Như VnBusiness đã thông tin, mới đây, nhiều hiệp hội doanh nghiệp (DN) trong nước đã đồng loạt phản ánh những bất cập liên quan tới Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đáng chú ý, dự thảo này đã được Bộ TN&MT chuyển qua Bộ Tư pháp nhằm chuẩn bị thẩm định theo quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào tuần cuối tháng 9/2021. Tuy nhiên, nhiều vấn đề của Dự thảo vẫn đang gây tranh cãi bởi không ít quy định, phương thức, tiêu chí không phù hợp, thêm nhiều khoản phí.
Nặng gánh với nghĩa vụ môi trường
Ngoài phản ánh khó khăn về thủ tục cấp giấy phép môi trường phức tạp và trùng lắp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, gần 2 tháng thực hiện “3 tại chỗ”, DN thủy sản đối mặt với muôn vàn khó khăn và áp lực đứt gãy toàn chuỗi từ nuôi - khai thác - chế biến - xuất khẩu (XK), chi phí sản xuất tăng cao. Đang "ngồi trên đống lửa" thì lại thêm lo, vì như quy định tại Dự thảo thì các nhà máy chế biến thủy sản có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200 m3/ngày trở lên đã phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải với chi phí hàng tỷ đồng, thêm chi phí vận hành từ 40-50 triệu đồng/kỳ quan trắc khiến giá thành sản xuất tăng cao hơn nữa.
Doanh nghiệp chế biến thủy sản lo lắng phải đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống quan trắc tự động nước thải. |
Cũng liên quan tới vấn đề này, ông Mikinao Tanaka, đại diện Công ty Canon Việt Nam cho hay, Dự thảo Nghị định quy định DN “đóng góp tài chính” vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải. Nếu gọi “đóng góp” thì phải là khoản tiền tự nguyện dựa trên khả năng, nguyện vọng, mong muốn của DN nhưng theo Dự thảo lại là khoản tiền DN bắt buộc phải đóng. Về bản chất, đây là một loại phí tương tự như phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường, khai thác khoáng sản được đề cập trong Luật.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá, Dự thảo đưa thêm nhiều quy định về nghĩa vụ bảo vệ môi trường làm khó DN. Trong tình hình dịch COVID-19, DN khó đã chồng khó giờ lại phát sinh thêm nhiều khoản phí sẽ là gánh nặng cực kỳ lớn. Theo đó, EuroCham đề xuất hoãn triển khai Nghị định này thêm 1-2 năm tới.
Đồng thời, việc khôi phục hoạt động sản xuất của DN cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Đóng góp về Bộ Tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP.HCM để đưa sản xuất trở lại, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kiến nghị, cần quy định rõ cho thuật ngữ “thẻ xanh COVID-19”, “thẻ vàng COVID-19”. Nếu không xác định được việc này thì sẽ không thể góp ý đầy đủ cho các tiêu chí.
Cùng với đó, việc áp dụng biện pháp mở cửa dần dần đồng nghĩa với việc DN đáp ứng được đến đâu thì bố trí nhân lực đến đó. Ví dụ, chỉ 50% đáp ứng tiêu chí "thẻ xanh COVID-19" thì DN được bố trí 50% trở lại làm việc và tăng dần theo tỷ lệ/thời gian nhân viên được tiêm.
Cản trở đà phục hồi sau dịch COVID-19
"Bộ Y tế đã có sáng kiến cho việc những F0 khỏi bệnh có thể ở lại chăm sóc bệnh nhân, một trong những nguyên nhân là kháng thể của người đã từng nhiễm COVID-19 tốt hơn so với người đã tiêm 2 mũi vắc xin. Do đó, Vitas đề xuất ưu tiên người đã khỏi bệnh trở lại làm việc mà không kèm theo điều kiện phải chờ 6 tháng hoặc chờ thêm 2 tuần sau khi tiêm mũi 1. Có thể lấy chứng nhận có kháng thể bằng giấy ra viện của bệnh viện hoặc kết quả xét nghiệm kháng thể", bà Mai đề nghị.
Có thể thấy, nếu những rào cản về thủ tục hành chính được cắt giảm thì cộng đồng DN sẽ đỡ khó khăn hơn. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, khủng hoảng có thể là xúc tác thúc đẩy cải cách. Một số nước đã tận dụng cơ hội để đưa ra các giải pháp không chỉ giúp chèo lái vượt qua khủng hoảng, mà còn tạo cơ sở để cải thiện bền vững, lâu dài môi trường kinh doanh. Thực tế diễn ra tại các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, nhất là ở Hàn Quốc, trong và sau khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990 là ví dụ điển hình.
