Giá cà phê đang về gần mốc 40.000 đồng/kg, còn giá tiêu đang ở mức dưới 60.000 đồng/kg và dự báo có khả năng sẽ về mức 55.000 đồng/kg vì đang đứng trước nhiều bất lợi của thị trường. Trong khi đó, người dân Tây Nguyên lại đang được mùa sầu riêng. Từ thực tế này, không ít nông dân, HTX đã phá bỏ cây tiêu, cà phê… để trồng sầu riêng.
Diện tích không ngừng tăng
Ông Bùi Tin, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, người dân đang làm ăn rất thực tế khi đem so sánh giữa hồ tiêu, cà phê và sầu riêng. Chẳng hạn, 1ha cà phê và tiêu mỗi năm cho thu hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, nhưng sầu riêng thu về 600-700 triệu đồng/ha. Do vậy, không hiếm hộ dân ở Krông Pắc đang chặt tiêu, cà phê… để chuyển sang trồng sầu riêng.
“Thời gian tới, HTX cắt bỏ những cây cà phê già cỗi, năng suất thấp để tập trung trồng sầu riêng”, ông Tin nói.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh tăng nhanh chóng, hiện đạt trên 15.100ha, sản lượng khoảng 170.000 tấn/năm; riêng huyện Krông Pắc chiếm 4.000ha với sản lượng 45.000 - 50.000 tấn/năm.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Krông Pắc cho biết, những năm gần đây, huyện đã phát triển nhanh chóng diện tích và sản lượng sầu riêng. Dự kiến trong thời gian tới, diện tích tiếp tục phát triển vì sầu riêng đang bán được giá và người dân, HTX đang nhìn thấy cơ hội về đầu ra cho loại trái cây này.
Không chỉ ở Tây Nguyên, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, người dân cũng đổ xô trồng sầu riêng. Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, từ khi Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực đến nay chỉ khoảng 4 tháng, song diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đã tăng thêm 3.000ha, nâng tổng lên 20.000ha, đứng đầu cả nước.
Có thể thấy, diện tích sầu riêng đang tăng rất mạnh. Theo thống kê, năm 2010, cả nước chỉ có 17.600ha, nhưng đến năm 2022 đã tăng lên 90.000ha với sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn quả/năm.
Trồng sầu riêng phải mất ít nhất 6-7 năm mới cho quả, nên thay vì mở rộng diện tích, người dân, HTX nên tập trung vào nâng cao chất lượng. |
Theo các chuyên gia, mặc dù Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng tươi, song hiện tình hình xuất khẩu vẫn còn hạn chế nên vẫn còn đáng lo về tình trạng rộ mùa dội chợ như trước đây. Trong khi Trung Quốc hiện chỉ chấp nhận sầu riêng trồng tại vùng chuyên canh, được nước này cấp mã số vùng trồng. Còn diện tích sầu riêng ở Việt Nam tuy lớn nhưng diện tích được chính thức cấp mã số vùng trồng còn quá khiêm tốn, chưa đến 10%.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng, yếu tố đầu tiên là diện tích sầu riêng của người dân, HTX phải đảm bảo sản xuất tập trung. Nếu trồng xen canh, lẫn với cây trồng khác thì không được cấp mã số.
Chính vì vậy, thay vì mải mê chặt bỏ các loại cây trồng khác sang trồng sầu riêng một cách ồ ạt, người dân, HTX tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia vào vùng trồng để được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng. Và bài học nhãn tiền từ việc người dân đổ xô trồng mít Thái, trồng tiêu, thanh long… vào lúc những loại trái cây này sốt giá không chỉ khiến bất ổn về cơ cấu cây trồng mà còn khiến cung cầu khó gặp nhau, từ đó dễ dẫn đến trượt giá.
Liên kết lỏng lẻo
Theo các chuyên gia, việc người dân, HTX ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đổ xô trồng sầu riêng và trồng không theo quy hoạch còn cho thấy mối liên kết giữa HTX-doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại địa phương trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết tiêu thụ chưa đạt được hiệu quả cao.
Nguyên nhân, có thể do chưa có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp mạnh dạn tham gia với vai trò dẫn dắt chuỗi, trong khi các HTX nông nghiệp, người dân trồng sầu riêng đa phần nhỏ lẻ, khả năng định hướng sản xuất, mở rộng diện tích, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có cơ sở dữ liệu chung giữa các tỉnh trong vùng chuyên canh cây sầu riêng nói chung về thông tin sản phẩm như: giống sầu riêng, loại sản phẩm cung cấp ra thị trường (tươi, cấp đông tách múi, hay sấy…), sản lượng bao nhiêu, thời gian thụ hoạch cụ thể. Ngoài ra cũng chưa có cơ sở dữ liệu cụ thể về nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngoài nước, các kênh phân phối chính… để thuận lợi trong việc tiêu thụ.
Chính vì vậy, các nhà sản xuất là người dân, HTX ở các địa phương không thể biết để sản xuất hay mở rộng diện tích nhằm cung ứng phù hợp với nhu cầu thị trường.
PGS. TS Mai Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam cho biết, việc liên kết giữa các địa phương trồng sầu riêng trong cùng một vùng và giữa các vùng trồng sầu riêng với các doanh nghiệp tiêu thụ vẫn còn chưa chặt chẽ. Và ngay mối liên kết giữa HTX-doanh nghiệp-cơ quan quản lý tại địa phương cũng vẫn còn lỏng lẻo, chưa nói đến cấp độ liên kết vùng.
Điều này dẫn đến tình trạng không có kế hoạch sản xuất chung, không có thông tin để xây dựng chương trình điều phối chung nên xảy ra sự mất cân bằng cung - cầu một cách liên tục, khi thừa, khi thiếu. Hệ quả là luồng hàng hóa thay đổi, giá cả khi lên khi xuống. Ngay cả khi cơ quan quản lý có thực hiện các biện pháp bình ổn giá cũng khó bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên. Và phía chịu nhiều hậu quả nhất vẫn là người dân, thành viên HTX.
Từ bất cập đó, các chuyên gia cho rằng, các địa phương thuộc vùng trồng trọng điểm cây sầu riêng cần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin điện tử về loại sản phẩm chủ lực này theo từng tỉnh và có dữ liệu rõ ràng về năng lực sản xuất, nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp. Khi có cơ sở dữ liệu sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng từ sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu đến liên kết tiêu thụ.
Ví dụ, hiện nay trên thị trường tuy có nhiều giống sầu riêng nhưng giống sầu riêng nào hoặc sản phẩm sầu riêng nào đang hút hàng hay giá cả tăng vọt. Trên cơ sở dữ liệu này, chỉ cần tra thông tin thì ngành nông nghiệp ở từng địa phương sẽ thấy mặt hàng sầu riêng này, giống sầu riêng này ở địa phương nào đang dư thừa hoặc cần bổ sung, từ đó sẽ giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường và người dân, HTX cũng có kế hoạch sản xuất rõ ràng. Cũng trên cơ sở dữ liệu đó, các doanh nghiệp nắm được mỗi địa phương có sản phẩm gì, thời gian thu hoạch cụ thể ra sao… để cung ứng kịp thời ra thị trường ở trong và ngoài nước.
Huyền Trang