Theo đó, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp (DN) như Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt nam (Vasep), Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (Amcham), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam... đã phản ánh nhiều khó khăn, bất cập liên quan tới các quy định của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
DN chế biến thủy sản như "ngồi trên đống lửa" vì có thể phải tốn thêm hàng tỷ đồng để lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải. |
Đơn cử, đó là thủ tục cấp Giấy phép môi trường phức tạp, trùng lặp; một số điều kiện bất hợp lý trái với các Nghị quyết của Chính phủ.
Trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và xin cấp giấy phép môi trường (GPMT), nhưng với quy định mới tại Dự thảo thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin cấp GPMT. Điều này làm gia tăng thủ tục hành chính do hồ sơ cấp phép và quy trình cấp phép rất phức tạp, trùng lặp, nhưng lại không có hiệu quả. Điều này cũng đi ngược lại với Nghị quyết 68/2020/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho DN.
Cùng với đó, các hiệp hội, DN cũng quan ngại về phí tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) do cách tính, thu và quản lý phí có nhiều điểm bất hợp lý và thiếu minh bạch. Theo đó, các hiệp hội, DN đề nghị lùi lộ trình nộp phí tái chế đến 1/1/2025, vì nếu Nghị định áp dụng vào ngày 1/1/2022 thì DN sớm phải chịu thêm chi phí trong khi vẫn đang rất khó khăn để chống dịch, thêm vào đó là giá hàng hóa tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng đang rất khó khăn.
Bên cạnh những khó khăn trên, các quy định của Dự thảo cũng chưa tính đến đặc thù của các ngành, trong đó có ngành thủy sản. Ngành thủy sản gặp khó khăn như quy định dung lượng nước thải tối thiểu phải quan trắc tự động, tần suất quan trắc nước thải định kỳ chưa phù hợp.
Theo các DN thủy sản, gần 2 tháng thực hiện “3 tại chỗ”, DN thủy sản đối mặt với muôn vàn khó khăn và áp lực đứt gãy toàn chuỗi từ nuôi - khai thác - chế biến - xuất khẩu. Đang "ngồi trên đống lửa" thì lại thêm lo vì quy định tại Dự thảo trên thì các nhà máy chế biến thủy sản có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200 m3/ngày đêm trở lên phải phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải. Trong khi giá thành đầu tư hệ thống tính sơ đã mất hàng tỷ đồng, chi phí vận hành trung bình từ 10 - 30 triệu đồng/tháng... Thêm đầu tư một hệ thống vừa đắt đỏ, kết quả không chính xác... mà vẫn có nguy cơ bị phạt.
Dự thảo trên cũng đưa ngành chế biến thủy sản vào mức 3 của “Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”. Vasep và cộng đồng DN thủy sản cho rằng, điều đó là không công bằng, bởi thực tế so với các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như: bánh kẹo, sữa, dệt nhuộm... thì nước thải của ngành thủy sản ít ô nhiễm môi trường, ít độc hại hơn nhiều nhưng lại bị xếp vào mức độ cao hơn...
Thy Lê