Ông Võ Đăng Khoa, Giám đốc vận hành Getfly CRM - một công ty chuyên cung cấp giải pháp tiếp thị (marketing) tự động cho các MSME, cho biết trong suốt 4 tháng chịu ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 thứ 4 thì việc chuyển đổi số đối với các MSME càng đòi hỏi cấp thiết hơn.
Chủ động nhờ nền tảng số
Với trải nghiệm của một công ty đã trải qua số hoá để vận hành và hỗ trợ số hoá cho hơn 3.000 DN, ông Khoa nhận định nhờ đó đã giúp cho những DN này có sự chủ động trong những tình huống phát sinh, giảm thiểu các tác động tiêu cực trong đại dịch.
Trong bình thường mới, việc đưa các DN nhỏ, siêu nhỏ bước vào “guồng máy” số hoá sẽ giúp hồi phục tốt hơn. |
“Đối với các DN đã số hoá, làm việc tại nhà không còn rào cản cho DN, sự tương tác trực tuyến giữa nhân viên với khách hàng vẫn duy trì, các hoạt động marketing, kế toán, việc đánh giá nhân viên đều được gom trên một hệ thống”, ông Khoa nói.
Chính vì vậy, theo vị giám đốc này, khi nhìn vào nền tảng số mà các DN sử dụng trong suốt 4 tháng qua đều thể hiện hoạt động bình thường và mang tính liên tục hàng ngày, hầu như không bị ảnh hưởng gì.
Trong khi đó, với những MSME chưa tham gia số hoá, ông Khoa cho rằng giữa mùa dịch họ sẽ khó có được những số liệu rõ ràng nhằm đưa ra các quyết định kịp thời. Chẳng hạn như số liệu về doanh thu không được cập nhật liên tục, khó cập nhập tình hình marketing từ các vùng để điều hướng kịp thời…
Khi không có số liệu rõ ràng, các MSME chưa số hoá cũng khó đánh giá được hiệu suất của nhân viên, dẫn đến việc đánh giá cảm tính. Trong khi nếu số hoá thì việc đánh giá của DN sẽ đầy đủ và chính xác hơn.
Các MSME hiện chiếm hơn 90% tổng số DN Việt Nam. Nhóm DN này đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và cần tập trung vào các nỗ lực hồi phục. Giới chuyên gia cho rằng việc bước vào “guồng máy” số hoá với chi phí và giải pháp phù hợp sẽ giúp các MSME tồn tại và tăng trưởng tốt hơn trong bình thường mới.
Nhóm nghiên cứu Ts. Abel Alonso và Ts. Vũ Thị Kim Oanh thuộc Đại học RMIT khuyến cáo trong đại dịch thì các MSME cần cần năng động hơn trong kinh doanh và đổi mới sáng tạo nhiều hơn, đồng thời giải quyết vấn đề bằng những gì có sẵn trong tay.
Đặc biệt, MSME cần học cách sử dụng các nền tảng trực tuyến khác nhau có thể sẽ là yêu cầu hiển nhiên hơn với nhiều công ty trong tương lai, nhất là trong bối cảnh phổ biến và mức độ đón nhận công nghệ điện thoại thông minh trong cộng đồng người tiêu dùng.
Theo chuyên gia của RMIT, bất chấp thực trạng vô cùng khó khăn, các MSME nên tận dụng cuộc khủng hoảng để nhạy bén trong kinh doanh. Ví dụ, học các công cụ trực tuyến như ứng dụng giao hàng, phần mềm bán hàng hay phát triển trang web có thể giúp các công ty mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng. DN cũng có thể tăng sự hiện diện trực tuyến thông qua tương tác trên mạng xã hội của nhân viên.
Chọn “thực đơn” với chi phí phù hợp
Tuy vậy, thực tế cho thấy dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhìn chung điểm hạn chế là đa số các MSME đều cắt giảm chi phí cho các công cụ trực tuyến, chẳng hạn như quảng cáo website hay ứng dụng di động qua các phương tiện trực tuyến và ứng dụng di động.
Về việc sử dụng các phần mềm quản lý trong các DN, trong Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2021 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) có cho biết các DN lớn có tỷ lệ sử dụng các phần mềm cao hơn hẳn so với nhóm các DN vừa và nhỏ.
Đặc biệt trong nhóm các phần mềm chuyên sâu như SCM, CRM và ERP thì DN lớn có tỷ lệ sử dụng lần lượt là 53%, 62% và 57%, trong khi các DN vừa và nhỏ có tỷ lệ sử dụng thấp hơn rất nhiều.
Tại buổi toạ đàm trực tuyến ở Tp.HCM vào ngày 11/11 để bàn về cơ hội chuyển đổi số của DN trong bình thường mới, ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học Tp.HCM (HCA), lưu ý các MSME cần xem việc tăng cường năng lực bán hàng nhiều hơn là cách tồn tại trước, rồi mới tính đến phát triển. Sau khi giải quyết bài toán thứ nhất là bán hàng tốt rồi thì bài toán thứ hai đặt ra là quản lý DN hiệu quả.
Nhìn vào lộ trình của các MSME như vậy, vị Phó chủ tịch HCA nhấn mạnh họ cần có phương án chuyển đổi số cho phù hợp. DN nên tìm kiếm những nền tảng (Platform). Trong đó, nên chọn giải pháp chắc chắn là điện toán đám mây bằng cách đi thuê (chứ không nên mua hay tổ chức bộ phận công nghệ thông tin nho nhỏ trong DN của mình) để giảm chi phí ban đầu.
“Tốt nhất là DN nên đi thuê điện toán đám mây và trả chi phí tương tự như điện và nước”, ông Tuấn nói.
Và khi dùng giải pháp nền tảng điện toán đám mây, theo ông Tuấn, các MSME có nhu cầu mỗi thứ một chút, từ chuyện bán hàng cho đến quản lý hàng tồn kho, tiền nợ, văn phòng điện tử, phân công công việc... Điều này giống như là “thực đơn”, nên các DN phải chọn “thực đơn” để phục vụ cho đúng nhu cầu của mình.
Ngoài ra, các MSME cũng cần phải nghĩ đến yếu tố đủ trong số hoá để giúp cho sau này DN lớn lên sẽ có tính kế thừa. Mặt khác, các DN nhỏ, siêu nhỏ đang có tư duy không đúng là bó hẹp dữ liệu vì sợ chia sẻ, nhưng riêng trong chuyển đổi số và tài sản số thì càng chia sẻ, càng kết nối sẽ giúp giá trị gia tăng của DN càng tăng lên.
Thế Vinh