Chiều ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của Quốc hội về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới. Mở đầu buổi chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ đang nghiên cứu tham mưu xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Bộ mong muốn nhận được các ý kiến sâu sắc của các đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Gói hỗ trợ sẽ giúp GDP tăng trưởng 7%/năm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Bộ KH&ĐT là tổng tham mưu kinh tế của đất nước, làm sao phải giúp Quốc hội giải đáp được thực trạng của nền kinh tế, xu hướng phát triển của quốc tế. Kế sách nào để xây dựng chương trình phục hồi kinh tế, vì sao giải ngân đầu tư công còn chậm...?
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. |
Là đại biểu đầu tiên chất vấn, bà Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về câu chuyện đánh giá kinh nghiệm triển khai các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của các nước trên thế giới. Quan điểm của Bộ KH&ĐT về mục tiêu, phạm vi đối tượng chương trình phục hồi kinh tế?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, đại dịch COVID-19 vừa qua là đại dịch chưa từng gặp, tác động hết sức nặng nề tới kinh tế - xã hội của thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã có quyết sách nhanh với gói hỗ trợ quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ và chấp nhận tăng trần nợ công. Gói hỗ trợ được thống nhất rất nhanh, thực hiện dễ và làm ngay. Do vậy, nhiều nước sau khi đạt mục tiêu bao phủ vắc xin, cùng với việc thực hiện gói hỗ trợ thì tốc độ phục hồi, tăng trưởng kinh tế rất nhanh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng: theo thống kê từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gói phục hồi kinh tế của Mỹ chiếm 27,9% GDP, chấp nhận tăng nợ công 21%, đẩy nợ công lên 133% GDP. Trung Quốc tăng gói hỗ trợ lên 6,1% GDP, nợ công tăng 9,7%, tổng nợ công 66,8% GDP. Thái Lan tăng hỗ trợ lên 15,6% GDP, nợ công tăng 9,4%, tổng nợ công lên 55% GDP...
Điều này cho thấy, chính sách tài khoá được các nước "mạnh tay" thực hiện, đồng thời tăng chi cho y tế, phòng chống dịch, cấp phát bằng tiền mặt cho những người khó khăn; miễn giảm thuế, phí thuế cho doanh nghiệp, người dân; hỗ trợ một số dòng tiền cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử, Mỹ đầu tư 1.200 tỷ USD cho hạ tầng vừa phục hồi, kích thích tăng trưởng.
Chính sách tiền tệ triển khai thông qua việc duy trì lãi suất thấp, cơ cấu thời hạn trả nợ, hạn chế chi trả cổ tức bằng tiền...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá, quy mô các gói hỗ trợ đủ lớn với thời gian thực hiện phù hợp sẽ giúp Việt Nam đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối lớn của nền kinh tế. Hỗ trợ phía cung, cầu nền kinh tế. Linh hoạt phù hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 - 10 năm, kế hoạch cơ cấu nền kinh tế...
Đáng chú ý, gói hỗ trợ sẽ tập trung vào các chính sách, hỗ trợ tác động ngay tới nền kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện, hiệu quả gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế.
Thông qua gói hỗ trợ, doanh nghiệp có thể chủ động sản xuất kinh doanh, đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống tín dụng, đảm bảo an sinh xã hội, tránh giải thể, phá sản và bị thâu tóm của doanh nghiệp.
Về đối tượng và phạm vi được hưởng gói hỗ trợ, Bộ KH&ĐT cho hay, người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ được thụ hưởng. Các ngành kinh tế có tiềm năng, khả năng phục hồi nhanh, tác động lan tỏa đóng góp lớn cho nền kinh tế cũng sẽ được hỗ trợ. Phạm vi thực hiện trên cả nước nhưng có trọng tâm, trọng điểm.
"Nếu được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay, gói hỗ trợ sẽ được thực hiện ngay trong hai năm 2022 - 2023", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.
Để doanh nghiệp 'bật dậy'
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Sau nhiều tháng liền chống chọi với những khó khăn do dịch COVID-19, sức lực của nhiều doanh nghiệp đã bị “bào mòn". Vì vậy, gói hỗ trợ tập trung vào hợp tác xã, doanh nghiệp với các giải pháp như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ, giảm thuế..."
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) chất vấn, trong chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 mà Chính phủ đưa ra trước kỳ họp là mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, CPI bình quân khoảng 4%, bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đã dự báo hết nguy cơ về gia tăng lạm phát, tỷ lệ bội chi ngân sách từ tác động của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế chưa?
Về nguy cơ gia tăng lạm phát, bội chi ngân sách, Người đứng đầu ngành KH&ĐT khẳng định, khi quy mô nền kinh tế tăng lên, GDP lớn hơn thì các chỉ số về nợ công và bội chi ngân sách sẽ giảm đi, không tác động lớn tới chỉ tiêu ổn định kinh tế - vĩ mô của Việt Nam.
Đánh giá về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đang được Bộ KH&ĐT xây dựng, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, niềm tin của doanh nghiệp đặt vào các giải pháp của Chính phủ, của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục được nâng cao khi tới đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra những giải pháp mới, có thể còn mạnh mẽ hơn. Nhưng để có hiệu quả tác động mạnh hơn, trong điều kiện "sức khỏe" của doanh nghiệp suy giảm mạnh, để các doanh nghiệp có thể đứng thẳng dậy được và “xốc tới” chứ không phải “lom khom hồi phục”, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng cần mạnh hơn nữa.
