Làm thế nào để kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển là chủ đề được một số cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo "Phát triển KTTN: rào cản và giải pháp" vừa diễn ra.
Gs. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, cho hay 8 tháng đầu năm 2018, cả nước có 87.448 DN được thành lập với tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm 2,56 triệu tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy, KTTN với số lượng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn, đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng theo hướng bền vững.
Còn gặp nhiều rủi ro
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khu vực DN tư nhân Việt Nam đã không thể lớn nổi so với chính mình, mới chỉ đóng góp khoảng 9% vào GDP mỗi năm trong suốt hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng phải đánh giá lại vai trò của KTTN và bày tỏ sự nghi ngờ về con số đóng góp vào GDP của khu vực này.
Theo ông Cung, phải đánh giá lại để thay đổi những nhận định chính trị, vì những nhận định đó chính là các rào cản căn bản đối với phát triển đất nước nói chung và khu vực KTTN nói riêng. Các con số doanh thu, lợi nhuận đều cao, nhưng đóng góp GDP lại thấp.
Ông Cung cho biết khu vực KTTN đối mặt với nhiều rủi ro, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý. Điều này đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả.
"Với sự áp dụng tùy ý tùy tiện, doanh nhân không thể tính toán được lâu dài, cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức. Bởi càng chính thức ở Việt Nam càng rủi ro", ông Cung chia sẻ.
Mặt khác, với những DN muốn lớn lại không lớn được. Một DN có ý tưởng kinh doanh tốt, cần nguồn lực để phát triển, nhưng nguồn lực đó không thể đến từ vốn gia đình, bạn bè của mình. Trong khi đó, còn tình trạng phân bố nguồn lực theo xin – cho, thay vì dựa trên tiêu chí chất lượng.
Một vấn đề đặt ra không kém phần bức xúc là vẫn còn sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa khu vực KTTN và các thành phần kinh tế khác.
Ts. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lấy một dẫn chứng trong Liên hoan phim tại Đà Nẵng tháng 11/2017, các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa "tại liên hoan có 30 phim của DN tư nhân, không có một phim nào của DN nhà nước", mà không đổi thành "phim của DN Việt Nam" và "phim của DN có vốn đầu tư nước ngoài".
"Có nghĩa là từ trong nhận thức một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt DN dựa trên hình thức sở hữu", ông Kiên bày tỏ.
Bên cạnh đó, ông Kiên cũng chỉ ra một rào cản ngay ở chính các DN tư nhân khiến khu vực kinh tế này chưa lớn được, đó là bản thân nhiều DN tư nhân chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định, bao gồm: chiến lược kinh doanh, quản trị DN, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực.
Phân tích ở cả hai mặt cho thấy việc làm thế nào để khu vực KTTN lớn được cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như sự nỗ lực của chính DN tư nhân.
Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP vẫn giữ nguyên trong hàng chục năm qua |
Tháo gỡ khó khăn cho DN
Trước thực trạng này, Gs. Nguyễn Mại cho rằng tiềm năng lớn của khu vực KTTN cần được khai thác có hiệu quả bằng hệ sinh thái thuận lợi với hành lang pháp lý thông thoáng.
Do đó, Chính phủ cần kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa trong việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh để DN tư nhân có điều kiện phát triển.
Bên cạnh đó, để đáp ứng đòi hỏi quy mô của từng loại DN, việc hoàn thiện luật pháp như sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật DN năm 2014 đang được tiến hành.
"Cần có quy định riêng cho DN vừa và nhỏ và tập đoàn kinh tế, bởi không thể dùng một chiếc áo cho nhiều người có kích cỡ khác nhau", ông Mại nhấn mạnh.
Ông Trịnh Hiền Trung, Tổng Giám đốc TH Herbals, chia sẻ việc xây dựng cơ chế chính sách để thu hút các DN lớn đủ lực tham gia thì mới có thể thúc đẩy phát triển KTTN. Tuy nhiên, khi lựa chọn DN cần xác định các DN hoạt động lĩnh vực trọng yếu của đất nước để dồn lực. Đồng thời, cần chú trọng phát triển các DN đầu tư vào lĩnh vực mũi nhọn và thiết yếu cho cuộc sống, hoạch định chính sách phát triển lâu dài, các sản phẩm chú trọng yếu tố chất lượng.
Nhà nước và Chính phủ phải xây dựng bộ quy chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm, để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các DN, thúc đẩy các DN chân chính hướng tới tiêu chuẩn quốc tế thì mới có thể xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Đồng thời, cần khuyến khích các DN đầu tư công nghệ, tạo ra các sản phẩm tốt và hiệu quả. Từ đó, DN mới có thể phát triển và kéo theo kinh tế Việt Nam phát triển.
Ông Nguyễn Đức Kiên nhìn nhận bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, DN tư nhân phải có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho đồng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững.
Điều này đòi hỏi xây dựng một đội ngũ doanh nhân vừa có năng lực quản trị tiên tiến, tiếp thu được thành quả của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới, nhưng đồng thời phải hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội của DN, doanh nhân.
Minh Trang
Ts. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế Để phát triển khu vực KTTN lớn mạnh, giải pháp là ở cả phía cơ quan nhà nước, văn hóa và nỗ lực của DN. Dù là công nghiệp 4.0 hay 5.0 thì trước hết chúng ta phải cải thiện nền tảng DN và cần thúc đẩy để DN tư nhân phát triển. Ông Nguyễn Trọng Cử - Giám đốc công ty Thương mại và Đầu tư Việt Đức Chỉ có phát triển tư hữu mới phát triển đất nước. Do đó, Nhà nước cần đưa ra chính sách để phát triển tư hữu thì KTTN mới quy tụ, thay đổi và phát triển nội lực của dân tộc. Gs. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Để phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) thì xây dựng Chính phủ điện tử là đòi hỏi của đổi mới quản lý nhà nước trong thời đại kỹ thuật số, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và DN… |