Sáng 3/8, Bộ NN&PTNT tổ chức họp trực tuyến với Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản phía Bắc và phía Nam. Một trong những vấn đề được nêu ra ở cuộc họp là đầu ra của trái thanh long.
Thanh long rớt giá mạnh
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết, vừa rồi tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), khi phía Trung Quốc lấy mẫu trên thùng xe chở thanh long Việt Nam có phát hiện bị dương tính với với virus SARS-CoV-2. Họ đã dừng thông quan một ngày để làm công tác khử khuẩn. Tuy nhiên, sau vụ việc, việc thông quan trái cây rất chậm. Ước tính mỗi ngày chỉ 20-30 xe qua được cửa khẩu.
Đầu ra của trái thanh long gặp khó do tắc nghẽn đường sang Trung Quốc. |
Theo ông Hòa, điều đó đã ít nhiều ảnh hưởng tới xuất khẩu trái cây, đặc biệt là trái thanh long với khối lượng mỗi năm xuất khẩu hơn 1 triệu tấn sang Trung Quốc. Vì vậy, "Bộ NN&PTNT sẽ thông báo tới các địa phương để nắm tình hình. Hiện, giá thanh long tại Tiền Giang xuống 6.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm chưa phải thực hiện giãn cách xã hội là 25.000 - 27.000 đồng/kg, loại ngon là 35.000 - 40.000 đồng/kg. Trong thời gian tới, các địa phương trồng thanh long cần lưu ý việc mở rộng diện tích, sản lượng", đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.
Được biết, trước đó, phía Trung Quốc cũng đã thông báo về việc cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) sẽ tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ 0h ngày 18/7 đến 24h ngày 17/8/2021. Điều đó có nghĩa, xuất khẩu trái thanh long sang Trung Quốc có thể gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Không riêng trái thanh long, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng cho hay, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), cách đây 2 hôm, phía Trung Quốc phát hiện mẫu COVID-19 ở măng cụt của Việt Nam nên hiện nay đã tăng cường kiểm soát dịch bệnh rất chặt.
Trước đây, phía Trung Quốc chỉ kiểm tra cả xe hàng, giờ từng thùng hàng đều phải phun khử trùng, lượng hàng đi chậm. "Ngày 2/8, tại cửa khẩu Tân Thanh chỉ thông quan được 97 xe, giảm 60-70% so với trước đó. Ước tính, lượng xe tồn ở bãi lên vài trăm xe, chủ yếu thanh long", đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng cho hay, đơn vị này vẫn trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc về kiểm dịch thực vật, để kiểm soát tình hình tốt hơn. Tuy nhiên, việc kiểm soát xe hàng chậm do khâu y tế - cụ thể là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phía Trung Quốc kiểm dịch. Do vậy, các địa phương, cơ quan quản lý Việt Nam cũng cần làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc để sớm thống nhất quy trình kiểm dịch COVID-19 trên hàng hoá để đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hoá.
Lên kịch bản ứng phó
Bộ Công Thương đánh giá, thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đã khiến việc xuất khẩu các loại nông sản nói chung và thanh long Việt Nam nói riêng qua Trung Quốc bị ảnh hưởng; một số cửa khẩu ngừng thông quan trong một số thời điểm để kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hàng hóa tồn đọng.
Thanh long được trồng ở một số tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó tỉnh Bình Thuận được coi là “thủ phủ” của loại cây này. Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 33.750 ha canh tác cây thanh long, trong đó diện tích thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 11.000 ha, GlobalGAP đạt 517 ha. Năm 2020, sản lượng thanh long thu hoạch đạt gần 700.000 tấn.
Thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, phần ít còn lại là xuất khẩu chính ngạch sang các quốc gia và vùng lãnh thổ: Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Quatar, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, Đức, Hà Lan…
Để tháo gỡ khó khăn, vào ngày 5/8 tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nông sản của các nước đang tăng lên, trong đó có mặt hàng trái cây. Do vậy, Việt Nam cần phải chuẩn bị nguồn hàng, tích trữ trái cây để hết giãn cách có thể đẩy mạnh xuất khẩu bằng đường biển nhằm giảm chi phí vận chuyển.
Việc xuất khẩu trái cây bằng đường hàng không có chi phí rất cao. Ông Nam dẫn chứng, 1kg thanh long đi bằng máy bay giá 6 USD/kg, cộng với chi phí nhân công lên tới 8 USD/kg, trong khi chỉ bán được 9 USD/kg.
Về việc xuất khẩu trái cây qua Trung Quốc, ông Nam cho rằng, các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT, các địa phương cần cập nhật diễn biến tình hình phía Trung Quốc để có kế hoạch đưa hàng lên biên giới, tránh ùn ứ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, bao gồm: Thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc đã đồng ý phương án cho xuất khẩu tạm thời 2 mặt hàng là khoai lang và sầu riêng.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thị trường Trung Quốc hiện nay đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, đặc biệt là Trung Quốc rất chú trọng mã số vùng trồng. Yêu cầu này bắt buộc đối với hàng hóa của tất cả các quốc gia. Để xuất khẩu bền vững sang thị trường lớn này, cần đẩy mạnh xây dựng các mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đảm bảo minh bạch, an toàn đối với hàng rau quả của Việt Nam.
Mặt khác, để đảm bảo thông suốt việc XK trái cây cần phải tạo thuận lợi cho bà con nông dân, đội thu hái trái cây của doanh nghiệp có thể được đi tới các địa phương thực hiện thu hoạch. Nếu không tổ chức tốt điều này, XK rau quả sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Nhật Linh