Ghi nhận ở các tỉnh, thành phía Nam giữa tháng 2 này sẽ thấy, giá sầu riêng thương phẩm tuy vẫn neo ở mức cao nhưng rất thất thường. Theo đó, có thời điểm mức giá đạt trên 200.000 - 220.000 đồng/kg, nhưng có lúc lại sụt giảm bất thường, có thể mất gần 100.000 đồng/kg.
Lo giá trồi sụt bất thường
Theo các doanh nghiệp (DN) thu mua sầu riêng, giá cả có lúc cao kỷ lục do vào mùa nghịch, sản lượng trái cho thu hoạch giảm. Trong khi đó, sau Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu xuất khẩu (XK) sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh, do thiếu hụt chuyến hàng XK nên DN phải mua giá rất cao. Đây là hiện tượng tăng giá đột biến.
Dù giá sầu riêng đang neo ở mức cao , các nông dân, nhà vườn cần hết sức tỉnh táo, tránh mở rộng diện tích dẫn đến “vết xe đổ” như một số loại trái cây đã gặp phải. |
Còn hiện tại, do đã vào cuối vụ nghịch nên sản lượng trái sầu riêng tiếp tục giảm và khan hiếm, không đủ số lượng cung cấp cho đối tác nước ngoài, vì thế nhiều DN tạm ngừng XK, dẫn đến sầu riêng tụt giá. Tuy nhiên, với giá sầu riêng trên dưới 100.000 đồng/kg thì các nhà vườn vẫn lãi rất cao với hơn 1 tỷ đồng/ha.
Với trái thanh long, những ngày gần đây vẫn neo giữ mức giá tăng cao, như giá bán thanh long ruột đỏ bán ra dao động từ 30.000-33.000 đồng/kg, ruột trắng 25.000 đồng/kg, tức là gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn giá bán lẻ tại các chợ và cửa hàng ở Tp.HCM cho thấy đã tăng gấp nhiều lần so với mức thấp trong năm 2022.
Theo đó, giá thanh long ruột đỏ loại 1 bán ra ở mức 55.000 - 70.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng loại đẹp là 40.000 - 50.000 đồng/kg, tăng gấp nhiều lần so với mức thấp trong năm 2022. Tuy nhiên, theo phản ánh từ một số nhà vườn vào ngày 14/2 thì giá trái thanh long đang có hiện tượng lao dốc.
Như chia sẻ của một nông dân trồng thanh long ở Đồng bằng sông Cửu Long là anh Lê Đô, buổi sáng trong ngày còn giữ ở mức giá cao, nhưng đến chiều cùng ngày, khi hầu như các kho đã đủ đơn hàng thì giá thương lái mua vào càng đẩy xuống mức thấp. Cụ thể, thanh long ruột trắng hàng đẹp bán ra hiện có mức giá là 15.000 - 18.000 đồng/kg, còn thanh long ruột đỏ loại 1 là 28.000 đồng/kg.
Bên cạnh sầu riêng và thanh long, một số loại trái cây khác như: chôm chôm, mít, dưa hấu, chuối…cũng đồng loạt tăng giá mạnh vào thời điểm gần đây.
Theo giới chuyên gia, hiệu ứng từ việc mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc sau chính sách “Zero Covid” đã giúp XK đều đặn, cùng với đó là hoạt động thu mua, chế biến tại các nhà máy sôi động, đã tạo ra tác động tích cực đối với diễn biến giá của các loại trái cây của Việt Nam trong ngắn hạn.
Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng các nông dân, nhà vườn cần hết sức cẩn trọng với “bẫy” giá tăng đột biến như vậy. Dĩ nhiên, khi sốt giá thì nhà vườn nào không vui mừng, tạm gọi là “trúng mánh”. Tuy nhiên, nhìn vào giá cả biến động thất thường của sầu riêng hay thanh long sẽ thấy còn nhiều điều phải lo.
Tránh lặp lại “vết xe đổ”
Như với sầu riêng, lo nhất là tình trạng phát triển “nóng”, “bùng nổ” về diện tích và sản lượng. Điều này đã được Bộ NN&PTNT lưu ý từ cuối năm 2022 là các địa phương cần khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích. Nhất là khi diện tích sầu riêng tăng từng ngày, nông dân đua nhau bỏ lúa trồng sầu riêng.
Số liệu cho thấy tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng cả nước vào khoảng 110.000ha, tăng khoảng 25.000ha so với năm 2021. Việc tăng diện tích này chủ yếu do Việt Nam được xuất chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc.
Trong khi đó, ở đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030, Bộ NN&PTNT có định hướng cả nước phát triển khoảng 65.000 - 75.000ha sầu riêng. Như vậy, diện tích sầu riêng hiện đã vượt khoảng 35.000ha so với định hướng.
Có lẽ những nông dân đang quan tâm đến việc trồng cây sầu riêng nên suy ngẫm về bài học phát triển “nóng” của cây thanh long khi tự phát trồng, dẫn đến sự bất cập giữa mở rộng diện tích và tiêu thụ. Đặc biệt là không quản lý được sản xuất, phá vỡ quy hoạch vùng trồng, trong khi thị trường XK lại không ổn định, dẫn đến giá cả thanh long lên xuống thất thường.
Còn bài học mới nhất có lẽ cần nhìn vào tình trạng rớt giá thảm hại như hiện tại của trái cam nội địa. Ghi nhận vào giữa tháng 2 này cho thấy, giá cam sành tại Tp.HCM chỉ dao động quanh mức từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá rẻ trong một năm trở lại đây. Còn nhớ, năm ngoái vẫn ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg đối với loại 1 (2- 5 quả/kg), cam hàng nhỏ cũng neo giá 13.000 - 14.000 đồng/kg.
Ngay như tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, giá cam sành cũng giảm đến 60%. Các nhà vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, giá cam tại vườn thấp kỷ lục, khi giá cam xô được thương lái mua tại vườn chỉ ở mức 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Tình trạng giảm giá này có nguyên nhân từ chuyện nông dân, nhà vườn tự phát mở rộng diện tích lúc giá cam sành được giá, đến khi cung vượt cầu, sản lượng tăng đột biến, đầu ra bấp bênh thì giá cam lại trượt dốc là khó tránh khỏi. Đơn cử như tại tỉnh Vĩnh Long, dù có quy hoạch 12.000 ha đất nông nghiệp trồng cam, nhưng nhiều năm qua diện tích trồng cam tăng lên hơn 17.000 ha, vượt 5.000 ha so với quy hoạch.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, cần hết sức thận trọng với giá cả một số trái cây trong nước đang tăng đột biến, bất thường. Điều này rất cần các cơ quan quản lý khuyến cáo đến nông dân cần tỉnh táo để tránh tiếp tục rơi vào “vết xe đổ” hay “ngựa quen đường cũ”. Nhất là khi thấy vài loại trái cây được giá lại lao vào mở rộng diện tích, chăm chăm nhắm đến thị trường Trung Quốc, rồi khi đầu ra bất ổn, rớt giá thê thảm lại phải kêu “giải cứu”.
Thế Vinh