Ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) hàng đầu có nhiều năm xuất khẩu (XK) trái cây vào những thị trường khó tính, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, đánh giá trong các loại trái cây tươi của Việt Nam được chính thức cấp phép xuất vào Mỹ chỉ có trái nhãn đến nay là còn có vẻ được, trong khi với trái thanh long, vải, chôm chôm thì lại… “thua”.
Còn yếu công nghệ bảo quản dài ngày
Đơn cử như với trái chôm chôm, tuy số liệu cập nhật mới nhất từ đầu năm đến nay chưa có, nhưng riêng 6 tháng đầu năm 2022, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thì XK trái chôm chôm từ Việt Nam đến Mỹ chỉ đạt vỏn vẹn 74.000 USD, giảm mạnh so với mức 450.000 USD của cùng kỳ năm 2021.
Để bán được sản lượng lớn trái cây tươi vào Mỹ bắt buộc các DN Việt phải nâng cấp công nghệ bảo quản dài ngày. |
Còn với trái nhãn, tuy ông Tùng đánh giá loại trái này là “được” khi xuất sang Mỹ, nhưng theo giới chuyên gia, đặc tính nhãn Việt Nam thường có vỏ mỏng, nhiều nước, do đó gặp nhiều khó khăn ở khâu bảo quản, khó có thể vận chuyển dài ngày bằng đường biển đến Mỹ.
Mặt khác, theo Bộ phận phân tích của BSA, việc sử dụng đường hàng không để vận chuyển lại đẩy giá bán của nhãn lên cao, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Vì vậy, nếu không có định hướng và đẩy mạnh các sản phẩm chế biến, nhãn Việt Nam sẽ khó tăng giá trị cao hơn.
Trong những “bàn thua” của một số loại trái cây được cấp phép xuất vào Mỹ thì một trong những nguyên nhân chủ yếu phải kể đến công nghệ bảo quản vẫn còn hạn chế.
Với kinh nghiệm của mình, ông Tùng nhấn mạnh để XK trái cây tươi hiệu quả vào thị trường xa như Mỹ thì công nghệ bảo quản dài ngày phải cực kỳ tốt. Bởi lẽ, nếu từ Việt Nam vận chuyển bằng đường biển sang cảng Long Beach (hải cảng lớn thứ hai của Mỹ về số lượng container bốc dỡ) với điều kiện chưa dịch bệnh là 17 ngày, cộng với thu hái trái là 21 ngày. Và từ hải cảng đi về các điểm bán buôn sỉ (wholesale) là mất 3 ngày, rồi từ wholesale đi vào các chợ, siêu thị tiếp tục mất thêm 3 ngày. Như vậy tổng cộng là 27 ngày.
Điều đó đòi hỏi công nghệ bảo quản trái cây tươi của Việt Nam phải làm sao còn được phải ít nhất 10 ngày mới bán được tại Mỹ (gồm 3 ngày ở chợ bán và người tiêu dùng Mỹ mang về ăn được trong các ngày còn lại). Còn nếu không đạt được khả năng bảo quản dài ngày như vậy, khi trái cây Việt sang đến Mỹ sẽ sớm hư hỏng, buộc phải đổ bỏ.
Theo giới chuyên gia, để bán được sản lượng lớn trái cây tươi vào Mỹ bắt buộc các DN Việt phải nâng cấp công nghệ bảo quản để vận chuyển dài ngày theo đường biển nhằm tiết giảm chi phí thay vì đi theo đường hàng không với chi phí đắt đỏ. Chẳng hạn với mỗi kg trái cây tươi xuất đi bằng đường hàng không qua tới Mỹ tiêu tốn hết 7 - 8 USD trong thời điểm này, nếu bán ra thị trường sẽ khó cạnh tranh với trái cây của các quốc gia khác.
Đánh đổi không tương xứng
Trong khi một số loại trái cây XK được cho là đã nhận những “bàn thua” thì với trái bưởi sắp được xuất chính ngạch vào Mỹ (ngày 17/10/2022, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT Việt Nam cùng với Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ APHIS sẽ chính thức công bố Nghị định thư Mỹ đồng ý cho Việt Nam XK bưởi sang thị trường Mỹ), vị tổng giám đốc Vina T&T Group lại nhận định đây sẽ là loại trái XK đầy tiềm năng vào Mỹ. Bởi vì công nghệ bảo quản trái bưởi của Việt Nam đã được thời gian tới 90 ngày.
Hơn nữa, theo ông Tùng, Việt Nam cũng có loại trái bưởi rất ngon như bưởi da xanh Bến Tre, có chất lượng vượt trội so với bưởi Mexico hay bưởi Nam Mỹ và lại có quanh năm. Đây sẽ là loại trái cây tươi thứ 7 được cấp phép chính thức XK đến thị trường Mỹ, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
Không chỉ vậy, việc mở cửa cho sản phẩm bưởi tươi đến thị trường Mỹ cũng sẽ tạo cơ hội cho các sản phẩm chế biến từ bưởi khác như nước ép và vỏ bưởi sấy, hoặc các sản phẩm phi thực phẩm khác như tinh dầu bưởi.
“Trong tháng 10 này, chúng ta chính thức xuất lô hàng bưởi đầu tiên vào Mỹ. Tôi đánh giá việc XK bưởi có thể sẽ bù đắp lại trường hợp nhập khẩu cam, nho, táo của Mỹ vào Việt Nam và đang được tiêu thụ khá rộng rãi”, ông Tùng nói.
Trước việc XK trái cây vào Mỹ chưa được như kỳ vọng, con số kim ngạch còn khiêm tốn so với tiềm năng lớn, giới chuyên gia lưu ý mặt hạn chế trong việc đàm phán của phía Việt Nam. Tức là khi đàm phán một loại trái cây xuất chính ngạch sang Mỹ thì chúng ta lại đánh đổi một loại trái cây khác từ Mỹ nhập về thị trường Việt Nam một cách không tương xứng.
Điều này có thể thấy rõ khi cam, táo, nho nhập từ Mỹ đang được bán rộng rãi tại nhiều siêu thị, cửa hàng trái cây ở Việt Nam giữa mối quan ngại có thể sẽ dần thay thế những loại trái cây tương tự trong nước.
Cho nên, theo quan điểm của ông Nguyễn Đình Tùng, khi đàm phán cần xác định loại trái cây đó có đủ sản lượng xuất hay không, vùng trồng có được quanh năm hay không và công nghệ bảo quản khi qua tới Mỹ với độ dài 45 - 50 ngày hay không.
“Bài học thất bại đã xảy ra với trái chôm chôm Việt khi rất dễ hư hỏng và chúng ta phải đánh đổi với một loại trái cây khác nhập về từ Mỹ đang tràn ngập thị trường Việt Nam”, ông Tùng nói.
Hoặc như với trái vải đã đàm phán rất nhiều năm để vào Mỹ. Cũng nên thấy rõ trái vải được trồng ở các tỉnh phía Bắc nhưng tại đó lại không có nhà máy chiếu xạ, chỉ có mùa vụ trong 2 tháng, công nghệ bảo quản hạn chế. Ngược lại, chúng ta phải đánh đổi một loại trái cây khác từ Mỹ cũng đang tràn ngập tại Việt Nam.
Thế Vinh