Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) đưa ra 3 kịch bản về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023. Kịch bản 1 là chính sách không có nhiều thay đổi, GDP sẽ tăng trưởng trung bình 6,35%. Kịch bản 2 sẽ thực hiện nới lỏng tài khóa và tiền tệ, GDP sẽ tăng trưởng trung bình 6,69%. Kịch bản 3 là thực hiện nới lỏng tài khóa và tiền tệ cùng với cải cách thể chế, GDP sẽ tăng trưởng trung bình 6,76%.
Thời điểm cải cách quyết liệt
Ông Dương nhấn mạnh thêm rằng, nếu chỉ nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Trong khi, nếu nới lỏng tài khóa và tiền tệ song hành với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.
Cải cách thể chế cần song hành với các chương trình phục hồi kinh tế. |
Tuy nhiên, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM cũng bày tỏ băn khoăn về chính sách trong giai đoạn tới sẽ là gì?
"Năm 2021, chúng ta có thể tập trung kiểm soát dịch bệnh đi kèm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, năm 2022 thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đi kèm cải thiện thể chế và năm 2023, Chính phủ sẽ rút dần giải pháp hỗ trợ, tập trung mạnh vào cải cách thể chế", ông Dương nêu quan điểm.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện mạnh mẽ những cải cách thể chế đã được đưa ra tại Đại hội 13 của Đảng. Đặc biệt, không nên nghĩ rằng hậu COVID-19 thì mới cải cách, mà trong giai đoạn này cần phải cải cách quyết liệt.
Đặc biệt, ông Doanh cho rằng nên bổ sung cả tính so sánh về chính sách của những quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Đơn cử như Trung Quốc dù là quốc gia đầu tiên chịu tác động của COVID-19, nhưng họ vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP 2,3% trong năm 2020. Họ đã đối phó chiến tranh thương mại với Mỹ bằng phát triển thị trường nội địa rất hiệu quả.
Đồng thời, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, việc phát huy sự năng động của các địa phương là rất cần thiết. "Tại sao những năm gần đầy, Quảng Ninh, Hải Phòng tăng trưởng rất cao... Sự sáng tạo của các địa phương cần được vận dụng trong xây dựng chính sách", ông nhấn mạnh.
Tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cải cách thể chế còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Ví dụ với môi trường đầu tư kinh doanh, các luật phải cải cách ra sao? Đơn cử, Luật Đất đai phải sửa thế nào hay chúng ta có nên ban hành một Luật về Hộ kinh doanh để phát huy sức mạnh từ khu vực này trong việc phát triển kinh tế.
Theo Viện trưởng CIEM, mặc dù được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa kinh tế một cách an toàn, song Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế.
"Dưới góc nhìn của chúng tôi, nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết hoặc không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu nền kinh tế. Những thành công nhất định trong chỉ đạo và điều hành của Chính phủ từ năm 2020 cho đến nay, thể hiện ở những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, những phản ứng chính sách kịp thời hay hướng nhiều hơn tới chủ động quản trị bất định đã góp phần vào thành công của kiểm soát đại dịch COVID-19. Chính ở đây, việc đảm bảo các chính sách phục hồi kinh tế và cải cách thể chế có sự song hành và hài hòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng", bà Minh nói.
Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng cần nhìn nhận nhiều chiều của cải cách thể chế. Trong bối cảnh hiện nay với những thay đổi nhanh chóng, Việt Nam cũng cần cập nhật biến động từ lớn đến nhỏ về chống dịch và giải pháp hỗ trợ của nhiều quốc gia
"Năm nay, người ta nói nhiều tới từ phục hồi. Tuy nhiên, có thể tới cả năm 2022, sự phục hồi này còn nhiều bất định vì rủi ro. Do vậy, Việt Nam cần tạo lập một thể chế chống chịu tốt, các cú sốc như biến động khí hậu, chiến tranh thương mại, dịch COVID-19... Thậm chí còn nhiều rủi ro mà chúng ta không lường trước, khó nhận diện như khủng hoảng tài chính, lạm phát...", ông Thành nói.
Theo ông Thành, để phát triển vững mạnh trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần các sáng kiến mới, đặc biệt ở các địa phương. Trước kia các tỉnh cạnh tranh xuống đáy như "hút tiền, vốn đầu tư" thì giờ các tỉnh phải cạnh tranh với nhau bằng sự sáng tạo như thành phố thông minh, thành phố đáng sống...
Lê Thúy