đạt 17 tiêu chí; các xã: Thành Sơn, Sơn Lâm, Ba Cụm Bắc đạt 16 tiêu chí; các xã: Sơn Trung, Ba Cụm Nam đạt 15 tiêu chí. Đến năm 2025, huyện phấn đấu đưa xã Sơn Bình đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên.
Với những mô hình cây ăn quả chủ lực, Khánh Sơn xác định tiếp tục đổi mới các mô hình sản xuất để giúp người dân thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phấn đấu đến cuối năm 2025, Khánh Sơn thoát khỏi danh sách huyện nghèo.
Liên kết hợp tác để phát triển bền vững
Mới đây, UBND huyện Khánh Sơn đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa tổ chức kết nối nhà vườn với doanh nghiệp nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng Khánh Sơn, góp phần ổn định đầu ra, nâng cao giá trị loại nông sản này.
Được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc mở ra cơ hội lớn để Khánh Sơn phát triển cây trồng này theo hướng bền vững, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới (Ảnh minh họa: TL) |
Lãnh đạo huyện Khánh Sơn cho biết, tháng 8 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt cấp 3 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc cho Tổ hợp tác trái cây Ba Cụm Bắc, Tổ hợp tác trái cây Sơn Bình và hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Đức (xã Ba Cụm Bắc) với tổng diện tích 90,5ha. Đây là tiền đề quan trọng góp phần bảo vệ thương hiệu sầu riêng của huyện trong quá trình tiêu thụ trên thị trường, nhất là khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Nhờ đó, tránh được tình trạng lợi dụng nhãn hiệu, trà trộn sản phẩm của các địa phương khác vào vùng trồng đã cấp mã số; góp phần ổn định đầu ra, nâng cao giá trị trái sầu riêng tươi Khánh Sơn.
Tuy nhiên, diện tích được cấp mã số vùng trồng hiện nay chỉ mới đạt 4,5% tổng diện tích sầu riêng của huyện. Mặt khác, một số vùng trồng không đạt điều kiện về diện tích tối thiểu 10ha, người dân chưa hiểu rõ những lợi ích khi được cấp mã số vùng trồng mang lại nên chưa mạnh dạn đăng ký tham gia. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đối với các chủ thể là HTX, tổ hợp tác, nhà vườn để các chủ thể này tiếp tục đăng ký. Đồng thời, địa phương sẽ phổ biến các quy định về quản lý, giám sát vùng trồng đã được cấp mã số, giúp cho các chủ thể triển khai quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn vùng trồng tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc…
Đại diện Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa (TP.HCM) - doanh nghiệp đề xuất chính sách liên kết cho biết, Công ty Vạn Hòa là một trong 25 cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp nhận, cho phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường này. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn hợp tác với các HTX, tổ hợp tác và nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn xây dựng mã số vùng trồng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng bền vững, cùng có lợi. Công ty đề xuất hỗ trợ đối với các HTX, tổ hợp tác và nông dân tham gia chuỗi liên kết bằng cách cho vay không lãi suất khoảng 50 triệu đồng/ha; có chính sách chi trả thưởng sau thu hoạch cho HTX, tổ hợp tác khoảng 500 đồng/kg, nông dân 300 đồng/kg để ghi chép, tổ chức sản xuất theo đúng quy định; giá thu mua sầu riêng được mua theo giá thị trường, chốt giá trước khi thu hoạch 10-15 ngày; hỗ trợ tập huấn cho nhà nông các phương pháp trồng, chăm sóc, duy trì cấp mã số vùng trồng…
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa đề nghị, các HTX, tổ hợp tác, nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn huyện và doanh nghiệp cần tiếp tục làm việc cụ thể để sớm hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, giúp sầu riêng Khánh Sơn có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị… Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần tích cực triển khai việc hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành với nông dân, HTX và tổ hợp tác trong quá trình thực hiện các thủ tục, yêu cầu để mở rộng vùng được cấp mã số vùng trồng. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân về mã số vùng trồng và tuân thủ các điều kiện, yêu cầu từ phía Trung Quốc nhằm đảm bảo việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường này và các thị trường khác trong tương lai một cách bền vững.
Nguyễn Đức