Những năm gần đây, diện tích sản xuất hồ tiêu trên địa bàn xã Bình Sơn liên tục bị sâu bệnh, giá cả bấp bênh khiến cuộc sống của nhiều nông dân lâm vào khó khăn. Trước tình trạng này, địa phương đã định hướng người dân chuyển đổi sang một số loại cây mới, trong đó có cây thanh long ruột đỏ.
Chú trọng bảo vệ môi trường
Các thành viên HTX Xuân Trường đều là những hộ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ với mong muốn nâng cao thu nhập. Để giúp người nông dân không thất vọng với cây thanh long và hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường trong trồng tiêu trước kia, HTX tăng cường hướng dẫn cho bà con nông dân sử dụng phân bón đúng quy cách và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình.
Nếu người dân sử dụng phân gia súc bón cho cây thanh long thì cần tuân thủ các bước xử lý, ủ hoai rồi mới bón vào gốc cây. Bón xong, người dân lấy đất bùn đắp hoặc moi đất xung quanh rồi ủ kín phân xuống cho phân tiếp tục hoai dần, tạo nguồn dinh dưỡng từ từ cho cây. HTX cũng hướng dẫn người dân lấy lục bình hoặc rơm phủ lên gốc để khi tưới nước có thể giữ độ ẩm lâu ngày cho cây thanh long.
Chuyển hướng sang trồng thanh long VietGAP giúp nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường. |
Ban giám đốc HTX cũng tích cực tuyên truyền để người dân xây dựng mô hình đồng ruộng sạch, thay đổi nhận thức khi sử dụng phân gia súc, gia cầm chăm bón thanh long cần xử lý, ủ hoai trước. Trên đồng ruộng cần có bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật, khu vực thu gom rác hữu cơ riêng biệt.
Bà Nguyễn Thị Năm, thành viên HTX cho biết, do HTX kết hợp cùng với ngành chức năng nên công tác kiểm tra việc áp dụng quy trình sản xuất diễn ra thường xuyên. Chính vì vậy, các hộ phải nghiêm túc chấp hành quy trình sản xuất VietGAP thì mới được hỗ trợ thu mua.
Trong năm 2020, các thành viên đã được tham gia lớp tập huấn về sản xuất thanh long sạch, thân thiện với môi trường nên ai cũng biết đến kỹ thuật sử dụng thuốc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách). Ngoài ra, hoa, cành và quả thanh long thải loại đều được tận dụng ngâm ủ thành nguồn phân hữu cơ. Chính vì thế mà quá trình trồng thanh long bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, đất đai ngày càng tơi xốp.
Hiện, HTX còn ứng dụng kỹ thuật xông đèn cho trái nghịch mùa, nên hiệu quả kinh tế của cây thanh long rất cao. Trung bình thanh long cho trái nghịch mùa có lợi nhuận từ 200 - 400 triệu đồng/ha/vụ.
Hướng đến xây dựng thương hiệu
Ông Nguyễn Tiến Lượng, thành viên HTX cho biết gia đình ông đang trồng 750 trụ thanh long ruột đỏ, lắp đặt hệ thống tưới tự động kết hợp béc phun gắn cố định dưới gốc cây và thực hiện chong đèn kích cây ra hoa trái vụ nên thanh long cho trái quanh năm. Bên cạnh đó, ông Lượng sử dụng phân chuồng, phân vi sinh, hạn chế các loại phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; ưu tiên các tiêu chí để bảo đảm nông sản sạch. Với giá bán 32-35 ngàn đồng/kg, ông Lượng thu lãi 60-70 triệu đồng/vụ.
HTX Xuân Trường đang hướng người dân sản xuất thanh long theo chuỗi nhằm nâng cao thu nhập. |
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp trái thanh long to tròn, trọng lượng đồng đều 700-800gam/trái, mẫu mã đẹp mắt. Theo các hộ thành viên, người dân ở đây từng điêu đứng vì tiêu bị sâu bệnh chết, đất đai thoái hóa. Ba năm nay gắn bó với cây thanh long ruột đỏ và áp dụng quy trình an toàn, các hộ gia đình có thể sản xuất ra những sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, lại tăng thu nhập.
Hiện, thanh long ruột đỏ đang được ưa chuộng nên khi sản xuất ra đều có người đến đặt mua. Các thành viên cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để bà con trong vùng có thể bảo đảm cuộc sống nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý.
HTX Xuân Trường hiện có 7 thành viên là những nông dân đã thành công với mô hình trồng thanh long ruột đỏ, tổng diện tích 12ha. Theo đại diện UBND xã Sơn Bình, thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng xây dựng thương hiệu, ký kết hợp đồng với các công ty để trái thanh long ruột đỏ của HTX trở thành thương hiệu của xã Sơn Bình.
Tùng Lâm