Trong ba năm vừa qua, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Việt Nam đã có sự tăng tốc phát triển, nhờ những đổi mới quan trọng trong Luật DN 2014, Luật Đầu tư…
Bước ngoặt lớn nhất là Đảng ra Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN); và sau đó ngày 12/6/2017, Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV).
Việc triển khai nghị quyết và vận dụng Luật này, cùng việc Chính phủ chuyển mạnh sang kiến tạo, đồng hành cùng DN, biến 2017 thành năm “Giảm bớt chi phí cho DN” – đã tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế.
Luồng sinh khí mới
Theo Gs.Ts. Nguyễn Kế Tuấn, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, quan điểm “đặt DN vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia” của người đứng đầu Chính phủ đã làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh thay đổi vượt bậc. Sự phát triển các loại hình tổ chức kinh doanh thuộc KTTN góp phần tích cực vào việc huy động các nguồn lực trong xã hội vào đầu tư phát triển.
Theo đó, tỷ trọng đầu tư từ kinh tế ngoài nhà nước có xu hướng tăng nhanh. Năm 2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 830.278 tỷ đồng, trong đó của kinh tế ngoài nhà nước là 299.487 tỷ đồng, chiếm 36,1%; năm 2016, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.485.096 tỷ đồng, trong đó của kinh tế ngoài nhà nước là 579.700 tỷ đồng, chiếm 39%.
Điều này cho thấy quy mô vốn đầu tư của KTTN ngày càng tăng và đến nay đã trở thành bộ phận chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư xã hội.
Việc thực thi Luật DN, Luật Đầu tư mới và những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã có tác động mạnh mẽ đến việc huy động các nguồn lực thuộc khu vực KTTN trong nước vào đầu tư phát triển.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2017, cả nước có 126.859 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số DN và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016.
Đặc biệt, hiện nay, thành phần KTTN trong nước là lực lượng có đóng góp lớn nhất vào GDP. Năm 2010, GDP của cả nước đạt 2.157.828 tỷ đồng, của kinh tế ngoài nhà nước trong nước là 926.928 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,96%; năm 2016, GDP của cả nước đạt 4.502.733 tỷ đồng, của kinh tế ngoài nhà nước trong nước là 1.916.263 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43,52%.
Trong quá trình đổi mới kinh tế, KTTN trong nước là lực lượng chủ yếu tạo việc làm mới thu hút lực lượng lao động tăng lên hàng năm. Bình quân hàng năm, KTTN giải quyết việc làm cho trên 1 triệu lao động.
Các cơ sở sản xuất – kinh doanh thuộc KTTN cũng có đóng góp to lớn vào ngân sách nhà nước. Theo một báo cáo của Tổng cục Thống kê, mức đóng góp của các DN ngoài nhà nước vào ngân sách nhà nước năm 2016 là 434,7 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 45% tổng thu, bình quân tăng 17%/năm giai đoạn 2010-2016.
KTTN ngày càng có vai trò lớn trong công cuộc phát triển đất nước, nhưng cũng cần thấy rằng vai trò ấy chưa được phát huy đầy đủ do còn tồn tại những khó khăn, cản trở từ chính bản thân KTTN và từ bất cập trong công tác quản lý nhà nước với KTTN.
Chiếm vị trí áp đảo về số lượng và tỷ trọng trong hệ thống các DN của cả nước, nhưng tuyệt đại bộ phận các cơ sở sản xuất – kinh doanh thuộc KTTN hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt là các cơ sở sản xuất – kinh doanh “siêu nhỏ” với sự hạn chế về nguồn lực tài chính, năng lực quản trị, trang bị công nghệ và khả năng đổi mới, sáng tạo.
Theo số liệu năm 2015 của Tổng cục Thống kê, trong tổng số 442.485 DN có 427.710 DN thuộc KTTN, chiếm tới gần 96,7%.
Sự hạn chế về nguồn lực gắn liền với sự hạn chế về trang bị công nghệ và khả năng đổi mới công nghệ. Năm 2015, trong khi chiếm tới 96,7% tổng số DN, nhưng vốn kinh doanh bình quân của các DN này chỉ chiếm 49,77% tổng vốn kinh doanh của các DN, giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn chỉ chiếm 36,9%; trang bị tài sản cố định bình quân 1 lao động chỉ đạt 173,4 triệu đồng, bằng 23,5% của DN nhà nước và 62,9% của DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Hệ lụy tất yếu của tình trạng này là hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các DN thuộc thành phần KTTN còn thấp kém so với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng, doanh nghiệp rất cần quyết sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ |
Phải suy nghĩ toàn cầu
Từ thực tế, Ts. Phan Thế Công, Đại học Ngoại Thương, đánh giá sau 30 năm, nền công nghiệp Việt Nam chưa tạo ra được sản phẩm gì đáng kể, buộc chúng ta phải nhìn nhận thẳng vào một sự thật đáng buồn là DNTN Việt đang còn rất yếu, chưa thể trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng.
