Dù mới đưa vào vận hành nhà máy sản xuất bao bì giấy ở Bình Dương có công suất đến 12 tỷ bao bì hộp giấy/năm, nhưng khi được hỏi các doanh nghiệp (DN) địa phương có thể tham gia chuỗi cung ứng cho nhà máy này hay không, ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc điều hành Tetra Pak Việt Nam (một DN 100% vốn Thuỵ Điển), đã trả lời thẳng thắn là rất khó.
Chưa đạt yêu cầu
Theo ông Jeffrey, nhà máy sẽ tạo việc làm cho người dân địa phương, sử dụng một số dịch vụ logistics, bảo trì của địa phương, nhưng để DN địa phương tham gia chuỗi cung ứng của nhà máy nhằm tạo ra những sản phẩm bao bì giấy có tính chất tiêu chuẩn toàn cầu thì lại chưa đạt được.
"Với một nhà máy có công nghệ mới, sản xuất đầu ra sản phẩm có chất lượng cao thì đầu vào phải nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu. Nếu các nhà cung cấp địa phương đạt được các yêu cầu thì chúng tôi sẽ thu mua, nhưng quy trình này sẽ rất khó khăn", ông Jeffrey nói.
Tại Diễn đàn "Metalex Vietnam – Welding Vietnam 2019" tổ chức ở Tp.HCM ngày 25/7 về việc hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Frank Weiand, Giám đốc hợp phần liên kết DN nước ngoài thuộc Dự án kết nối DN nhỏ và vừa (DNNVV) của Tổ chức USAID, chia sẻ chỉ có một vài DNNVV của Việt Nam là có thể đóng vai trò nhà cung cấp cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
"Ngay cả khi chọn đầu tư và xây dựng nhà máy ở Việt Nam, các DN FDI cũng mang theo những DN, nhà cung ứng của riêng họ, chứ không chọn các nhà cung ứng nội địa ở Việt Nam", ông Frank nói.
Vì sao chỉ có con số rất ít DNNVV của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu? Theo vị chuyên gia này, đó là vì trình độ công nghệ còn lạc hậu, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN nước ngoài, chưa chuẩn hóa đầy đủ các thông lệ quốc tế, thiếu nhân lực có trình độ tay nghề…
Ông Frank cũng dẫn lại một cuộc khảo sát từ các DN Nhật Bản, cho thấy khi họ chọn đầu tư vào Việt Nam đã mang theo cả một hệ sinh thái các nhà cung ứng và các DNNVV của riêng mình, chứ không mở cửa cho các DNNVV của Việt Nam.
Tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm của DN Nhật Bản tại Việt Nam đang ở mức rất thấp (khoảng 33,2%, dưới mức trung bình của ASEAN). Theo ông Frank, đây chỉ là báo cáo, còn trên thực tế còn có thể thấp hơn, ở mức 20%.
Giới chuyên gia tỏ ra băn khoăn khi tỷ lệ DNNVV tham gia chuỗi cung ứng của các DN FDI hiện vẫn chưa có nhiều tiến triển, trong khi các DN FDI lại đóng góp đến 70% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.
Công nghệ cũ kỹ khiến DN nhỏ khó vào chuỗi cung ứng |
Cần nâng cấp năng lực
Ông Nguyễn Sỹ Lê, giám đốc một DN nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, thừa nhận công ty vừa bị hạn chế về công nghệ sản xuất, vừa hạn chế trong vấn đề kết nối với các DN FDI ở một số lĩnh vực đầu tư mới.
Một đánh giá từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy ở giai đoạn hiện tại, các DNNVV của Việt Nam chủ yếu là nhà cung cấp cấp 3, được mô tả như là ngành sản xuất các nguyên liệu đầu vào nguyên liệu đơn giản và ít giá trị gia tăng hoặc các linh kiện đơn giản.
Theo WB, các nhà cung cấp cấp 3 này cũng không liên kết được với các công ty đầu chuỗi (hoặc thậm chí là các nhà cung cấp cấp 1) – là những công ty có công nghệ và kiến thức để giúp tăng năng suất, vì họ chỉ là các nhà cung cấp gián tiếp cho các công ty đầu chuỗi, nên không có liên hệ trực tiếp với các FDI này.
Do vị trí của DNNVV, hiệu ứng lan tỏa chưa đạt được mức tối đa, nên các nhà phân tích của WB khuyến nghị cần thiết phải tăng cường kết nối trong các chuỗi giá trị hiện tại thông qua triển khai nhiều hoạt động hơn ở thượng nguồn và hạ nguồn.
Theo đó, mục tiêu cho Chính phủ là phát triển mạng lưới các nhà cung cấp cấp 1 (trực tiếp) và cấp 2/cấp 3 (gián tiếp) gắn với công đoạn lắp ráp cuối cùng để các công ty này chuyển sang sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa xuất khẩu. Hơn nữa, điều này có thể hỗ trợ các công ty trong nước có tiềm năng có thể trở thành công ty đầu chuỗi về lâu dài.
Ở vai trò một chuyên gia của USAID trong nỗ lực kết nối DNNVV Việt Nam vào chuỗi cung ứng với các DN FDI, ông Frank Weiand nhấn mạnh cần phải tạo ra sự thay đổi mang tính hệ thống trong mối quan hệ giữa DNNVV với các DN nước ngoài. Đặc biệt là cần tăng về số lượng lẫn chất lượng trong kết nối kinh doanh giữa hai nhóm DN này.
Thứ nhất, cần tăng cường các khung kết nối, khung chính sách, cũng như các quy định kết nối kinh doanh giữa DN Việt Nam và DN nước ngoài. Thứ hai, cần tăng cường năng lực của DNNVV nhằm giúp họ sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều quan trọng trước hết là các DNNVV trong nước cần phải hiểu được khoảng cách kỹ thuật và kỹ năng của mình, cũng như các tiêu chuẩn QCD (chất lượng, giá thành và giao hàng) để bắt đầu nâng cấp năng lực.
Thế Vinh