Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy của đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, trong đó đội ngũ doanh nhân được xác định là lực lượng nòng cốt trong phát triển nền kinh tế tự chủ; được tôn vinh cổ vũ để phát triển lớn mạnh với tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật.
Quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn
Ông Trần Bá Dương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch HĐQT Công ty Thaco bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi đón nhận Nghị quyết 41-NQ/TW. Ông nhìn nhận, trách nhiệm của doanh nhân rất vinh quang nhưng cũng thật nặng nề. Chưa bao giờ doanh nghiệp (DN) đối mặt với nhiều khó khăn như giai đoạn hiện nay. Những khó khăn còn có thể kéo dài sang năm tiếp theo nhưng chính trong giai đoạn nhiều thách thức này, doanh nhân và DN nhận thấy rõ hơn giá trị cốt lõi, nền tảng trong hoạt động sản xuất.
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy của đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới. |
“Mỗi chúng ta nhận thức sâu sắc để chọn lựa chiến lược, điều chỉnh phương thức, cách đi phù hợp với tình hình thực tế, sứ mệnh của quốc gia, xứng đáng với vị thế của đất nước”, doanh nhân Trần Bá Dương chia sẻ.
Đồng thời, Chủ tịch Thaco nhìn nhận, mỗi DN, doanh nhân cần xác định vai trò của mình trong việc chung tay phát triển cộng đồng của mình. “Các cụ xưa đã từng dạy: Buôn có bạn, bán có phường; nhất là trong thời điểm hội nhập hiện nay, chúng ta vừa cạnh tranh vừa hợp tác để cùng phát triển. Chúng ta cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để các DN cùng nhau phát triển, tạo thành cộng đồng DN, doanh nhân lớn mạnh”, ông Dương nói.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cũng nhớ lại đầu những năm 1990, sau khi Luật Công ty và DN tư nhân được ban hành, bên cạnh các DNNN, trong toàn quốc chỉ có khoảng 5.000 DN tư nhân. Ngày hôm nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới gần 900.000 DN, cùng với DNNN, các DN FDI, các HTX tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam nằm trong top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986.
Theo Chủ tịch VCCI, hiện nay, kinh tế nước ta và thế giới đều đang gặp nhiều khó khăn, các DN lại càng khó khăn. Nhưng bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn cũng đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế. Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ đang tìm điểm đến mới.
“Vậy, Việt Nam nên làm gì, các doanh nhân, DN Việt cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời nắm bắt cơ hội phát triển từ trật tự kinh tế mới, từ các xu thế phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Doanh nhân mạnh, nền kinh tế sẽ mạnh
Để hỗ trợ cho các DN, doanh nhân Việt lớn mạnh, Nghị quyết 41-NQ/TW cũng đặt ra yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, ưu tiên chính sách, pháp luật đổi mới cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi phát triển doanh nhân, DN.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao việc Nghị quyết 41 đặt mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Trong đó, ban hành Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.
Theo đó, Nghị quyết đề ra có chính sách đột phá để hình thành, phát triển DN dân tộc, DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.
Trong khi đó, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, cho rằng Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về doanh nhân, được xem như một nguồn động lực, như một "cơn gió thổi" vào cảm xúc của đội ngũ doanh nhân hôm nay, như lời bài hát “không ai sinh ra đã trở thành doanh nhân…” nhưng đã có rất nhiều doanh nhân lớn cùng đất nước.
“Nghị quyết của Bộ Chính trị đã khẳng định vị thế của nền kinh tế đất nước. Một đất nước có mạnh hay không thì nền kinh tế của đất nước đó phải mạnh; nền kinh tế có mạnh hay không thì các doanh nhân cũng phải mạnh. Đó là một biện chứng logic không thể khác được”, ông Báo nói.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cũng chỉ ra rằng để đạt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu DN đang hoạt động, thì trong giai đoạn 2024 – 2030, mỗi năm trung bình phải tăng thêm ít nhất khoảng 143.000 DN. Chính phủ phải xác định số lượng DN tăng thêm hàng năm nói trên là một mục tiêu ưu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của Chính phủ.
“Muốn đạt mục tiêu đầy thách thức nói trên, thì phải có hàng loạt giải pháp tương ứng nhằm tăng số DN thành lập mới hàng năm; tăng số DN quay lại hoạt động sau thời gian tạm ngưng vì các lý do khác. Đồng thời, giảm số DN tạm ngừng kinh doanh và đặc biệt là giảm đến mức tối đa số DN giải thể, phá sản”.
Theo ông Cung, các giải pháp, biện pháp cụ thể sẽ được thể hiện trong một chương trình khuyến khích khởi nghiệp, đồng hành và hỗ trợ phát triển DN tư nhân kéo dài và liên tục trong suốt thời kỳ 2024 – 2030. Như vậy, chương trình này có thể sẽ được bổ sung, sửa đổi, làm mới hàng năm, nhất là nội dung liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp để phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực tế đã thay đổi.
Ông Trần Duy Đông Trong chức năng của mình, Bộ KH&ĐT sẽ tham mưu cho cơ quan Chính phủ về cụ thể hóa các nội dung, giải pháp triển khai Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Để chuẩn bị cho cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ doanh nhân, cá nhân tôi đã làm việc với 30 hiệp hội để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc, tâm tư nguyện vọng của các DN, cảm nhận tình hình mới nhất trong 9 tháng và sẽ được thể hiện trong báo cáo của Bộ KH&ĐT. Chúng tôi đã tổng hợp đầy đủ với rất nhiều khó khăn như việc hoàn thuế VAT, các rào cản pháp lý hay các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện… Đồng thời, chúng tôi đã kiến nghị trong báo cáo các giải pháp với các bộ, ngành. Ông Trương Gia Bình Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Việt Nam đã ký 16 hiệp ước tự do thương mại thế hệ mới và sắp ký 3 hiệp ước nữa. Đó là cơ hội cho DN làm ăn với các nước, có môi trường tự do sáng tạo phát huy năng lực của mình. Đặc biệt, chưa bao giờ DN Việt Nam có cơ hội làm việc với 2 siêu cường thế giới, cả Mỹ và Trung Quốc. Nếu hiểu được niềm vui này, khai thác được niềm vui này thì thành công còn nhiều hơn nữa. Chính phủ đã thương yêu DN thì thương yêu nhiều hơn, đã quan tâm thì quan tâm nhiều hơn, đã tháo gỡ khó khăn thì tháo khó khăn hơn nữa, đã hạ thuế, phí thì hạ sâu hơn, hạ dài hơn nữa. Có tình cảm đó thì DN Việt Nam như “đàn chim Việt” sẽ dang cánh bay trên bầu trời đưa Việt Nam vào vị thế quốc gia hùng cường và hạnh phúc. Bà Đặng Thị Minh Phương Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM Ngành logistics mong muốn được đối thoại với Chính phủ để có những đóng góp về mặt chính sách, từ đó phát triển ngành nghề sâu rộng hơn. Thông qua những đối thoại này, sẽ đưa ra chính sách mà chúng ta có thể thực thi nhằm thúc đẩy cho phát triển nền kinh tế và đặc biệt là những ngành mũi nhọn của đất nước. Logistics phát triển sẽ thu hút đầu tư nước ngoài và là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế. |
Nhật Linh