Tại phiên thảo luận về một số nội dung liên quan đến ngân sách nhà nước và đầu tư công của Quốc hội sáng 29/10, đại biểu Mai nêu thực tế hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết về đầu tư công trung hạn, tổng mức đầu tư 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án. Ở rất nhiều địa phương, dự án dở dang, thiếu vốn là rất lớn.
Đặc biệt với nguồn trái phiếu Chính phủ, mỗi tỉnh, thành phố được phân bổ một dự án (trong khoảng 260.000 tỷ đồng).
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) |
Kinh nghiệm của các nước cho thấy họ chỉ tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, không ở đâu mỗi tỉnh có một dự án như Việt Nam. Như ở Australia đầu tư vào sân bay, ở Hàn Quốc thì làm đường cao tốc.
"Mong muốn của các địa phương là chính đáng, nhu cầu là cần thiết nhưng trong bối cảnh nguồn lực khó khăn như nợ công cao, bội chi lớn, lãi suất ngày càng tăng bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung, không dàn trải", đại biểu Mai nhấn mạnh.
Theo đại biểu này, công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số địa phương chú trọng được đầu tư.
Theo bà Mai, cần thay đổi nguồn lực, thay đổi trật tự ưu tiên ở các văn bản pháp luật; Đề xuất dự án có sự liên kết của nhiều địa phương trong vùng, khu vực vì lợi ích chung; để khắc phục tình trạng dự án nhỏ lẻ, thiếu dự án lớn, lan tỏa vùng miền; cần nâng cao công tác quy hoạch (một quy hoạch kém cho ra đời dự án dàn trải); Nhà nước chỉ thực hiện đầu tư ở ngành mà tư nhân không thể, không muốn đầu tư.
Cùng với đó, tính hiệu quả dự án được thể hiện ở kết quả đầu ra của dự án đó. Điều này đặt vấn đề cần xem lại hiệu quả đầu tư của các dự án đã hoàn thành.
Trong giai đoạn 2011- 2015, số dự án hoàn thành là 1.789. Hết năm 2018, số lượng dự án hoàn thành là 6.290. Đây là những con số lớn. Tuy nhiên, xét dưới góc độ đầu ra, chưa có báo cáo nào khẳng định tất cả dự án này thiết thực hay không, trong các công trình hoàn thành có bao nhiêu công trình hiệu quả cao, hiệu quả thấp và không có hiệu quả?
Vì vậy, cần hoàn chỉnh bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu ra của các dự án theo thông lệ quốc tế, lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra tương xứng với nguồn lực đầu tư, tăng cường công tác giải trình và giám sát.
Theo đại biểu Mai, việc đánh giá những bất cập ngày hôm nay là tạo tiền đề cho những bước hiệu quả trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng cho rằng các báo cáo của Chính phủ cần nêu ra được bao nhiêu nhà đầu tư đầu tư có hiệu quả. Tỉnh nào tốt, tỉnh nào chưa tốt, doanh nghiệp nào tốt, doanh nghiệp nào chưa tốt. Có như vậy mới hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát trong đầu tư công.
Nhật Linh