Thời gian gần đây, một số lô hàng nông sản của Việt Nam đã bị cơ quan hữu quan châu Âu phát đi cảnh báo về vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), trong tháng 10/2021, Hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) đã đưa ra 4 thông báo đối với sản phẩm thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Còn tư duy... làm phiên phiến
Cụ thể là cảnh báo số 2021.5398 ngày 7/10 với quả chôm chôm; cảnh báo số 2021.5783 ngày 26/10 với mộc nhĩ khô; cảnh báo số 2021.5861 ngày 27/10 với hạt tiêu đen; cảnh báo số 2021.5839 ngày 28/10 với sản phẩm bột quế từ Việt Nam.
Nông sản Việt Nam vẫn xuất hiện khiêm tốn trên kệ siêu thị ở thị trường EU. |
Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp (DN) cần lưu ý tuân thủ nghiêm túc các quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo không bị cảnh báo vi phạm, tránh ảnh hưởng đến uy tín. Đối với các sản phẩm trái cây, gia vị cần kiểm soát và sử dụng đúng quy định các hoá chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quy trình sản xuất và chế biến như nguồn nguyên liệu, sơ chế, đóng gói, lưu trữ và vận chuyển…
Là đơn vị đang nhập khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Bỉ, bà Nguyễn Minh Liên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamex, chia sẻ hàng nông sản Việt Nam hay gặp vướng về quy định an toàn thực phẩm. Nhiều khi DN Việt Nam cứ nghĩ đơn giản xuất khẩu qua đến cảng là xong, nhưng thực tế cơ quan quản lý của châu Âu truy xuất nguồn gốc hàng hóa đến khi lên kệ siêu thị. Bộ phận quản lý sẽ lấy mẫu trên sản phẩm để đem về kiểm tra, nếu không đạt yêu cầu thì cả lô hàng sẽ bị truy hồi, tiêu huỷ.
Điều này gây ra thiệt hại cho DN nhập khẩu, phân phối cũng như chính DN Việt Nam. Trong hợp đồng, DN Việt Nam phải chịu trách nhiệm tới khi hàng hóa ra thị trường. Thực tế, có nhiều DN Việt Nam đã bị trừ tiền do vi phạm điều này, bởi thu hồi và tiêu thụ sản phẩm sẽ tốn thêm một khoản chi phí rất lớn.
Bà Liên kể về các trường hợp mà Vinamex gặp phải như khi nhập một lô hạt điều từ Việt Nam, Vinamex có quy định rõ ràng dư lượng kim loại hoặc ngoại vật tồn dư trong sản phẩm. Nhà cung ứng Việt Nam nói tồn dư chỉ 5% nhưng qua Bỉ phát hiện mảnh kim loại to, lượng đất cát nhiều hơn hợp đồng quy định. Sau đó, cả lô hàng dù đưa vào sản xuất vẫn bị cơ quan quản lý yêu cầu truy hồi, đền bù lô hàng lên tới hơn 120% giá trị.
Hay một lô hàng trái cây thanh long từ Việt Nam, sau khi cập cảng kiểm tra chất lượng rất tốt nhưng bày lên kệ siêu thị 3 ngày đã biến đổi màu sắc. "Chúng tôi không hiểu là do chất lượng lô hàng vốn dĩ không tốt hay do quy trình bảo quản sai cách, dù Vinamex đã tư vấn cho DN Việt Nam rất nhiều về khâu bảo quản nhưng dường như phía DN Việt vẫn còn suy nghĩ theo cách làm phiên phiến cho có", bà Liên nêu vấn đề.
Trong khi về phía nhà xuất khẩu, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu bày tỏ mong muốn các đơn vị sản xuất nông sản cần tuân thủ đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn đã liên kết với DN. "Chúng tôi không lo lắng về tìm kiếm đầu ra, mà lo nhất là số lượng và chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn không đúng như kế hoạch đề ra", bà Vy nói.
Theo phản ánh của nhiều DN xuất khẩu trái cây Việt Nam, thông thường sau khi thu hoạch 1 tấn trái cây thì chỉ lựa được khoảng 30-40% sản lượng đạt chuẩn để xuất khẩu, số còn lại phải chuyển sang chế biến.
