Tại Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào top 10. Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, cốt lõi là sự phát triển của các DN đầu tư trong ngành nông nghiệp.
Nông dân vẫn là nhà đầu tư lớn nhất
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB), nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt nhiều thách thức. Cụ thể, các chuỗi giá trị nông nghiệp hiện còn phân tán và rời rạc, các hoạt động hợp tác tập thể còn rất hạn chế ở cấp nông hộ và sự phối hợp gắn kết theo chiều dọc còn yếu. Những hạn chế này đã gây cản trở cho các nhà đầu tư tư nhân trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam vì chi phí giao dịch cao.
Hiện nay, chưa đến 2% giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được thực hiện trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ và không mang lại nhiều giá trị gia tăng.
Các nhà đầu tư chỉ đơn thuần mua nguyên liệu thô từ nông dân, sau đó sơ chế và xuất khẩu hàng hóa không có giá trị gia tăng sang thị trường nước ngoài – nơi sản phẩm được hoàn thiện và bán với giá cao hơn nhiều.
Nông dân vẫn là những nhà đầu tư tư nhân lớn nhất trong nông nghiệp và phần lớn trong số họ chưa tham gia vào các chuỗi giá trị nông nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cho biết cả nước hiện có khoảng hơn 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước; nhưng các DN trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số DN với số lượng 7.600 DN. Còn lại là các DN trong chuỗi các ngành liên quan đến nông nghiệp như chế biến, cung cấp nguyên liệu đầu vào, dịch vụ thương mại…
Nguồn vốn của DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8-10% tổng nguồn vốn của toàn khu vực DN, trong đó vốn của các DN trực tiếp sản xuất chỉ chiếm khoảng 1%.
Trong giai đoạn vừa qua, doanh thu của DN trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng tăng nhẹ, chiếm 15-16% doanh thu của toàn bộ DN trong nền kinh tế nhưng lợi nhuận của các DN nhóm ngành trực tiếp sản xuất lại có xu hướng giảm. Nhìn chung, lợi nhuận bình quân của một DN trong ngành trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 1,08 tỷ đồng/năm.
Nguyên nhân được đại diện Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam) chỉ ra là quá trình tích tụ đất đai diễn ra chậm, manh mún vì vướng các quy định về hạn mức giao đất đang là yếu tố cản trở người dân và DN đầu tư dài hạn vào nông nghiệp trong khi 96% diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, do chưa có quy định rõ ràng về việc hỗ trợ DN thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân nên việc triển khai các dự án đầu tư của DN sản xuất quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn.
Các DN phần lớn có quy mô nhỏ, khó tiếp cận được nguồn vốn lớn dẫn đến công nghệ lạc hậu, khó cạnh tranh, chi phí sản xuất cao dẫn đến lợi nhuận thấp, không có kinh phí để mở rộng và nghiên cứu những công nghệ mới. Trong khi đó, đa số các ngân hàng thương mại Việt Nam chỉ cho vay nguồn vốn ngắn và trung hạn với lãi suất không thật sự ưu đãi.
"Các DN đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi số vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn dài nên rất cần sự đảm bảo ổn định và bền vững của quy hoạch khi quyết định đầu tư. Đồng thời khâu giám sát việc thực hiện đầu tư theo quy hoạch cần được quy định chặt chẽ, tránh hiện tượng chồng chéo, gây thiệt hại cho DN đầu tư nông nghiệp theo quy hoạch", đại diện DAA Việt Nam kiến nghị.
10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam phải đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới |
Ưu đãi như doanh nghiệp điện tử
Bà Thái Hương, nguyên Chủ tịch Tập đoàn sữa TH True Milk, chia sẻ mặc dù đầu tư nhiều tiền của để ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật cao vào quy trình sản xuất, chuỗi sản phẩm của mình như hệ thống tưới tiêu, công nghệ sinh học, cây trồng, thực phẩm hữu cơ Organic…, nhưng DN này vẫn chưa thu được lợi nhuận từ công nghệ cao.
Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty cổ phần Bagico Nguyễn Thị Thành Thực cũng cho biết không ít người đổ tiền vào nông nghiệp công nghệ cao, vay nợ nhưng cuối cùng phá sản, mang nợ và mất cả đất đai. Họ lâm vào tình cảnh như vậy vì thiếu thông tin, không được tiếp cận khoa học kỹ thuật, đặc biệt họ là người yếu thế.
"Tại Trung Quốc, ngay cả địa phương nhỏ cũng có hiệp hội ngành hàng hỗ trợ DN, nhưng những người Việt Nam xuất khẩu hàng, làm thương mại ở thị trường Trung Quốc lại không có bất kỳ tổ chức nào. Chúng tôi vô cùng yếu thế và manh mún", bà Thực chia sẻ.
"Hiện có nhiều ưu đãi cho đầu tư điện tử, lập nhiều tổ chức hỗ trợ, vậy hà cớ gì không làm điều đó với nông nghiệp – một ngành mà Việt Nam có nhiều lợi thế?", bà Thực kiến nghị.
Theo Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân, thành tựu vừa qua của nền nông nghiệp Việt Nam có vai trò đóng góp lớn của hộ nông dân. Nhưng thời đại ngày nay, hộ nông dân không thể trụ được nữa. Liên kết toàn cầu thì vai trò phải là hợp tác xã, liên hiệp, liên minh DN lớn và nhỏ trong nông nghiệp.
Ông Nhân khẳng định: "Cách mạng 4.0, Việt Nam phải nghiên cứu làm đồng ruộng thông minh, gieo cấy tự động, tưới nước, đo lượng nước tự động và đặc biệt phải thu hoạch và chế biến thông minh".
Trước những khó khăn mà cộng đồng DN chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành tháng 4/2018. Đặc biệt, đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo Thủ tướng, thị trường tiêu thụ là vấn đề rất lớn, mấy năm trở lại đây, Việt Nam đã xuất hiện tình trạng dư thừa: "Nông sản của chúng ta rất ngon nhưng chất lượng không đi liền với thương hiệu, đó là lỗi của tổ chức thị trường. Chúng ta phải làm lại và làm thật chặt vấn đề này".
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đổi mới cơ chế hỗ trợ DN, xúc tiến mở rộng thị trường theo nguyên tắc trước khi gieo hạt giống cần nghĩ tới thị trường tiêu thụ ở đâu.
"Nhà nước sẽ trao quyền cho thị trường nhiều hơn. Chính phủ chỉ đóng vai trò kiến tạo, tức là tạo điều kiện và hỗ trợ chứ không phải làm thay vai trò thị trường", Thủ tướng nhấn mạnh.
Lê Thúy
Giám đốc Quốc gia của WB - Ousmane Dione Cần có một chiến lược thu hút đầu tư FDI rõ ràng và có mục tiêu cụ thể, tập trung không chỉ vào thu hút đầu tư, mà còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thành lập DN và gia nhập thị trường; tạo niềm tin để nhà đầu tư duy trì và mở rộng hoạt động của mình và hỗ trợ phát triển mối liên kết giữa các hoạt động đầu tư FDI và khu vực tư nhân địa phương. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT - Nguyễn Chí Dũng Cộng đồng DN, doanh nhân cần đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh, phát huy vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết, chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực của các hộ nông dân, hợp tác xã theo hướng sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Tăng cường ứng dụng KHCN tiên tiến trong sản xuất kinh doanh bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Cộng đồng DN, doanh nhân cần phát huy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa DN, say mê hơn nữa với nghề để thúc đẩy thành công. Tất cả hãy nỗ lực, chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ và người dân đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. |