Báo cáo “Tóm tắt đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020” tới các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tỷ trọng đầu tư công trên GDP dịch chuyển tích cực, phù hợp với các mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công đã đề ra, tính đến năm 2017, tỷ trọng vốn đầu tư của Nhà nước giảm xuống còn 34,8% so với tổng đầu tư toàn xã hội, tương đương 11,6% GDP.
Tư duy phân tán
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như khả năng cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) để bố trí vốn thực hiện hằng năm còn gặp nhiều khó khăn, tỷ trọng chi đầu tư còn thấp (khoảng 25%), số vốn cân đối cho các chương trình mục tiêu chỉ đạt khoảng 53% nhu cầu.
Việc hoàn thiện thủ tục và lựa chọn dự án phù hợp để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là do lần đầu tiên thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương lúng túng trong triển khai thủ tục và chưa có giải pháp cụ thể để lựa chọn các dự án tối ưu.
Việc phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án còn nhiều hạn chế, do nguồn vốn cân đối hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu, một số bộ, ngành, địa phương sau khi thanh toán nợ đọng, hoàn ứng và bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, gần như không còn đủ vốn để bố trí vốn cho các dự án khởi công mới.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy phân bổ dàn trải, phân tán, dự kiến quá nhiều dự án đưa vào danh mục.
Đồng thời, chưa giải quyết được tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng nguồn vốn và nhu cầu về vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương (NSTW), nhiều dự án cấp bách, trọng điểm, dự án ODA, dự án đến hạn phải trả cho các nhà đầu tư của các bộ, ngành, địa phương chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn do không có nguồn bố trí.
Tình trạng mất cân đối giữa NSTW và ngân sách địa phương (NSĐP) ngày càng tăng, không bảo đảm mục tiêu NSTW đóng vai trò chủ đạo theo quy định của Luật NSNN.
Việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công cho các bộ, ngành và địa phương đôi khi còn bị chậm và thực hiện nhiều lần trong năm 2015, 2016. Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm còn vướng nhiều thủ tục hành chính, chưa chủ động, kịp thời.
Nhận thức, tư duy, chất lượng của một bộ phận cán bộ còn chưa theo kịp quá trình đổi mới |
Đầu tư dàn trải
Cùng với đó, Báo cáo thẩm tra việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng chỉ ra việc xác định danh mục các dự án đầu tư công theo thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn vướng mắc; còn tình trạng đầu tư dàn trải, dở dang; chưa thanh toán hết nợ đọng xây dựng cơ bản.
Việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm, chưa bảo đảm tính ổn định, giao vốn nhiều lần, kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân, hiệu quả nguồn vốn. Tỷ lệ giải ngân trong năm 2016, 2017 thấp, nhất là nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Về thực hiện các nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn, việc xây dựng danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác, nhiều dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn đối ứng; xây dựng kế hoạch chưa bao quát hết các hiệp định đã ký kết, làm tăng áp lực cân đối giữa các nguồn vốn, dẫn đến vượt mức trần 300.000 tỷ đồng vốn ODA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
“Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đặt ra; một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư. Việc thực hiện định hướng “khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác” chưa thực sự thành công...”, ông Hải đánh giá.
Nguyên nhân, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, là do nhận thức, tư duy, chất lượng của một bộ phận cán bộ còn chưa theo kịp quá trình đổi mới theo yêu cầu của Luật Đầu tư công và Nghị quyết 26 của Quốc hội, vẫn nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn NSTW.
Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư công trong một số trường hợp chưa nghiêm; công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời.
Thy Lê