“Thực lực yếu cộng với việc các DN không tạo nên được chuỗi liên kết với nhau và liên kết với nước ngoài dưới danh nghĩa DN Việt nên dù số lượng không nhỏ, DN Việt không tạo được sức mạnh như đàn kiến, cố kết với nhau tạo thành một quả cầu để băng qua suối”, ông Công ví von.
Nguyên nhân một phần theo phản ánh của nhiều DN, dẫu Nhà nước có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển, nhưng hiện vẫn đang tồn tại hàng loạt yếu tố cản trở sự phát triển KTTN.
Đa phần DNTN chịu sự quản lý trực tiếp của cấp chính quyền cơ sở, nơi chất lượng đội ngũ công chức còn thấp, nạn tham nhũng vặt còn phổ biến. Tình trạng cải cách, đổi mới “nóng trên, lạnh dưới”, nên tác động đổi mới của thể chế đến với DNTN còn yếu, họ vẫn phải chi trên 10% doanh thu để “bôi trơn” trong khi cạnh tranh toàn cầu làm cho lợi nhuận chỉ còn rất nhỏ.
Trong khi đó, theo Gs. Nguyễn Quang Thái, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam, khu vực tư nhân trong nước làm ra nhiều của cải nhất, sử dụng nhiều lao động nhất dù tay nghề thấp, nhưng không được đối xử bình đẳng như DN nhà nước “trụ cột” hay “ưu đãi thảm đỏ” dành cho FDI. Nguyên nhân của các rào cản này là tư duy cũ và bộ máy quản trị quan liêu.
“Việc xóa bỏ rào cản này đòi hỏi tư duy phát triển hiện đại và những quyết sách mạnh mẽ từ Chính phủ. Đó không đơn giản chỉ là việc thay đổi chính sách mà còn là những hành động cụ thể từ chính những người thực thi chính sách… Một chính sách có tốt đến đâu nhưng người trực tiếp thực thi không hành động tích cực cũng là rào cản của nền kinh tế. Cả nước kỳ vọng vào một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, để chính sách không chỉ nằm trên giấy, để những quyết tâm không chỉ là những hô hào tại các hội nghị, hội thảo…”, ông Thái nói.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các DNTN cần xác định rõ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, hoạt động của mình đang và sẽ đầu tư, điểm mạnh, điểm yếu, tìm hiểu kỹ các đối thủ tiềm năng.
“Nâng cao năng lực quản trị phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường theo hướng hiện đại. Học tập tinh thần kinh doanh của các DN nhỏ ở các làng nghề Nhật Bản: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương” – (Think globally, act locally)”, Ts. Nguyễn Kế Tuấn khuyến nghị.
Lê Thúy
Ts. Phan Thế Công - Đại học Thương mại Nếu như các DNTN đủ lớn để trở thành đối tác cạnh tranh với tập đoàn nhà nước cũng sẽ là động lực để nâng cao hiệu quả kinh tế của khu vực tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng hiệu quả, minh bạch. Khi đó, các đầu tàu kinh tế sẽ thực sự mạnh và việc giám sát hiệu quả của khu vực DN nhà nước sẽ theo hướng thị trường hơn. Gs.Ts. Nguyễn Kế Tuấn - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Việc phát huy ngày càng đầy đủ hơn vai trò “động lực quan trọng của nền kinh tế” phụ thuộc trực tiếp vào năng lực nội sinh của các chủ thể KTTN. Để thực hiện yêu cầu này, một mặt cần có sự nỗ lực của bản thân các nhà đầu tư tư nhân; mặt khác đòi hỏi phải đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước phù hợp với các nguyên tắc thị trường. Bà Lê Thị Trâm Anh - Đại học New South Wales, Australia Nếu Nhà nước đưa được Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII đi sâu vào cuộc sống, xuyên suốt được từ trung ương tới cơ sở, lắng nghe và giải quyết thỏa đáng các ý kiến từ DN, đổi mới các hiệp hội DN, hạ thấp từng bước lãi vay… thì DNTN năm 2018 sẽ có nhiều bước phát triển mạnh cả về lượng và chất, đem lại đóng góp cao và nhiều hơn cho sự phát triển chung của đất nước. |