Liên quan tới dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 23/2015/BKHCN về NK máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, bà Orsolya Grove, đại diện Nhóm công tác đầu tư và thương mại (Diễn đàn DN Việt Nam – VBF 2018), cho biết những bất cập mà DN nêu lên tại VBF 2017 vẫn chưa giải quyết xong.
Doanh nghiệp chê dự thảo sửa đổi
Cụ thể, theo Nhóm công tác, dự thảo thông tư mới về việc NK thiết bị đã qua sử dụng chưa phải là một bước tiến cải thiện đối với các quy định rắc rối hiện nay.
Trong đó, dự thảo mới mở rộng các hạn chế đối với một số loại mặt hàng tạm nhập tái xuất, trong khi theo Thông tư 23 hiện hành, hạn chế chỉ áp dụng đối với việc tạm nhập tái xuất để thực hiện các hợp đồng gia công, sản xuất hoặc thực hiện các dự án đầu tư.
Điều này có nghĩa là nếu dự thảo được thực hiện, hoạt động tạm nhập tái xuất thiết bị phục vụ triển lãm, hội nghị, tập huấn và cho một số mục đích nhất định khác sẽ phải chịu những hạn chế tương tự.
Ngoài ra, việc dự thảo áp dụng hạn chế đối với các hoạt động nêu trên sẽ gây khó khăn cho DN trong việc thực hiện công việc kinh doanh của mình vì DN không cần phải tạm nhập máy móc, thiết bị mới cho các mục đích nêu trên (tức là cho mục đích triển lãm, hội nghị, tập huấn).
Nói cách khác, quy định này đang tạo gánh nặng cho hoạt động của DN bằng cách ép họ phải thu xếp nhiều nguồn lực tài chính hơn cho những hoạt động không gây ảnh hưởng tới môi trường.
Bà Orsolya kiến nghị giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như được quy định tại Thông tư 23, hoặc tốt hơn hết là để vấn đề này cho các cơ quan chức năng hữu quan.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của DN, dự thảo còn là một bước lùi so với Thông tư số 23 vì máy móc, thiết bị đã qua sử dụng trong các dự án đầu tư không còn được miễn yêu cầu về tuổi như quy định tại Thông tư số 23.
"Chúng tôi cho rằng các quy định mới áp dụng cho máy móc/thiết bị đã qua sử dụng trong các dự án đầu tư là không thực tế vì Việt Nam đã thiết lập các tiêu chuẩn và quy định để quản lý giám sát tác động của máy móc cũ đã qua sử dụng tới môi trường. Do vậy, việc áp dụng thêm các rào cản đối với máy móc cũ trong các dự án là không cần thiết", bà Orsolya cho biết.
Nhóm công tác đầu tư và thương mại kiến nghị nâng tuổi thiết bị lên 25 năm thay vì 20 năm. Về thực tiễn, máy móc, thiết bị, đặc biệt là những máy móc, thiết bị theo tiêu chuẩn của các nước G7 có thể được thiết kế và duy trì vận hành tốt mặc dù đã 20 năm. Ví dụ như máy móc để đóng gói, in ấn, đúc khuôn, hút chân không, việc bảo trì tốt và thường xuyên, chương trình nâng cấp, cải tạo tốt có thể cho phép máy móc vận hành với tình trạng mong muốn.
Dự thảo thay thế Thông tư 23 về nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ bị chê là không bằng thông tư hiện nay |
Lo thành bãi thải công nghệ?
Về thủ tục NK máy móc cũ, các DN nước ngoài cho biết, quy trình nộp hồ sơ gồm hai bước có khuynh hướng gây ra tình trạng không chắc chắn cho người nộp hồ sơ.
Cụ thể, đối với bước 1, để nhận được đãi ngộ miễn trừ cho máy móc/ thiết bị đã qua sử dụng trong các dự án đầu tư, nhà đầu tư phải xác định danh mục máy móc/thiết bị đã qua sử dụng vào thời điểm nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Mặc dù vậy, tại bước này, Bộ KH&CN không đưa ra các quyết định cuối cùng mà chỉ cung cấp các ý kiến sơ bộ đối với hồ sơ. Dù dự thảo không đề cập rõ điểm này, DN hiểu rằng cơ quan cấp phép chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu ý kiến sơ bộ từ Bộ KH&CN là ý kiến tích cực. Điều này có nghĩa là việc NK máy móc/thiết bị đã qua sử dụng thuộc danh mục nêu trong hồ sơ được chấp nhận.
Quyết định cuối cùng chỉ được ở bước 2, 30 ngày trước khi NK chính thức, khi nhà đầu tư nộp hồ sơ bổ sung cho Bộ KH&CN sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
"Những quy định trên mang lại rủi ro cho các nhà đầu tư, Bộ KH&CN có thể thay đổi ý định của mình bằng cách từ chối việc NK được chứng nhận đăng ký đầu tư", bà Orsolya cho biết.
Phản hồi những ý kiến của DN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nêu quan điểm: Việt Nam dù là nước công nghiệp chưa phát triển nhưng không phải bãi thải công nghệ của thế giới. Việt Nam luôn mong muốn tận dụng thế mạnh công nghệ xanh, thân thiện với môi trường giúp phát triển kinh tế.
"Với Thông tư 23 sửa đổi, chúng tôi ủng hộ DN tiến hành NK máy móc cũ, dây chuyền đã qua sử dụng với điều kiện thiết bị còn tốt và đạt yêu cầu. Chúng tôi không ủng hộ buôn bán, NK, làm thương mại với máy móc cũ, dây chuyền cũ vào Việt Nam. Thời gian vừa qua, một số DN lợi dụng chính sách chưa chặt chẽ đã đưa thiết bị cũ vào Việt Nam. Nhiều container NK về Việt Nam không rõ sản phẩm gì, khi mở ra mới biết đó toàn bộ là rác công nghệ cũ", ông Tùng cho biết.
Theo ông Tùng, nội dung Thông tư 23 sẽ được sửa đổi và ban hành trong thời gian tới, quan điểm của Việt Nam là ủng hộ các nhà sản xuất, nhất là DN Hàn Quốc, Nhật Bản nhập các dây chuyền phù hợp với trình độ của mình. Đồng thời, đưa nhà máy, các trang thiết bị còn đảm bảo hiệu suất, công suất làm việc vào Việt Nam. Các nhà sản xuất hoàn toàn yên tâm di chuyển nhà máy vào Việt Nam.
Thy Lê