Gói hỗ trợ sẽ tập trung vào các giải pháp hỗ trợ hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp. |
Đây là thời điểm “đúng lúc” nhất, ngân sách Nhà nước mạnh dạn chi hỗ trợ doanh nghiệp, để “cứu” nền kinh tế. Nếu không, nền kinh tế vẫn sẽ khó phục hồi, có thể lại bỏ mất thời cơ.
Tuy vậy, gói hỗ trợ gia tăng quy mô thì nguồn tiền sẽ được huy động từ đâu? GS.TS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, để đáp ứng nhu cầu phục hồi thì Chính phủ cần tiết kiệm chi tiêu ngân sách, cả về đầu tư cho hiệu quả và giảm chi tiêu thường xuyên còn rất lớn cho bộ máy. Đồng thời, có thể tăng thêm mức bội chi ngân sách, đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội và khôi phục kinh tế, đổi mới ngành y tế…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội kiến nghị, chính sách cần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội; Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những doanh nghiệp, hợp tác xã đang giảm hoặc không có lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Đồng thời, gói hỗ trợ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”, đối tượng, khu vực đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước, tạo lượng lớn việc làm cho người lao động, có tác động lan tỏa, lâu dài, đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, kịp thời đón đầu nhu cầu của thế giới đang dần mở cửa sau đại dịch thay vì dàn trải nguồn lực.
Bộ KH&ĐT nhận trách nhiệm việc có nể nang trong phê duyệt dự án đầu tư công Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết nguyên nhân chậm trễ từ đâu? Giải pháp nào khắc phục để tăng tốc độ giải ngân? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công được nhiều đại biểu quan tâm, được nêu ra nhiều cuộc họp. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết, tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nguyên nhân là công tác chuẩn bị hồ sơ, dự án còn nhiều bất cập, phải điều chỉnh nhiều lần. Giải phóng mặt bằng là câu chuyện muôn thuở chưa giải quyết được vì liên quan đến những vướng mắc trong Luật Đất đai, dẫn đến khiếu kiện. Công tác đấu thầu, vốn đối ứng cũng còn những hạn chế. Riêng năm 2021, còn có nguyên nhân ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian giãn cách xã hội dài, thiếu lao động, chi phí vận chuyển tăng cao. Theo ông Dũng, trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đã phân cấp nhiều cho các địa phương, Bộ chỉ thực hiện một số khâu. Do đó, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ chủ yếu là do các địa phương. “Trong báo cáo mà tôi đang cầm đã làm rõ việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nêu rõ sự chậm trễ do đâu. Các đại biểu có thể xem xét, trách nhiệm chủ yếu thuộc địa phương”, ông Dũng nói. Bấm nút xin tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, vậy vai trò trò trách nhiệm và giải pháp của Bộ KH&ĐT - vốn được coi là cơ quan “gác cửa” ra sao? “Nếu cứ để tồn tại, vướng mắc như thế này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển. Vì thế, vấn đề mà đại biểu quan tâm là Bộ KH&ĐT có giải pháp khắc phục như thế nào?”, ông Hạ nói. Trước tranh luận trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu "phải xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi và chúng ta phải đột phá ở đâu". Năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục 98%. 10 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư chưa được 50%. "Cùng môi trường thể chế như nhau nhưng sao đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp. Doanh nghiệp, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi tiền chúng ta có còn chưa tiêu hết, năng lực hấp thu vốn của chúng ta như thế nào?", Chủ tịch Quốc hội nêu. Trong đó, 16.000 tỷ đồng của ba chương trình mục tiêu quốc gia, theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay chưa phân bổ được một đồng, 86.000 tỷ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ. "Nếu chúng ta không làm rõ, dù Quốc hội chất vấn xong, có Nghị quyết, thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Trách nhiệm ở đâu phải làm rõ, tình hình kiểm tra giám sát giải quyết thế nào, không thể nói chung chung là vướng mắc", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các cấp, các ngành, các Bộ phải làm rõ câu chuyện này. Trước chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay đúng là cùng một cơ chế nhưng có tỉnh giải ngân vốn đầu tư công hơn 100% vốn, nhưng có tỉnh chỉ đạt 18 - 30%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay dự kiến không cao bằng năm ngoái. Điều này đòi hỏi các địa phương nhìn nhận nghiêm túc vấn đề, chứ đừng đổ cho pháp luật. Người đứng đầu ngành KH&ĐT khẳng định: Về luật, Bộ KH&ĐT đã rà lại chính sách để sửa cho phù hợp. Do vậy, ông cho rằng đầu tư công chậm là do lập kế hoạch không sát thực tế, đề xuất vốn lớn nhưng trên thực tế không giải ngân được, cán bộ phê duyệt dự án làm không hết trách nhiệm, còn tư tưởng nể nang. "Là người đứng đầu ngành KH&ĐT, tôi xin nhận một phần trách nhiệm khi đâu đó cán bộ khi rà soát kế hoạch vốn mà các bộ, ngành địa phương trình lên vẫn còn nể nang. Điều này sẽ được chấm dứt trong thời gian tới", Bộ trưởng KH&ĐT nhận trách nhiệm. |
Lê Thúy