Công ty Kiểm toán Grant Thornton Việt Nam cho rằng kinh tế tư nhân được dự báo sẽ trở thành một trong 4 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khối các công ty khởi nghiệp.
Gam màu sáng từ khối kinh tế tư nhân
Nhiều chuyên gia nhận định khối kinh tế tư nhân đã có sự phát triển ngày càng mạnh mẽ. Doanh nghiệp (DN) tư nhân đang đóng vai trò quan trọng để tạo ra việc làm, thu ngân sách, củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Thống kê cho thấy đóng góp vào GDP của khối kinh tế tư nhân luôn dẫn đầu trong 3 năm 2016 – 2018, lần lượt là 42,56%, 41,74% và 42,08%. Cơ cấu vốn của khối kinh tế tư nhân trong nền kinh tế cũng tăng mạnh từ 38,4% năm 2014 lên 43,27% trong năm 2018.
Thời gian qua xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh, với những thương hiệu tạo được dấu ấn không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà còn đạt đến tầm cỡ khu vực và thế giới như: Vingroup, Thế giới Di động, Vinamilk, DOJI, Thaco, Hòa Phát, FPT, Vietjet, VPBank, Masan…
Theo thống kê, hiện tại đã có 29 DN Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Trong số đó có 9 DN tư nhân như Vingroup, Masan, Vietjet, Techcombank, Thế giới Di động, Novaland, Hòa Phát… có giá trị vốn hóa khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 44% tổng giá trị của 29 DN lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Tập đoàn Vingroup là điển hình DN tư nhân kinh doanh thành công ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học, nông nghiệp, sản xuất ô tô, xe máy, smartphone…
Vingroup công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ – công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành tập đoàn công nghệ – công nghiệp – dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Mới đây, tập đoàn này đã được Tạp chí Forbes vinh danh trong Bảng xếp hạng 50 DN hàng đầu châu Á.
Hay như FPT là điển hình thành công của quá trình cổ phần hóa DN nhà nước, trở thành tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, đang kinh doanh khá thành công ở nhiều nước công nghiệp phát triển. Hiện, FPT trở thành công ty xuyên quốc gia kinh doanh tại 21 quốc gia trên thế giới.
Theo các chuyên gia, hiện nay, chủ trương của Đảng là Nhà nước chỉ nắm giữ những ngành then chốt, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, những ngành mà tư nhân không thể làm được. Bằng chứng là quá trình cổ phần hóa DN nhà nước được đốc thúc đẩy nhanh. Nhà nước sẽ thoái vốn ở rất nhiều DN thuộc nhiều ngành nghề.
Ngoài ra, Việt Nam cũng không thể mãi phụ thuộc vào nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Như vậy, kinh tế tư nhân trong nước chính là chìa khóa cho động lực phát triển, giúp nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Kinh tế tư nhân khỏe sẽ kéo nền kinh tế “cất cánh” |
Cởi trói tư duy mở đường phát triển
Giữa những thuận lợi đó, các chuyên gia cho rằng khối tư nhân trong nước phải vươn lên nắm lấy cơ hội.
Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), cho rằng khối tư nhân phải khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế của mình để có thể lớn mạnh hơn nữa, vươn tầm thế giới, có thể tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng tình, Ts. Huỳnh Thế Du, chuyên gia kinh tế, khẳng định trong quá trình phát triển, DN nhà nước gần như chỉ đóng vai trò ngắn hạn, DN FDI cũng thế. Tương lai của kinh tế Việt Nam là phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý phải lưu ý những DN tư nhân lớn lên bất thường, phát triển đa ngành nghề, bởi nếu DN gặp “trục trặc” thì sẽ gây rủi ro lớn cho nền kinh tế.
Theo bà Phương, DN tư nhân Việt Nam hiện nay đa phần có quy mô nhỏ và vừa, năng suất lao động còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu liên doanh liên kết, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh… Đó là những thách thức không dễ gì khắc phục ngày một ngày hai.
