Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở tỉnh Bình Dương - địa phương hiện có số ca nhiễm SARS-CoV-2 đứng thứ nhì cả nước trong dịch Covid-19 đợt 4, đang đối mặt thách thức lớn khi phải thực hiện phương thức “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất.
Nhu cầu cao, áp lực lớn
Qua khảo sát sơ bộ với 100 doanh nghiệp (DN) hội viên Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (Bifa), có 71 DN đang thực hiện “3 tại chỗ” và 29 DN tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Trong số đó, có 8 DN đã xuất hiện ca “F0” trong nhà máy.
Các DN hy vọng dịch Covid-19 đợt 4 sớm được đẩy lùi để phát triển sản xuất, đáp ứng các đơn hàng trong 5 tháng cuối năm 2021. |
Đình trệ sản xuất do có ca “F0”, hay những khó khăn khi thực hiện “3 tại chỗ” dẫn đến việc làm sao để đảm bảo thời hạn cho các đơn hàng xuất khẩu (XK) trong các tháng tới là cả áp lực nặng nề cho các DN ngành gỗ.
Cần ghi nhận là ngành gỗ XK ở Bình Dương từ đầu năm đến nay đạt tăng trưởng khá tốt (riêng 6 tháng đầu năm đạt kim ngạch hơn 3,55 tỷ USD, tăng 61,4% so với cùng kỳ năm ngoái).
Không những vậy, XK đồ nội thất phòng khách và phòng ăn của Bình Dương được dự báo có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch ở các thị trường chủ lực đang có nhu cầu cao như Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan, EU, Nhật Bản, Singapore…
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội giữa bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, điều kiện tiên quyết là các DN ngành gỗ phải duy trì được sản xuất, đảm bảo được công suất, tránh không để chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy.
Theo dự báo mới đây từ Bộ Công Thương, đồ gỗ là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam có nhu cầu XK tăng cao trong 5 tháng cuối năm 2021 sau khi các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm này.
Như chia sẻ của ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Bifa, mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn vẫn rất khả quan, có nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.
Ngoài mặt hàng gỗ, các sản phẩm XK chủ lực khác của Việt Nam như dệt may, thuỷ sản, điện tử, máy móc thiết bị cũng được dự báo có nhu cầu tăng cao trên các thị trường lớn trong 5 tháng cuối năm 2021.
Bộ Công Thương nhận định, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Không những vậy, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành XK, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Nỗ lực duy trì sản xuất
Hơn thế nữa, giá hàng hóa XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị XK trong các tháng cuối năm nay.
Đối với các mặt hàng XK chủ đạo như điện tử, dệt may và da giày, theo giới chuyên gia, với đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, cùng xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các DN có thể có thêm các đơn hàng XK mới.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lưu ý “trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các DN đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn và cần phải có quá trình”.
Điều này có thể thấy rõ ở ngành dệt may, da giày. Ghi nhận ở Đồng Nai (nơi tập trung khá đông đảo các DN XK hàng may mặc, giày dép) trong tháng 7/2021 cho thấy, hai ngành này chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19 đợt 4 gây ra.
Nguyên do là các nhà máy may mặc, giày dép nằm trong các vùng phong tỏa, xuất hiện ca “F0”, khó thực hiện phương châm “3 tại chỗ” dẫn đến phải tạm dừng hoạt động.
Hệ luỵ tất yếu là kim ngạch XK của hai mặt hàng này ở Đồng Nai trong tháng 7 vừa qua đã giảm đáng kể. Cụ thể, dệt may có kim ngạch XK gần 152 triệu USD, giảm 8,5% so với tháng trước; kim ngạch XK giày dép ước đạt hơn 402 triệu USD, giảm gần 7%.
Đại diện một DN XK giày dép cho biết, trong tháng 7 do dịch bệnh “leo thang”, DN phải tạm dừng hoạt động 5 nhà máy tại Đồng Nai nên doanh thu gần như không có. Trong khi 6 tháng trước đó, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt thì DN mỗi tháng XK được 4 triệu đôi giày.
Những khó khăn do dịch bệnh đã làm cho kim ngạch XK của cả nước trong tháng 7 vừa qua giảm 0,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm nên lũy kế XK 7 tháng kim ngạch XK hàng hóa của cả nước ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.
Để giữ được đà tăng trưởng XK trong 5 tháng cuối năm nay, điều quan trọng là các DN phải cố gắng duy trì được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu từ các thị trường lớn.
Muốn làm được điều này, dịch Covid-19 đợt 4 cần sớm được đẩy lùi, công nhân tại các nhà máy được tiêm vắc xin. Mặt khác, các DN cũng cần được giải pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi sản xuất, XK trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |