Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với VnBusiness. Ông cũng nêu ra rất nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp nước ngoài (DN FDI) đang gặp phải tại Việt Nam như thủ tục khôi phục sản xuất khó khăn, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài khó đến Việt Nam.
Mới đây, 18% DN EU tại Việt Nam đã chuyển dịch một phần đơn hàng sang các nước khác. Đồng thời, 4 Hiệp hội DN nước ngoài (EuroCham, AmCham, KoCham, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean) cũng đang thảo luận về việc chuyển dịch đơn hàng. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Chuyển đơn hàng là việc đơn giản nhất trong dịch chuyển đầu tư. Khi thu hút dịch chuyển luồng vốn từ Trung Quốc, chúng tôi cũng nhận định cái thu hút nhanh nhất là đơn hàng. Thực tế, trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã tận dụng được một số cơ hội từ dịch chuyển đơn hàng.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, thì điều này đang xảy ra với chính chúng ta. Khi sản xuất bị hạn chế, thậm chí đóng cửa, việc các DN FDI tính tới chuyển đơn hàng sang nước khác cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì đa phần DN FDI đều nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, khi bị đứt gãy một mắt xích nào đó họ sẽ tìm DN khác thay thế. Hay còn gọi nôm na là họ luôn duy trì cả chuỗi cung ứng dự phòng. Đây là điều mà bất cứ đơn vị nào tham gia chuỗi đều phải tính đến.
Sản xuất ở Việt Nam gián đoạn là do nhiều địa phương thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch, điều này giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan cũng lại ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, lưu thông hàng hóa ở Việt Nam.
Sản xuất ở trong khu công nghiệp, nếu xuất hiện F0, DN sẽ bị phong tỏa, ngừng sản xuất, hay về lưu thông, có tỉnh cấm đoán lưu thông, làm cho lưu chuyển hàng hóa qua biên giới, qua cảng khó khăn. Dẫn tới DN không đặt hàng được ở Việt Nam thì sẽ tìm nơi khác.
Mình mất đơn hàng trong một kỳ ngắn hạn không nguy hiểm bằng đơn hàng dài hạn, lâu hơn, nhiều lần nhà đầu tư chán nản không quay lại đặt hàng nữa.
Đó là về đơn hàng, còn về chuyển dịch đầu tư thì sao thưa ông. Có ý kiến lo ngại dòng vốn FDI sẽ dịch chuyển khỏi Việt Nam?
Về đầu tư thì đó là quyết định mang tính chất dài hạn hơn, với lợi thế được tính toán cân nhắc kỹ càng hơn. Trước mắt nhìn vào số liệu thu hút vốn FDI trong 8 tháng đầu năm 2021, tôi cho rằng Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng so với năm ngoái, có nhiều dự án lớn. Thậm chí, nhiều dự báo cho rằng, thu hút vốn FDI của Việt Nam còn tăng trong thời gian tới.
Tất nhiên, muốn gia tăng thu hút FDI thì Việt Nam cần phải làm tốt khâu chống dịch để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Mình cần thay đổi hẳn quan điểm là phải "sống chung với dịch bệnh" thông qua tạo miễn dịch cộng đồng để sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Ông vừa nhắc tới câu chuyện khôi phục sản xuất khi mà dịch bệnh dần được khống chế. Song hiện nay việc này cũng không hề dễ dàng?
Khó khăn của thời COVID-19, hay hậu COVID-19 là vấn đề chống đứt gãy sản xuất, khôi phục sản xuất về như trước đây. Tuy nhiên, hiện thủ tục quay lại sản xuất quá khó khăn, rườm rà. Các thủ tục ấy là gì, trước tiên phải làm báo cáo về việc quay lại sản xuất, được duyệt thì mới làm. Sau đó, các tổ chức liên ngành xuống kiểm tra trực tiếp về có kết quả mới cho làm. Cả quá trình như thế mất khá nhiều thời gian. Thậm chí có thể mất nửa tháng hoặc một tháng.
Một số DN FDI khuyến nghị cần rút ngắn các quy trình thủ tục. Ở những khu vực có thể khôi phục được sản xuất, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cần phải rút ngắn, thậm chí chỉ 2-3 ngày là rất quý đối với DN để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng đơn hàng.
Cùng với đó, các DN FDI cũng gặp khó khăn về thu hút lao động, nếu không có động thái chủ động từ DN, địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước, thì sẽ rất khó khăn để vực dậy cả nền kinh tế. Do DN dừng sản xuất, nhiều lao động buộc phải chuyển về quê hoặc đi nơi khác. Chuyện quay trở lại sản xuất, thu hút lao động phổ thông, nhân lực chất lượng cao hiện nay rất khó khăn.
Việc này cần phải lường trước, cần gấp rút đạt miễn dịch tốt nhất nhưng đồng thời phải chủ động khôi phục sản xuất nhanh nhất. Việc thu hút lại lao động để đáp ứng các đơn hàng là yêu cầu bắt buộc. Bởi nhu cầu lao động sau dịch rất lớn, thậm chí đột biến do đơn hàng dồn ứ lại hoặc tăng cao. Rõ ràng, đây là bài toán đặt phải làm rất nhanh, ráo riết từ cơ quan quản lý nhà nước đến các địa phương, hiệp hội, DN.
Các DN FDI cũng phản ánh hiện nay chuyên gia của họ vào Việt Nam rất khó khăn. Đây đang là rào cản khiến nhiều nhà đầu chưa thể đưa ra quyết định rót vốn vào Việt Nam trong thời gian tới? Vậy chúng ta nên làm gì trong bối cảnh này, thưa ông?
Tôi cho rằng việc giãn cách đối với chuyên gia có thể khắc phục bằng cách áp dụng cơ chế bong bóng an toàn chống dịch COVID-19 giống như bong bóng trong thể thao, Olympic vừa rồi tại Nhật Bản áp dụng khá thành công. Các chuyên gia vào làm online hoặc đi khảo sát không tiếp xúc với ai hoặc tiếp xúc với ai thì cũng chỉ số ít, đủ mọi điều kiện không lây nhiễm.
Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài sắp tới sẽ có kiến nghị Chính phủ dứt khoát phải làm nhanh thẻ xanh. Theo đó, chúng ta cần liên kết với các tổ chức, các đối tác, bạn hàng lớn, các quốc gia khu vực và thế giới để thống nhất về quy tắc, quy chuẩn và điều kiện công nhận thẻ xanh của Việt Nam tại nước ngoài và thẻ xanh của nước ngoài tại Việt Nam. Đây là cơ sở cực kỳ quan trọng để giúp DN giao thương, kết nối nhanh chóng với thế giới, tranh bỏ mất thời cơ.
Nhật Linh thực hiện