Những bất cập từ thể chế pháp luật, thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân, xung đột từ lợi ích nhóm, tồn tại cơ chế "xin – cho" là những nguyên nhân khiến cho dòng vốn đầu tư công bị "tắc".
Có tăng nhưng chưa đạt
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy đến hết tháng 9/2018, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương là 203.583 tỷ đồng, đạt 50,93% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 52,46% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, vốn trong nước có tỷ lệ giải ngân cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 4%, đạt 187.213 tỷ đồng, tương đương 55,11% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 56,2% kế hoạch Thủ tướng giao.
Tuy nhiên, vốn ngoài nước có tỷ lệ giải ngân thấp hơn khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2017 là 16.369,931 tỷ đồng, đạt 27,28% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 29,78% kế hoạch Thủ tướng giao.
Bộ Tài chính cho biết tính đến thời điểm hiện nay, chỉ có duy nhất 1 bộ, ngành trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 80% kế hoạch. 30/56 bộ, ngành trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch 9 tháng thấp hơn 50% kế hoạch năm.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay cao hơn. Trên cơ sở đó, giới chuyên gia đánh giá giải ngân năm nay đạt trên 90%.
Ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng tốc độ giải ngân đạt gần 53% kế hoạch là một sự cải thiện so với trước đây, nhất là năm 2017.
Đạt được kết quả này nhờ tổng hòa các yếu tố như: sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn về thể chế cho đầu tư công.
"Hiện, các đơn vị triển khai thực thi các quy định pháp luật mới về đầu tư công đã vào guồng, khiến việc giải ngân tốt hơn", ông Thắng nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng những giải pháp khơi thông dòng vốn đầu tư công đang dần phát huy hiệu quả, có sự chuyển biến tích cực, song vẫn chưa đạt mục tiêu bởi vẫn còn tồn tại những nguyên nhân chủ quan.
Trong buổi lấy ý kiến về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu cho rằng Luật Đầu tư công có khó khăn nhưng bất cập trong luật chỉ là một phần, còn phần nhiều hơn là do tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công chưa nghiêm.
Giải ngân vốn đầu tư công hiện còn nhiều vướng mắc |
Phải xóa "xin – cho"
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, năm 2017 có tới 1.609 dự án đầu tư công chậm tiến độ, chiếm 3,1% số dự án thực hiện đầu tư. Trong đó có gần 150 dự án chậm tiến độ do chủ quan; do chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu không đủ năng lực.
Thực tế, có nhiều dự án đầu tư công thủ tục đúng nhưng khi triển khai lại sai. Chẳng hạn, dự án Hợp phần 1 – xe buýt nhanh BRT thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư, sai phạm về tài chính lên đến 43,57 tỷ đồng, nhưng khi đưa vào hoạt động lại kém hiệu quả.
Dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến sông Lừ), Sở GTVT đã trình UBND Tp. Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư, trong khi chưa bố trí được nguồn vốn, chưa lựa chọn phương án kiến trúc công trình.
Bên cạnh đó, có những dự án đã bố trí đủ vốn nhưng lại chưa thể triển khai như dự án Sân bay Long Thành đã được Chính phủ đồng ý bổ sung vốn để giải phóng mặt bằng nhanh, nhưng đến nay, các cơ quan thực thi vẫn chưa triển khai được.
Từ những vụ việc trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng tất cả giải pháp đưa ra cho đầu tư công không có tác dụng nếu vẫn còn cơ chế "xin – cho", quản lý ngân sách trung ương và địa phương không minh bạch sẽ tạo ra những lợi ích nhóm.
Đặc biệt, khi có sai phạm trong quản lý đầu tư công vẫn chưa có chế tài xử lý nghiêm dẫn đến tình trạng chậm trễ, thất thoát vốn còn kéo dài.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: "Cơ quan chức năng phải xác minh địa chỉ cụ thể để quy trách nhiệm. Chính phủ yêu cầu quyết liệt có chế tài xử lý việc chậm trễ, lãng phí trong đầu tư công và cần mạnh dạn xử lý những đơn vị sai phạm. Nếu không xử lý nghiêm minh, câu chuyện dự án đầu tư công chậm tiến độ, lãng phí sẽ trở thành bài ca muôn thuở và không bao giờ khắc phục được".
Trong khi đó, nhấn mạnh đến việc Luật Đầu tư công vẫn chưa đột phá về xử lý cơ chế "xin – cho", chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch khẳng định: "Dự luật phải khuyến khích các địa phương sáng tạo, tăng nguồn thu để tăng đầu tư, tăng tự chủ và nâng cao vai trò của HĐND trong việc này. Nếu cứ mãi xin-cho thì HĐND còn có gì để quyết?".
Huyền Anh