Đó là ý kiến được đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) nêu ra tại buổi thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 26/10.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) |
Theo đại biểu Cầu, đây là năm thứ 2 đạt hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó 2/3 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Nhìn lại những ngày đầu nhiệm kỳ với nhiều khó khăn như nợ công cao, dư địa tiền tệ hạn hẹp, biến đổi khí hậu thiên tai diễn ra thường xuyên, tâm trạng xã hội bất an, lòng tin của nhân dân suy giảm, trong khi nhu cầu nguồn lực cho đầu tư xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng của đất nước đòi hỏi rất lớn.
"Tại thời điểm đó, tôi cùng với nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng không biết Chính phủ có nhanh chóng vượt qua thách thức đó không", đại biểu Cầu chia sẻ.
Song, bây giờ đứng trên thành công, nhìn kết quả thấy bức tranh kinh tế - xã hội đã có những bước phát triển vượt bậc so với đầu nhiệm kỳ.
Sau nửa nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP từ 5,91% (giai đoạn 2011- 2015) đến nay đạt 6,57% (2016-2018), quy mô nền kinh tế tăng 1,3 lần so với 2015, dự trữ ngoại tệ đạt kỷ lục 60 tỷ USD, nợ công giảm từ 63,7% năm 2016 xuống 61,4% năm 2018, nợ xấu giảm, đầu tư FDI 2018 ước tính đạt 18 tỷ USD.
Cùng với đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn nằm trong tốp đầu thế giới: Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, điều, cá ba sa; đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo, đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê...
Kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân nâng lên rõ nét, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện... Việt Nam là một trong 18 nền kinh tế có hiệu quả vượt trội so với những nền kinh tế mới nổi còn lại.
Theo đại biểu Cầu, những thành tựu đó là sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị. Cử tri vui mừng phấn khởi, đồng thời trân trọng biết ơn Chính phủ. Chính phủ gần dân, thương dân, trọng dân đang lan tỏa trong lòng nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, cử tri cũng đang lo lắng trước vấn nạn thất thoát đầu tư công. Nếu đầu nhiệm kỳ, nhiều đại biểu phản ứng gay gắt về 12 dự án thua lỗ do Bộ Công Thương quản lý, giờ phát sinh thêm nhiều dự án của Bộ GTVT như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quãng Ngãi được đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng nhưng mới thông xe đã hỏng, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tăng thêm vốn tới 205%, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2013, đến nay 6 năm vẫn chưa hoàn thành.
Dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên với tổng mức 17.387,6 tỷ đồng tăng lên 47.325,2 tỷ đồng, tăng vốn 272%, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2018, đến nay mới hoàn thành 52%.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm vốn với 1.222,352 tỷ đồng và 97,2 triệu USD.
"Cứ điều chỉnh tăng thêm thế này, cứ kéo dài thời gian thế này, thất thoát lãng phí là nhiều vô kể", đại biểu Cầm nói.
Theo đó, cử tri đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội xử lý nghiêm sai phạm này, nếu không tới đây, Nhà nước giao Bộ GTVT quản lý và xây dựng sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam và nhiều công trình giao thông trọng điểm khác với tổng mức đầu tư hàng triệu tỷ đồng, thất thoát lớn là điều khó tránh khỏi.
Đại biểu Cầu bày tỏ vô cùng thấm thía với câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng: "Chưa bao giờ đất nước chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín trên trường quốc tế như hôm nay nhưng phía trước còn nhiều khó khăn".
Một trong những khó khăn là thu ngân sách tăng 3% so với dự toán nhưng có chiều hướng sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. 9 tháng đầu năm 2018, 22/57 địa phương không đạt dự toán thu ngân sách, trong đó 2 đầu tàu kinh tế là Tp.HCM và Hà Nội hụt thu 2 năm liên tục.
Đồng thời, đại biểu này cũng băn khoăn về việc thất thu thuế còn lớn, riêng nợ thuế 83.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2017, thất thoát lãng phí trong đầu tư đất đai, nhất là thực hiện hợp đồng BT - chuyển giao quyền sử dụng đất nhưng không qua đấu thầu...
Nhật Linh