Có thể thấy, sau gần hai năm Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ KH&CN về cấm nhập khẩu (NK) máy móc cũ có hiệu lực cũng là quãng thời gian máy móc, thiết bị mới giá rẻ từ Trung Quốc (với nhiều điều đáng ngại về chất lượng, độ bền, dễ hỏng hóc) được hưởng lợi khi ồ ạt nhập về Việt Nam như đã được dự báo từ trước đó.
Vướng “chịu chung cơ chế”
Qua số liệu thống kê, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp máy móc, thiết bị phụ tùng cho Việt Nam, chiếm tới 1/3 tổng kim ngạch NK nhóm hàng này của cả nước. Các quốc gia và vùng lãnh thổ nổi tiếng hàng đầu thế giới về chất lượng, công nghệ máy móc, thiết bị như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan vẫn phải xếp sau.
Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam đã bỏ ra 3,38 tỷ USD để NK máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng từ Trung Quốc. Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng NK từ Trung Quốc vào Việt Nam đã lên đến 10,87 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2016.
Trước tình trạng như vậy, liệu có cần một “thiết kế mới” cho việc cấm nhập máy móc cũ từ Thông tư 23 (vốn dĩ được xem là chủ trương nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và tránh biến Việt Nam thành một bãi rác thải công nghệ trên thế giới) để các DN ở Việt Nam có thể nhập được những máy móc chất lượng cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU?
Theo giới chuyên gia, Thông tư 23 hiện đang áp dụng cơ chế quản lý việc NK máy móc, thiết bị đã qua sử dụng dựa trên tiêu chí “tuổi” máy móc, thiết bị. Theo đó, tất cả các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng sẽ phải “chịu chung cơ chế” quản lý và tiêu chí để xác định sẽ là “tuổi của thiết bị”.
Trong khi đó, về mặt logic, không phải loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nào cũng tiềm ẩn nguy cơ cao tới mức phải kiểm soát bằng cơ chế đặc biệt. Thậm chí với nhiều trường hợp, nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ đã qua sử dụng còn là cơ hội để DN và nền kinh tế tiếp nhận công nghệ tốt với giá hợp lý.
Ngay cả vấn đề Chứng thư giám định đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, bao gồm cả linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng có mã số HS thuộc chương 84, 85 quy định tại Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam (Mục 146) cũng được cho là còn quá cứng nhắc, cần linh động hơn.
Trong kiến nghị mới đây được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) gửi Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) về cắt giảm danh mục kiểm tra chuyên ngành của hàng hóa xuất nhập khẩu cũng đã lưu ý vấn đề này.
Cần phân loại cơ chế quản lý đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng |
Linh động phân loại
Theo VCCI, việc kiểm soát NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng chỉ nên tập trung vào mục tiêu bảo vệ các lợi ích quan trọng như bảo vệ môi trường, an toàn hay an ninh quốc phòng, cũng như đảm bảo sử dụng vốn nhà nước hiệu quả, không lãng phí (không NK máy móc thiết bị cũ với giá cao, gây thiệt hại cho ngân sách).
Như vậy, không phải bất kỳ máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nào cũng cần kiểm soát khi NK, mà chỉ trong những trường hợp cụ thể có ảnh hưởng tới các mục tiêu hay lợi ích nói trên.
Cho nên, việc phân loại cơ chế quản lý đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng cũng cần được thiết kế theo hướng phân loại cơ chế quản lý đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng NK theo nguồn gốc vốn sử dụng để mua sắm.
Cụ thể, đối với trường hợp mua sắm bằng vốn từ ngân sách nhà nước thì cần kiểm soát bằng các điều kiện nhất định để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng quy định và hiệu quả.
“Còn đối với trường hợp mua sắm bằng tiền vốn ngoài ngân sách nhà nước thì Nhà nước không cần kiểm soát mục tiêu “sử dụng vốn hiệu quả” của các hoạt động mua sắm này (bởi hiệu quả hay không hiệu quả thì chủ thể bỏ vốn tự chịu trách nhiệm, không ảnh hưởng gì tới ngân sách nhà nước)”, VCCI nhấn mạnh.
Mặt khác, với các loại máy móc thiết bị có nguy cơ cao thì cần kiểm soát bằng điều kiện NK và áp dụng chung cho tất cả các DN, không phân biệt nguồn vốn sở hữu vốn của DN. Chú ý là hình thức kiểm soát tại Thông tư này là tiền kiểm (ngay khi hàng hóa được NK về) nhằm đảm bảo tốt hơn các lợi ích công cộng quan trọng chứ không phải là hình thức kiểm soát duy nhất.
“Đối với các loại máy móc ngoài danh mục trên (tức là nguy cơ không lớn) thì không cần kiểm soát bằng điều kiện nào”, VCCI nêu rõ quan điểm, vì việc NK các loại này không tạo ra tác động đáng kể nào tới những lợi ích công cộng cần bảo vệ nên DN tự chịu trách nhiệm với việc NK máy móc thiết bị công nghệ của mình, hiệu quả thì hưởng, không hiệu quả thì tự mình và chỉ một mình mình chịu, Nhà nước không nên can thiệp.
Do đó, VCCI đề xuất ban hành Danh mục các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng cần phải kiểm soát (theo tiêu chí nguy cơ cao và tiêu chí vốn sử dụng để mua sắm) và chỉ yêu cầu kiểm tra chất lượng đối với các máy móc, thiết bị trong Danh mục mà thôi.
Thế Vinh