Năm 2005, sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam mới xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến năm 2018 đã có mặt ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, việc chinh phục thị trường nội địa vẫn đang là câu chuyện khá khó khăn với nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ.
Doanh nghiệp vẫn thờ ơ
Thị trường Việt Nam với dân số trên 90 triệu người, mức sản xuất gỗ cho tiêu dùng nội địa năm 2018 ước khoảng gần 2 tỷ USD, tăng trưởng bình quân trong 7 năm qua khoảng 8%.
Nếu tính thêm chi phí lưu thông phân phối đến bán lẻ, con số này sẽ tăng lên gấp đôi, trong đó các công trình mới xây dựng đang trên đà tăng trưởng thu hút khoảng 40%.
Từ các cơ hội do thị trường bất động sản trong nước mang lại và tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong 7 năm qua, dự báo giá trị sản xuất gỗ cho thị trường nội địa sẽ đạt ở mức tối thiểu 1,78 – 1,92 tỷ USD và 2,08 tỷ USD từ năm 2018 – 2020.
Tuy nhiên, cùng với việc tham gia các FTA, các dòng thuế nhập khẩu sẽ bị cắt giảm, đồ gỗ của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với đồ gỗ của các quốc gia trong khối như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… trên cả thị trường nội địa. Các DN sẽ phải chi tiêu nhiều hơn vào đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất để cạnh tranh với sản phẩm từ các nước.
Trên thực tế, việc chinh phục thị trường gỗ nội địa là không dễ dàng, chưa kể vẫn còn tâm lý thờ ơ với thị trường nội địa. Đại diện CTCP Tân Vĩnh Cửu cho biết, Việt Nam có nhiều làng nghề nhưng xu hướng chung là sản xuất hàng giá rẻ và chất lượng thả nổi, trong khi các DN sản xuất lớn vẫn tập trung vào sản xuất hàng gia công xuất khẩu, chưa mặn mà với thị trường trong nước.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, với tổng giá trị tiêu thụ sản phẩm gỗ nội địa khoảng 2-3 tỷ USD/năm, nhu cầu tiêu dùng gỗ tại thị trường Việt Nam rất lớn. Riêng ngành xây dựng, diện tích nhà ở để xây dựng mới khoảng 70-80 triệu m2/năm với nhu cầu sử dụng gỗ khoảng 2-3 triệu m3. Chưa kể, thị trường còn có nhu cầu lớn với đồ gỗ nội thất dùng trong gia đình, đồ gỗ cho trường học, y tế, thể thao…
Đồ gỗ ngoại sẽ theo chân các FTA đổ bộ vào Việt Nam |
Chú trọng "sân nhà"
Ông Quyền cho rằng đồ gỗ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, vậy nên không có lý do gì lại không phát triển đồ gỗ nội địa để khai thác hết tiềm năng.
Trước thực tế trên, bà Nguyễn Thanh Thủy, đại diện công ty nội thất Xếp Gọn, cho biết DN nội địa muốn chủ động trước thị trường trước hết phải thay đổi giá sản phẩm, cải tiến mẫu mã để phù hợp với thị trường. DN cũng có thể hợp tác theo dạng các nhóm đầu tư với nhau như hiệp hội bất động sản hay hiệp hội ngành đồ gỗ để đi theo dự án.
Các chuyên gia cũng cho rằng các DN nội thất Việt Nam cần nhanh chóng tìm kiếm cơ hội bắt tay với các nhà phân phối chuyên nghiệp để có được thị phần, chủ động trước phản ứng của thị trường.
Thị trường đồ gỗ nội thất Việt Nam được ví như "miếng bánh lớn" nhưng phải chia đều cho nhiều người, nên DN phải chủ động trong mọi tình huống, từ cải tiến mẫu mã, chất lượng, giá cả và hậu mãi phải tốt hơn mới có thể thu hút được khách hàng.
Từ thực tế của công ty mình, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT công ty AA – chủ thương hiệu đồ nội thất Nhà Xinh, khẳng định DN Việt Nam hoàn toàn có khả năng khai thác giá trị cao nhất của ngành. Để làm được điều này, xây dựng thương hiệu DN là tối cần thiết.
Chính thương hiệu sẽ làm tăng giá trị thương mại, không những góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu và giá trị bán buôn nội địa, mà còn định vị ngành đồ gỗ nội thất của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Làm sao để cho khách hàng trong và ngoài nước mỗi khi tìm kiếm đến đồ gỗ nội thất thì những thương hiệu Việt Nam sẽ bật lên trong đầu họ.
Mặt khác, muốn phát triển đồ gỗ nội địa, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến nghị Nhà nước cần xây dựng định hướng phát triển làng nghề gỗ bài bản.
Về mặt cơ chế, chính sách cũng cần điều chỉnh, hỗ trợ nhất định, điển hình trong lĩnh vực thuế. Đồng thời, Nhà nước có chính sách hướng dẫn, khuyến khích xây dựng hệ thống phân phối, đại lý gỗ Việt.
Thy Lê