Tại hội thảo thực hiện Nghị quyết số 10 NQ/TW về tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế Việt Nam diễn ra chiều 10/7, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CUEM), đặt vấn đề: Vì sao mức độ cải cách thủ tục hành chính vẫn còn xa so với kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN), vấn đề nằm ở đâu, làm sao để tháo gỡ?
Cả năm đi xin... giấy phép
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết nếu xét về số lượng, khu vực tư nhân đang chiếm ưu thế so với các khu vực kinh tế khác, song rõ ràng hiệu quả hoạt động của khu vực DN tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể.
Theo nghiên cứu khảo sát của VCCI, gần 70% DN vẫn kinh doanh không có lãi và mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp gần 50% GDP nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới 33%.
Con đường để đảm bảo "DN tư nhân không cô đơn" cần có vai trò dẫn dắt thị trường của Nhà nước để tạo lập môi trường bình đẳng, xã hội hóa dịch vụ công và giảm chi phí kinh doanh. Tuy nhiên, dù đã có nhiều hỗ trợ và định hướng rõ ràng như vậy song khu vực tư nhân còn quá manh mún. Trong số các DN tư nhân đang hoạt động, DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN vừa chiếm 2% còn lại 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ.
"Rõ ràng nền kinh tế Việt Nam đang thiếu trầm trọng các DN cỡ vừa để trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia vào thị trường quốc tế. Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp… đang là thực trạng phổ biến của các DN tư nhân Việt Nam", ông Phòng đánh giá.
Một trong những nguyên nhân khiến DN tư nhân chưa lớn là khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rào cản như chưa có sự thống nhất cao về nhận thức, về sự phát triển, rào cản môi trường kinh doanh, sự bất bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực FDI.
Đơn cử như chi phí hành chính tăng gấp đôi trên thực tế, thủ tục hành chính được cải thiện nhưng vẫn nặng nề, dẫn tới chi phí kinh doanh tại Việt Nam đang tăng nhanh, cao hơn mức tăng năng suất lao động, là gánh nặng cho DN.
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), cho biết DN tư nhân khi tiếp cận với đất đai còn gặp nhiều khó khăn. DN vẫn phải tuân thủ các thủ tục chồng chéo, chẳng hạn như đã xin thủ tục chấp thuận đầu tư nhưng nếu DN lấy vào đất lúa, đất rừng lại phải xin thêm thủ tục xin phép chuyển quyền sử dụng đất… Đó là chưa nói tới bồi thường giải phóng mặt bằng còn phức tạp hơn nữa.
Hơn ai hết, DN là người cảm nhận rõ những khó khăn này. Ông Đỗ Đình Hiệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 yêu cầu rút ngắn thời gian để DN tiếp cận đất đai, với thời gian tối đa 77 ngày, nhưng trên thực tế vẫn chưa chuyển biến.
"Để có giấy phép xây dựng, DN phải mất 5 lần 77 ngày, chờ được giấy phép thì cơ hội của DN bay biến mất rồi", ông Hiệu chia sẻ.
Để có giấy phép xây dựng, DN phải mất 5 lần 77 ngày mới xong |
Còn phân biệt đối xử
Ông Hiệu cho biết vốn là yếu tố DN cần nhất, tuy nhiên đang xảy ra nghịch lý DN "khát tiền" vẫn không tiếp cận được, trong khi ngân hàng thương mại vẫn kêu "thừa vốn". Điều này cho thấy thể chế vẫn chưa sát thực tiễn hoạt động của DN.
Về thuế, những DN lớn mang danh "đại gia" nhưng điểm danh lại thì nộp thuế rất ít. "Vậy lỗi của DN hay của cơ quan nhà nước. Liệu có phải những DN này đang trốn thuế hay không?".
Cùng với đó, đang xảy ra tình trạng phân bổ nguồn lực thiếu hiệu quả. Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho biết vốn đầu tư cho khối DN nhà nước gần 38% nhưng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chỉ 29%, trong khi vốn của DN tư nhân chỉ 39% nhưng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tới 43%.
Tính sơ bộ hệ số sử dụng vốn (ICOR) của ba khu vực kinh tế hiện nay cho thấy kinh tế ngoài nhà nước bao giờ cũng có hệ số ICOR thấp hơn kinh tế nhà nước, chứng tỏ đồng vốn bỏ ra hiệu quả hơn.
"Điều này cho thấy phân bổ nguồn lực và ưu tiên của chúng ta đang có vấn đề", ông Lực phân tích.
Theo Ts. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tới nay vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác.
Ví dụ trong Liên hoan phim tại Đà Nẵng tháng 11/2017, nhiều người nói "tại Liên hoan có 30 phim của DN tư nhân, không có một phim nào của DN nhà nước" mà chưa đổi thành "phim của Việt Nam" và "phim của nước ngoài". Có nghĩa là từ trong nhận thức một số vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt DN dựa trên hình thức sở hữu.
PGs.Ts. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN, cho rằng cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay giống với việc tạo dựng sân chơi. Trên sân chơi tất nhiên cần có người chơi nhưng nhìn ở góc độ DN dường như vẫn chưa có đủ năng lực tham gia cuộc chơi này.
Qua điều tra ở tỉnh Hưng Yên, ông Quân cho biết chỉ số năng lực hấp thụ chính sách của các DN rất thấp, điều đó chứng tỏ DN khó thụ hưởng những chính sách đã ban hành.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn về chính sách, ông Kiên cho rằng vẫn có không ít DN Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng "mì ăn liền", muốn có "tiền tươi thóc thật" ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, DN không tự làm mới mình cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn hạn và trung hạn.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng rào cản vốn, rào cản thuế cũng như rào cản gia nhập ngành không phải là rào cản quan trọng nhất. Điều quan trọng để khu vực kinh tế tư nhân phát triển là làm thế nào để DN tư nhân tin rằng nếu đầu tư bài bản thì họ vẫn có cơ hội phát triển và mang lại nhiều lợi ích hơn.
Lê Thúy