Đồng thời, theo xếp hạng năng lực cạnh tranh đầu tư, thì môi trường kinh doanh đứng thứ 3 trong các yếu tố quan trọng dẫn tới quyết định đầu tư. Ở Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; làn sóng sau phức tạp hơn, rộng hơn và tác động xấu hơn so với làn sóng trước. Điều đó dẫn đến nền kinh tế, cuộc sống và sinh kế của người dân vẫn chịu tác động lớn, bất lợi chưa từng có. Cả trăm nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn; hàng chục triệu lao động mất việc, giảm việc, giảm thu nhập...
Cũng giống như Chính phủ các nước, Việt Nam đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ DN, người dân đối phó với dịch bệnh như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giảm, giãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội, miễn, giảm phí... Năm 2021, một số chính sách hỗ trợ nói trên vẫn tiếp tục thực hiện.
Tuy nhiên, ông Cung đánh giá về triển khai thực hiện, thì hiệu lực một số gói hỗ trợ không cao; số DN được hưởng lợi từ giãn thuế, bảo hiểm xã hội không nhiều; gói hỗ trợ an sinh chỉ giải ngân được khoảng 13%. Dịch vụ công trực tuyến cũng được đẩy mạnh hơn, nhưng áp dụng công nghệ trong chống dịch, trong hoạch định chính sách nhìn chung còn hạn chế.
Đặc biệt, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, so với kinh nghiệm quốc tế, thì tinh thần giảm, nới lỏng quy định, linh hoạt trong áp dụng quy định để hỗ trợ DN chống chịu với dịch bệnh vẫn còn thiếu vắng. Trong khi dịch bệnh còn lây lan, tác động xấu đến đầu tư kinh doanh, thì đề xuất áp dụng mã số mã vạch, gắn camera hành trình, bắt buộc sàn giao dịch điện tử phải khai báo, nộp thuế thay cho người bán hàng... là những ví dụ điển hình cho thực trạng nói trên.
"Điều đáng nói thêm là cải cách cải thiện môi trường kinh doanh nói chung bị chững lại kể từ khi đại dịch bùng phát. Những phân tích, đánh giá xác định khu vực tiềm năng, những ưu tiên chính sách, và đặc biệt là những ưu tiên, trọng tâm của cải cách thể chế để phục hồi tăng trưởng nhanh sau đại dịch vẫn còn trong “im lặng”; quá trình hoạch định chính sách và chương trình nghị sự của các cơ quan có thẩm quyền không khác nhiều so với trước", ông Cung đánh giá.
Theo đó, chuyên gia này cho rằng kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy: Việt Nam cần một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, đột biến và sáng tạo. Đây sẽ là yếu tố không thể thiếu để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Bà Phạm Chi Lan Chuyên gia kinh tế Vấn đề cải cách thể chế, môi trường kinh doanh phải làm liên tục, không thể vì COVID-19 mà đứt đoạn hoặc lợi dụng COVID-19 để đình hoãn được. Chúng ta không cải thiện môi trường kinh doanh có thể gây tổn hại nền kinh tế trong dài hạn, thiệt hại lớn hơn so với dịch COVID-19. Cải cách môi trường kinh doanh hiện nay cũng không cần vắc xin, các cơ quan Nhà nước đừng ỷ lại vào vấn đề này để bao biện cho chính mình. Không họp trực tiếp, không hỗ trợ trực tiếp thì chúng ta thực hiện trên internet, môi trường mạng càng minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn. Bà Trương Thị Lệ Khanh Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn Công ty có công đoàn đi thu hoạch cá tra ở các địa phương thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, đang gặp khó khăn ở giấy tờ đi lại, test COVID-19 giữa các địa phương. Theo quy định 7 ngày test một lần, nhưng thực tế thì các địa phương lại không công nhận giấy tờ của địa phương khác. Điều này khiến DN gặp khó khăn, tốn kém chi phí và thời gian. Cùng với đó là chính sách quy định để người lao động khác tỉnh đến làm việc tại DN khi dịch bệnh dần được khống chế cũng còn rất khó khăn. Ông Đậu Anh Tuấn Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Chất lượng thực thi là thước đo cuối cùng của thành quả cải cách. Một số bộ ngành cho rằng chỉ ban hành văn bản là xong nhưng người dân, DN cần chất lượng thực thi cải cách. Kế hoạch, chương trình hành động nào cũng hay, ngôn từ nào đẹp nhất cũng được sử dụng nhưng trên thực tế, nhà đầu tư, DN có được thụ hưởng trực tiếp hay không thì có sự khác biệt lớn. Do vậy, lãnh đạo của các địa phương cũng cần đánh giá kỹ hơn về chất lượng thực thi cải cách. |
Lê Thúy