Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 ngày 5/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam cũng nhận thức rõ con đường hiện thực hóa tầm nhìn và chiến lược phát triển của mình không bằng phẳng mà sẽ chông gai, nhiều thách thức. Những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế cũng như từ môi trường quốc tế đầy cạnh tranh và bất ổn.
Thủ tướng mong muốn các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục gửi gắm niềm tin và đồng hành cùng với Việt Nam trong thời gian tới, giúp Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình, thoát nguy cơ bị tụt lại phía sau trong thế giới toàn cầu hóa.
Vượt bẫy thu nhập trung bình
Đánh giá thành quả quan trọng nhất của 30 năm đổi mới, Bộ KH&ĐT nhận định diện mạo kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Đến nay, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đến hết năm 2017, quy mô dân số đạt khoảng 94 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 224 tỷ USD, xếp thứ 45; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.300 USD, xếp thứ 134 thế giới.
Các chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh đạt nhiều tiến bộ đáng khích lệ. Năm 2017, năng lực cạnh tranh xếp hạng 55/137, tăng 5 bậc; môi trường kinh doanh xếp hạng 68/190, tăng 14 bậc; đổi mới sáng tạo xếp hạng 47/127, tăng 12 bậc. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ ba năm 2016 lên vị trí thứ nhất.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho rằng so với thế giới và khu vực, Việt Nam vẫn ở một khoảng cách khá xa về kinh tế. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của Việt Nam chỉ bằng khoảng 12% tổng GNI của khu vực Đông Nam Á, GNI bình quân đầu người có tỷ lệ cao hơn nhưng cũng chỉ bằng khoảng 48,3% mức GNI bình quân đầu người của khu vực tính theo USD giá thực tế và bằng khoảng 52,5% nếu tính theo sức mua tương đương. Trong số các nước trong khu vực, GNI bình quân đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia, Myanmar và Đông Timor.
So với thế giới, GNI bình quân đầu người của Việt Nam bằng khoảng 21% mức bình quân tính theo USD giá thực tế và cao hơn một chút – khoảng 38%, nếu tính theo sức mua tương đương.
Ông Rich McClellan, Cố vấn cao cấp công ty Mckinsey Việt Nam, chỉ rõ những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt như khoảng cách về năng suất – lợi thế lao động sẽ mất dần trong thập kỷ tới, đồng nghĩa với việc cần phải tăng năng suất để duy trì tăng trưởng.
Thủ tướng mong muốn các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục gửi gắm niềm tin và đồng hành cùng với Việt Nam |
Biến startup thành DN tầm cỡ
Những yếu tố khiến các chủ thể kinh doanh nhỏ không muốn chuyển thành doanh nghiệp (DN) chính thức như các khó khăn liên quan đến việc mở DN, nộp thuế, thương mại quốc tế, thủ tục phá sản… Điều đó dẫn tới phụ thuộc quá mức vào khu vực FDI để thúc đẩy nền kinh tế, hiệu ứng lan tỏa của khu vực tư nhân trong nước còn hạn chế.
Ông Rich McClellan cho rằng Việt Nam cần phải chính thức hóa khu vực phi chính thức: đơn giản hóa việc thành lập và phát triển DN, cải thiện tiếp cận vốn, đất đai, tăng cường các thể chế thị trường (quản trị DN, thúc đẩy cạnh tranh, quyền tài sản, thị trường đất đai).
Ông Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng Việt Nam có các cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu do các DN FDI mang lại, nhiều công nghệ hàng đầu có mặt Việt Nam nhưng do năng lực và động lực đổi mới sáng tạo, Việt Nam gặp trục trặc vì vướng bất cập thể chế.
Đặc biệt, trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhìn nhận cách tiếp cận tốt nhất của Việt Nam là "3 trong 1", tức là trong một cách đối phó thì có ba việc phải làm.
Thứ nhất là giảm bớt độ chấn thương của nền kinh tế, bằng cách gia tăng nội lực của bản thân, tích cực tranh thủ nguồn lực của thế giới.
Hai, tiếp tục cùng với cộng đồng quốc tế phấn đấu mà trong đó tự do hóa thương mại vẫn là chiều hướng chủ yếu.
Ba, cũng rất cần phải thích nghi với những thay đổi vì có nhiều thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong tương lai nhưng chúng ta chưa thể lường hết.
Khẳng định trước các đối tác quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi trong giới trẻ, phát triển khu vực tư nhân "khỏe" và "mạnh".
Cụ thể, Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền, xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp hơn vào quá trình lập chính sách. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ để lựa chọn được người tài phục vụ trong hệ thống hành chính.
Cùng với đó, Chính phủ thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 bằng cách xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. "Có ý tưởng tốt thôi chưa đủ, ý tưởng đó cần phải được "ươm tạo" trong các vườn ươm, tạo môi trường để phát triển và biến các startup này thành DN tầm cỡ, đem lại giá trị cho cho nền kinh tế", Thủ tướng nói.
Đặc biệt, xác định khu vực kinh tế tư nhân là đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi trường kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động.
"Hiện nay, chúng tôi đang hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi trong giới trẻ và mong muốn các đối tác phát triển hãy cùng đồng hành với các bạn trẻ của Việt Nam trên bước đường khởi nghiệp và cùng ghi dấu thành công", Thủ tướng nhắn nhủ với các đối tác quốc tế.
Lê Thúy
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Khoan Thế giới sẽ bước vào một thời kỳ mới dưới tác động của tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khi đó mô hình phát triển của các quốc gia chắc chắn sẽ thay đổi sâu sắc và Việt Nam sẽ phải tiếp cận với điều này. Từ nay đến năm 2030, thế mạnh của lao động trẻ Việt Nam sẽ bị hạn chế, tài nguyên thiên nhiên cũng sẽ không còn nhiều. Lúc này, Việt Nam sẽ phải phát triển dựa vào khoa học công nghệ và đây là điều bắt buộc phải làm. Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam - Ông Ousmane Dione Hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam chỉ mới bắt đầu và những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Việt Nam sẽ phải giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp, cũng như chi phí môi trường lên quá trình phát triển ngày càng lớn. Khi giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc này ở trong nước, Việt Nam cũng sẽ cần phải lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh thế giới đang thay đổi, nơi mà những chuyển đổi về mô hình thương mại toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là cơ hội đang được định hình, vừa tạo ra những rủi ro mới. Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Con đường trong điều kiện hiện tại để Việt Nam có được khu vực tư nhân "khỏe" và "mạnh" không phải ở số lượng DN nhiều mà là ở tiềm lực, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Chính phủ sẽ lắng nghe để có thêm nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn. |