Thông tin tại phiên tư vấn xuất khẩu (XK) xoài vào thị trường Trung Quốc do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức vào ngày 31/8 cho thấy hiện 2/3 sản phẩm xoài tươi trên thị trường Trung Quốc là nhập khẩu từ Việt Nam.
Nhìn từ quả xoài
Từ cách đây 2 năm, theo thống kê của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Trung Quốc đã nhập 84.000 tấn xoài, 80% đến từ Việt Nam.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sản lượng xoài của Việt Nam hiện đang đứng thứ 13 trên thế giới, với sản lượng năm 2021 đạt 938,2 nghìn tấn. Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu diện tích trồng xoài của Việt Nam đến năm 2030 đạt 140.000 ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn, giá trị XK đạt 650 triệu USD với thị trường XK chính vẫn là Trung Quốc (tức là tăng gấp đôi so với kim ngạch hiện nay vào khoảng 300 triệu USD), bên cạnh đó là các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đang có những thay đổi ở điều kiện giao hàng và cách thức vận chuyển với các đối tác nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm giảm bớt phần thiệt về mình. |
Trong khi đó, theo đánh giá mới đây từ Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), tính riêng XK xoài vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 57 triệu USD, giảm đến 62% so với 150,7 triệu USD của cùng kỳ năm 2021. Giá DAF (Delivered At Frontier – giao hàng tại biên giới) xoài tươi XK trung bình đến Trung Quốc vào khoảng 0,40 – 0,42 USD/kg, so với 0,5 – 0,52 USD/kg của cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh Trung Quốc, Mỹ là thị trường lớn thứ hai của xoài Việt Nam. Giá trung bình C&F (Cost and Freight – giá thành và cước phí) của loại xoài Đài Loan xanh XK từ Việt Nam đến Mỹ từ đầu năm đến nay vào khoảng 11 – 12 USD/kg trong khi xoài Hòa Lộc có giá là 13 – 14 USD/kg.
Tiếp đến, Nga là thị trường lớn thứ 3 của xoài Việt Nam. Đáng chú ý, hầu hết lượng xoài XK đến Nga là loại sản phẩm sấy, chiếm hơn 80% giá trị. Giá bán trung bình của xoài sấy theo điều kiện CFR (tiền hàng và cước phí), điều kiện được ưa chuộng khi XK đến Nga, là 4,8 – 5 USD/kg, tăng so với giá 3,8 – 4 USD/kg cùng kỳ năm 2021. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường xuyên xuất khẩu sản phẩm xoài sấy sang Nga, trong đó 2 DN dẫn đầu chiếm 70% giá trị.
Chuyên gia phân tích của BSA cũng nhận định, xoài Việt Nam có cơ hội mở rộng XK sang những thị trường khác khi mà một đối thủ lớn như Ấn Độ có thể sụt giảm sản lượng xoài đến 80%. Điều này sẽ kìm hãm kỳ vọng phục hồi XK xoài của Ấn Độ hậu Covid-19, đồng thời cũng là cơ hội cho xoài Việt Nam mở rộng đến các thị trường khu vực Trung Đông.
Thay đổi để giảm bớt phần thiệt
Làm gì để vừa tăng được kim ngạch vừa mở rộng thị trường XK cho quả xoài nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc sẽ dễ dẫn đến không ít rủi ro? Giới chuyên gia cho rằng trước hết cần nâng cao chất lượng xoài, đạt chuẩn và tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ khác nhằm thâm nhập sâu vào những thị trường khó tính.
Bởi lẽ, không chỉ với quả xoài, nhìn vào tình hình XK trái cây của Việt Nam hiện nay sẽ thấy vẫn còn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, trong khi gần đây do áp dụng chính sách “Zero Covid” nên Trung Quốc giảm tiêu thụ khoảng 30% sản lượng trái cây Việt Nam.
Chính điều này dẫn đến việc tổng kim ngạch XK trái cây năm nay có thể sụt giảm khoảng 10 - 20% dù cho nhiều thị trường khác cũng đã được các DN khai thác nhưng không đủ bù đắp.
Bên cạnh đó, đối với XK trái cây vào thời điểm này, các biến động có ảnh hưởng bao gồm chiến sự Nga – Ukraine kéo theo giá năng lượng, nguyên vật liệu và các loại vật tư nông nghiệp tăng đột biến, khiến các doanh nghiệp XK trái cây ngần ngại và đồng thời phải thay đổi để giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa chi phí.
Ngoài ra, tổng hợp nhanh từ các đơn hàng XK của các loại trái cây hiện nay, giới phân tích nhận thấy có sự thay đổi ở điều kiện giao hàng và cách thức vận chuyển được sử dụng, nhất là với thị trường Trung Quốc.
Như trước đây, giao hàng DAF là điều kiện giao hàng được ưu tiên sử dụng nhiều nhất, khoảng 36% số đơn hàng, chủ yếu cho thanh long, mít và xoài, nhưng sang năm 2022, điều kiện C&F chiếm ưu thế hơn, ước tính có 48% đơn hàng sử dụng điều kiện này trong nửa đầu năm nay.
Điều kiện C&F cũng có thể mang lại một khoản lợi nhuận thêm vào cho DN từ phí hoa hồng khi giao dịch trực tiếp với công ty bảo hiểm. Về cách thức vận chuyển, tuy giá cước vận chuyển vẫn còn đang ở mức cao, vận chuyển đường biển vẫn được lựa chọn nhiều hơn trong năm nay, một phần do tình trạng hoạt động thiếu ổn định của các cửa khẩu biên giới.
Ngoài ra, theo phản ánh gần đây, các loại thuế phí XK sang biên giới với Trung Quốc tăng cao khiến giá trái cây trong nước dù nghịch mùa cũng không tăng giá được. Phí thông quan tại cửa khẩu hai bên Việt Nam và Trung Quốc đều tăng cao trong đợt dịch Covid-19.
Hiện, mức thu phí phía bên Việt Nam đã được điều chỉnh giảm lại nhưng bên Trung Quốc vẫn còn cao, bình quân DN phải tốn phí dịch vụ XK khoảng 25 triệu đồng/xe. Chi phí này rất cao và DN phải chuyển phần thiệt này sang khâu thu mua để cân đối.
Thế Vinh