Bàn về động lực phát triển của DN trong thời gian tới, các chuyên gia cũng như DN đều nhận định không phải ưu đãi, bao cấp hay bảo hộ mà là “cởi trói”, trao quyền cho người dân tự phát huy được tác dụng trong huy động nguồn lực, sáng kiến, trí tuệ để phát triển… Trong đó, thủ tục hành chính vẫn là một trong những trở ngại lớn, kìm hãm sự phát triển.
Chia sẻ về vấn đề này, Ts. Trần Du Lịch cho rằng mặc dù trong thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách thể chế, tinh gọn các thủ tục hành chính, nhưng nhược điểm lớn nhất là cải cách không đồng bộ. Dù đã sửa hết luật này đến luật kia, nhưng nhiều khi vẫn chồng chéo, gây khó khăn cho DN, bởi cải cách từ kinh tế tập trung rồi cải biến dần, buộc thị trường tuân theo là không phù hợp.
Theo ông Lịch, muốn cải cách thể chế và các thủ tục hành chính một cách đồng bộ thì phải cải cách, sửa đổi theo tư duy kinh tế thị trường.
Đi vào vấn đề cụ thể, Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng để DN tư nhân phát triển mạnh trong thời gian tới, hầu hết các lĩnh vực tư nhân có thể làm và nên để cho tư nhân làm, miễn là Nhà nước có chính sách rõ ràng. Một loạt các dịch vụ công có thể chuyển giao cho tư nhân như các dịch vụ hành chính, cấp chứng nhận hành nghề… Đó là công thức để cho tư nhân tham gia các dịch vụ công, hàng hoá công.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khẳng định điều quan trọng là tin tưởng người dân, tin tưởng DN và tạo ra thể chế để họ tự do lựa chọn, sáng tạo và đảm bảo cho những sáng tạo đó được hiện thực hoá. Vai trò của quản lý nhà nước, cách thức quản lý nhà nước phải được xem xét lại. Nhà nước nên bớt chức năng, nhiệm vụ. Đừng nghĩ thay, làm thay cho người dân và DN.
Hoàng Hà
Ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Cần tập trung giải quyết triệt để vấn đề căn bản và dài hạn là cơ cấu và cơ chế, cần tối đa hóa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Cần coi trọng việc phát triển nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa, không phải là chỉ chăm chăm đầu cơ, làm méo mó thị trường. Tái cơ cấu định hướng theo hội nhập quốc tế. Trong đó, phát triển kinh tế tư nhân phải được xem là một nhiệm vụ ưu tiên chiến lược trong 5 –7 năm tới. Bởi đây là lực lượng, là động lực phát triển cơ bản của nền kinh tế thị trường. Ts. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Thế giới có 5 thay đổi đó là tài chính, hội nhập toàn cầu, chuyển đổi công nghệ số, cuộc cách mạng tiêu dùng xanh, sự bất định của nền kinh tế. Vì vậy, để vượt qua được những thách thức này, điều quan trọng nhất là phải giữ và phát triển nguồn lực, thậm chí thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Bên cạnh đó, DN phải “chơi thật”, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, để bán được hàng ra thế giới. DN thắng nhờ ưu đãi thì vẫn chưa phải là phát triển bền vững. Nếu kết nối, chơi được với chủ chuỗi giá trị – người khổng lồ, thì DN có thể học và tạo dựng niềm tin. Ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội DN tư nhân Việt Nam DN Việt Nam nói chung và DN tư nhân nói riêng đứng trước cơ hội lớn học hỏi, đổi mới để phát triển mạnh hơn, sáng tạo hơn và cạnh tranh năng động hơn. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mở ra cơ hội thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu trong trung hạn. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, Việt Nam phải có chính sách phù hợp, có cơ chế kiểm soát, phân biệt giữa “đầu tư tránh thuế” với đầu tư thực sự. Đồng thời, DN Việt Nam cũng cần minh bạch, trung thực trong quá trình tiếp nhận chuyển dịch đầu tư theo sự sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu. |