Chưa tận dụng được cơ hội từ EVFTA
Vì vậy, các DN kiến nghị Bộ NN&PTNT đẩy mạnh các chương trình tập huấn, khuyến cáo nông dân, HTX làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của mọi thị trường với chất lượng đồng đều. Đây cũng là cách hạ giá thành sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiểu, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, mỗi năm EU nhập khẩu 35 tỷ Euro sản phẩm rau quả, chiếm tỷ trọng tới 45-50% lượng rau quả nhập khẩu của thế giới. Việt Nam hiện đứng 25 trong số các nước cung ứng rau quả vào thị trường EU-27, với thị phần khiêm tốn 1%.
Sản phẩm nông sản vào EU phải đáp ứng các quy định như tuân thủ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm: ISO 9001, ISO 22000, HACCP, GlobalGAP.
Về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, EU đã thiết lập mức tối đa dư lượng cho thuốc bảo vệ thực vật các loại hóa chất đối với sản phẩm thực phẩm. Tất cả sản phẩm sẽ bị trục xuất khỏi thị trường châu Âu nếu có chứa thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp hoặc lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư cao hơn so với giới hạn mà quy định đặt ra. Tiêu chuẩn về mức độ dư lượng tối đa của các loại thuốc bảo vệ thực vật được xem xét sửa đổi liên tục. Ngoài ra, EU còn kiếm soát chất gây ô nhiễm trong thực phẩm, quy định kiểm dịch thực vật, vùng trồng, thu hái, bảo quản...
Theo TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, đâu đó còn một số sản phẩm bị cảnh báo về mức dư lượng. Vì vậy, Việt Nam cần làm sao tổ chức sản xuất, canh tác để giảm thiểu tối đa các vi phạm này. Hiện nay, thách thức của nền nông nghiệp Việt Nam là sản xuất nhỏ lẻ, do vậy phải liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm. Nông dân, DN phải thay đổi nhận thức để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ông Nam ví dụ, sản phẩm tinh bột sắt lâu nay chủ yếu phụ thuộc thị trường Trung Quốc với 90% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, tại thị trường châu Âu, ưu đãi từ Hiệp định EVFTA và Hiệp định EKFTA cho hạn ngạch nhập khẩu với ưu đãi thuế quan lên tới 50.000 tấn tinh bột sắn. "Rõ ràng việc tinh bột sắn không tận dụng được ưu đãi thuế quan trên để thâm nhập thị trường châu Âu là rất đáng tiếc", ông Nam nói.
TS. Nguyễn Đắc Bình Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH&CN) đánh giá, ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, do vậy cần tìm hiểu rõ yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, quy trình liên quan để phát triển ở từng thị trường. Bên cạnh đó, sản xuất ở quy mô tập trung, tối thiểu phải 10ha.
Ông Vũ Bá Phú Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Sau hơn 1 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam đạt được kết quả ban đầu khích lệ nhưng nhìn nhận một cách thẳng thắn, đánh giá hiệu quả hiệu quả khai thác EVFTA chưa như kỳ vọng mong muốn. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu với mặt hàng nông sản vào EU còn nhỏ, đâu đó 1-2% thị phần. Một trong những nguyên nhân là năng lực tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với nông sản, tiếp cận thị trường còn khiêm tốn. Bộ Công Thương đang tìm kiếm các DN châu Âu để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và cùng đồng hành với Việt Nam để giải quyết bài toán về công nghệ bảo quản, quy trình sản xuất an toàn... Ông Võ Văn Long Chủ tịch Hiệp hội DN Việt Nam tại Đức Thị trường ở châu Âu cũng như ở Đức đang rộng mở cho nông sản, thực phẩm Việt Nam. Điều quan trọng là Việt Nam phải cố gắng chiếm thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa. Mùa Đông ở Đức, việc sản xuất nông sản gặp khó khăn, trong khi ở Việt Nam khá dồi dào, do vậy nông sản của chúng ta cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, tránh tình trạng được mùa lại rớt giá. Người tiêu dùng Đức sẵn sàng mạnh tay chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm đạt chất lượng cao. Ông Trần Ngọc Quân Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ, EU Cơ hội từ Hiệp định EVFTA rất lớn nên mỗi DN phải tự ý thức làm ăn bài bản, đàng hoàng để thiết lập các quan hệ bền vững, lâu dài với thị trường EU. Việc quản lý chất lượng, dư lượng cần đặc biệt lưu ý, không chỉ sản phẩm đầu ra của DN mình mà cũng cần quản lý cả chất lượng của những đơn vị đối tác cung ứng các sản phẩm phụ gia... Do vậy, việc sản xuất bài bản, nghiêm túc từ vùng nguyên liệu đến chế biến có ý nghĩa quan trọng trong tiếp cận thị trường các nước phát triển, trong đó có EU. |
Lê Thúy