Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội thảo |
Ngày 26/10, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Đại học Kinh tế Quốc dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng: Lựa chọn để phát triển” nhằm tập trung thảo luận về đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Chiến lược 10 năm 2011-2020, kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Hội thảo có sự tham gia và chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng hàng trăm nhà quản lý, chuyên gia kinh tế từ các cơ quan trung ương, các trường trường đại học, các viện nghiên cứu trên khắp cả nước.
Phát biểu tại hội thảo Theo PGS. TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhằm xác định các trọng tâm chính sách cho các giai đoạn nêu trên, nhóm nghiên cứu đã đánh giá và xếp hạng ưu tiên các khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường. Từ đó, bản góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã đề xuất các mục tiêu phát triển dài hạn, trước mắt; đề xuất động lực tăng trưởng; lựa chọn trong mô hình tăng trưởng mới; lựa chọn trong các vấn đề như phát triển nông nghiệp nông thôn, kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, khu vực FDI,…
Đánh giá về việc thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam qua các giai đoạn, báo cáo đóng góp của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Việt Nam chưa thực hiện được mục tiêu đặt ra trong Chiến lược 10 năm 2011-2020 đối với lĩnh vực kinh tế cả về số lượng và chất lượng. Kết quả này còn được đánh giá thấp khi so với thành quả của các quốc gia khác đạt được khi cùng giai đoạn phát triển như Việt Nam.
Đánh giá theo tiêu chí xếp loại trình độ phát triển quốc tế của Ngân hàng Thế giới, báo cáo cho rằng, Việt Nam ở thời điểm hiện nay đang đạt trình độ phát triển giai đoạn đầu của nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Với những kết quả này, mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam đã được đặt ra trong các văn kiện đã có đến năm 2035, 2045, mục tiêu tổng quát về kinh tế đến năm 2025 và 2030 là: Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Các thành quả đạt được dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế nhanh gắn với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, bằng việc khai thác các động lực tăng trưởng mới.
Những động lực tăng trưởng mới này được xác định là khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo; nguồn nhân lực chất lượng cao luôn duy trì; khoa học công nghệ cao được áp dụng trong các ngành kinh tế, cả trong sản xuất, kinh doanh và trong quản lý điều hành; thiết lập được vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để làm được những mục tiêu trên, theo GS. TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Việt Nam cần xác định các trọng tâm chính sách về phát triển bền vững về môi trường và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển khu vực tư nhân, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên Cách mạng công nghiệp 4.0, hình thành các ngành mũi nhọn, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…
Ngoài ra, các diễn giả cũng nêu một số rào cản mà Việt Nam sẽ gặp phải trong thời gian tới, trong đó nổi bật là các nguy cơ về tỷ lệ dân số già hoá diễn ra nhanh chóng, gây sức ép tới hệ thống chăm sóc sức khoẻ và an sinh xã hội cũng như năng lực ban hành quyết sách thích ứng, nâng cao năng lực an sinh xã hội để không xảy ra biến động xã hội.
Tiếp nữa là tầng lớp trung lưu dự báo sẽ tăng mạnh từ 14% dân số hiện nay lên trên 50% dân số vào năm 2035, bên cạnh mặt tích cực là tạo ra thị trường nội địa khổng lồ và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu nhưng rủi ro sẽ là sự bảo đảm chất lượng dịch vụ công gia tăng hơn cũng như yêu cầu cao hơn nữa về khát vọng, trách nhiệm xã hội của tầng lớp này.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự báo với kịch bản mưa ít hơn, nhiệt độ tăng lên và nước biển dâng sẽ làm tiêu tốn 10% GDP và tác động tới 10,8% dân số là thách thức rõ ràng đối với đất nước hiện nay và trong tương lai.
Nhắc lại khuyến nghị của một số quốc gia, tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam là tập trung phát triển kinh tế để có nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội, Phó Thủ tướng cho biết đặc điểm và trình độ phát triển xã hội của Việt Nam không cho phép thực hiện khuyến nghị này. Do đó, trong từng chủ trương, chính sách, Đảng, Nhà nước luôn gắn việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển với tiến bộ và công bằng xã hội.
Về định hướng phát triển đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia cần làm rõ Việt Nam nên tiếp tục đi theo con đường trở thành một nước công nghiệp hay trở thành một nước phát triển, ở mức độ trung bình cao hay trung bình thấp,...
Ngoài hội thảo này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tham vấn ý kiến đóng góp rộng rãi của các chuyên gia kinh tế, các tổ chức kinh tế quốc tế... để góp phần xây dựng và hoàn thiện tốt nhất văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Thanh Hoa