Trong cuộc họp trực tuyến đầu tuần này của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với các doanh nghiệp (DN) có vốn của Vinatex ở khu vực phía Nam (như các tổng công ty may Việt Tiến, Phong Phú, dệt may miền Nam, may Nhà Bè, Việt Thắng), vấn đề hiện hữu mà các DN lo lắng nằm ở rủi ro nguy cơ khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác.
Lo khó duy trì sản xuất
Như phản ánh của nhiều DN dệt may ở phía Nam với lãnh đạo Vinatex thì họ đã tổ chức làm việc “3 tại chỗ” nhưng gặp nhiều trở ngại dẫn đến việc duy trì sản xuất theo phương án này sẽ không được lâu dài.
Giữa tác động nặng nề của dịch Covid-19 đợt 4, các DN dệt may đang đứng trước rủi ro mất đơn hàng trong thời gian tới. |
Nguyên nhân do lực lượng lao động đăng ký ở lại nhà máy tham gia sản xuất “3 tại chỗ” không đồng đều, có nơi chỉ tổ chức được 10-20% trên tổng số lao động của nhà máy, năng suất lao động giảm.
Đặc biệt là các nhà máy trong địa bàn Tp.HCM hầu như ngưng trệ từ ngày 26/7 khi người dân không được ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau dựa trên lệnh giới nghiêm để tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 đợt 4.
Theo các DN dệt may này, phương thức “3 tại chỗ” chỉ được coi là giải pháp trước mắt trong ngắn hạn từ 3-4 tuần để có thể hoàn thành nốt các đơn hàng đã ký kết với khách hàng nhằm giảm thiểu thiệt hại. Còn hầu hết các DN đang gặp phải tình trạng khó khăn chưa từng có và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.
Nhất là các DN quan ngại có xuất hiện ca F0 trong nhà máy làm gián đoạn sản xuất, có thể phá hỏng toàn bộ những cố gắng mà DN đang thực hiện. Và khi hết thời gian phong tỏa các nhà máy có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt đơn hàng.
Trước đó vài ngày, ở một cuộc họp trực tuyến khác với các DN thành viên, ông Đặng Vũ Hùng, Tổng giám đốc Vinatex, cũng đã cảnh báo nguy cơ khách hàng lớn của ngành may chuyển đơn hàng sang nước khác để sản xuất dẫn đến tình trạng DN không có đơn hàng, lao động không có việc làm sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh.
Còn trong cuộc họp trực tuyến hồi tuần rồi của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) với 11 Hiệp hội ngành hàng công nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp trong dịch Covid-19 đợt 4, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng đã lưu ý về nỗi lo của ngành dệt may trong những tháng cuối năm.
Theo ông Cẩm, nếu dịch không kiểm soát tốt, nhà máy phải đóng cửa, công nhân không có việc làm hoặc không trở lại nhà máy làm việc, đơn hàng không thực hiện được dẫn đến việc khách hàng phạt và nghiêm trọng hơn là chuyển dịch đơn hàng sang quốc gia khác trong các năm tiếp theo.
Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 đợt 4 vẫn đang diễn biến khá phức tạp ở trong nước thì các DN dệt may cũng phải đối mặt với việc các khách hàng sẽ cân nhắc lại, có thể dừng việc ký tiếp hợp đồng đặt hàng tiếp cho quý 4/2021 và các năm tiếp theo.
Chờ “liều thuốc” giảm rủi ro
Ngoài ra, với các DN dệt may vừa và nhỏ, khi những tháng trước đó nhận được nhiều đơn hàng, nhưng do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như hiện tại thì họ cũng không thể chuyển đơn hàng đi đâu được.
Trong khi đó, đối với các mặt hàng nặng tính mùa vụ như thời trang, quần áo… nhà máy sản xuất khi ký hợp đồng có thời gian giao hàng rất khắc nghiệt, nếu chậm tiến độ sẽ có hậu quả phạt khủng khiếp.
Không những vậy, theo bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động, nếu đơn hàng may giao muộn phải chuyển bằng máy bay thì chi phí đội lên khủng khiếp, nhà máy sản xuất chịu mức phạt cao, có thể sẽ phải làm không công rất lâu để có thể bù lại.
Thậm chí, có khả năng, các hãng có thể chuyển hẳn đơn hàng sang các nước hiện không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, khiến DN dệt may của Việt Nam mất thị phần trong chuỗi cung ứng. Đó là những rủi ro rất lớn về chuỗi cung ứng trong ngành dệt may mà hiện nay Tp.HCM, Đồng Nai hay Bình Dương đang gặp phải.
Có thể nói tình trạng bùng phát của dịch Covid-19 đợt 4 như chặn đứng sự “hưng phấn” của các DN dệt may sau nỗ lực trong hoạt động xuất khẩu (XK) mà họ đã làm được nửa đầu năm nay. Như số liệu cho thấy tổng kim ngạch XK hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 18,47 tỷ USD, tăng 19,22% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 2,47% so với cùng kỳ 2019.
Điều đáng nói, khi dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát, đã tập trung chủ yếu ở các địa phương có số lượng lớn khu công nghiệp và các DN chế biến. Việc này khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, như trường hợp của nhiều DN dệt may. Họ buộc phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng XK.
Để có “liều thuốc” nhằm hạn chế phần nào rủi ro mất đơn hàng XK trong thời gian tới, điều mong mỏi của ngành dệt may trong lúc này là cần ưu tiên cho các DN dệt may sớm được tiêm vắc xin (có thể cân nhắc trên cơ sở DN tự chịu chi phí) nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và để DN có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, nên áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, các DN làm tăng ca cho kịp tiến độ giao hàng.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |