Nhận định mới nhất về tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 9/2024, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) có lưu ý đến một trong những yếu tố rủi ro, đó là Việt Nam đang phải trải qua bão lũ lớn nhất trong 50 năm và gây nhiều thiệt hại về con người, kinh tế. Và chuỗi cung ứng của một số hàng hóa thiết yếu có thể bị ảnh hưởng và tạo áp lực lên lạm phát các tháng tới.
Nhiều rủi ro chực chờ
Bên cạnh đó, rủi ro tiếp theo, như đánh giá của Agriseco, chính là tình hình vĩ mô quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, bầu cử tổng thống Mỹ, Nhật Bản tăng lãi suất, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, rủi ro an toàn chuỗi cung ứng hàng hóa và triển vọng tăng trưởng kém tích cực của các nền kinh tế lớn.
Nhiều rủi ro còn chực chờ phía trước với các DN vừa và nhỏ, nên chính sách hỗ trợ cần thiết thực hơn nữa. |
Trong khi đó, tình hình doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường vẫn là điều đáng lưu tâm hiện nay. Như dữ liệu của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng đầu của năm 2024 có 135.267 DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, phần lớn là các DN lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn là 82.826 DN (chiếm 61,2%).
Phần lớn DN tạm ngừng kinh doanh trong 8 tháng qua có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 35.399 DN (chiếm 42,7%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 74.140 doanh nghiệp (chiếm 89,5%).
Đáng chú ý, số DN giải thể trong 8 tháng đầu năm nay là 13.761 DN, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 15/17 ngành kinh doanh chính có số lượng DN giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn DN giải thể có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 9.278 DN (chiếm 67,4%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 12.092 DN (chiếm 87,9%, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2023).
Qua quan sát từ Bộ phận phân tích của Agriseco, tỷ lệ số DN rút lui bằng 80% số DN đăng ký mới và quay trở lại. Tỷ lệ này nhìn chung đã giảm so với mức 83% năm 2023, nhưng cao hơn mức 70% năm 2022, và 75% năm 2021. Tình hình kinh doanh của DN đã có sự cải thiện hơn, khó khăn chủ yếu ở các DN nhỏ và siêu nhỏ.
Từ những đánh giá và các dữ liệu nêu trên, sẽ thấy bước đường hồi phục của các DN vừa và nhỏ ở trong nước vẫn còn đầy thách thức ở phía trước với nhiều rủi ro chực chờ, nhất là khi Việt Nam đang gánh chịu thiệt hại nặng nề do Bão số 3 (bão Yagi) gây ra (theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm 2024 có thể thấp hơn 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II/2024 là đạt 6,8-7%).
Chính vì vậy, việc tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, thoát khỏi khó khăn là rất cần thiết trong lúc này.
Và sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sau Bão số 3, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 4062 hôm 13/9 về việc hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân, DN bị tổn thất do Bão số 3 và mưa lũ sau bão. Cụ thể, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế ở những địa phương có DN bị thiệt hại do bão cần triển khai hướng dẫn người nộp thuế các quy định về miễn, giảm, gia hạn thuế, chính sách thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai.
Trong công văn nêu trên, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, có nhấn mạnh là cục thuế các tỉnh, thành phố cần phối hợp các cơ quan liên quan giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, cung cấp hồ sơ thuế, chứng từ lưu giữ tại cơ quan thuế liên quan đến việc xác định giá trị thiệt hại khi có yêu cầu.
Vẫn lo “lòng vòng” khâu thủ tục
Như vậy có thể thấy khâu thủ tục để giúp DN thoát khó sau cơn bão là điều là mà bản thân các cơ quan thuế cần lưu tâm trong lúc này. Bởi lẽ, đây cũng là mối bận tâm chung của nhiều DN hiện nay.
Và khâu thủ tục cũng là điều mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) bày tỏ băn khoăn trong góp ý mới đây vào Dự thảo Nghị định về hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh.
Theo đó, Vasep đã đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét, sửa đổi một số cơ chế, thủ tục hỗ trợ thiệt hại khi mà quy trình thủ tục chưa phù hợp. Chẳng hạn như thủ tục như Dự thảo mới chỉ đề cập đến việc ban hành quyết định hỗ trợ, chứ chưa đề cập đến việc chi trả thực tế, rồi tổng thời gian để thực hiện tất cả các công đoạn trên tương đối dài (có thể lên đến 70 ngày hoặc dài hơn).
Như băn khoăn của Vasep: “Thiên tai, dịch bệnh thường ảnh hưởng đến nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp cùng một lúc. Nếu yêu cầu từng cơ sở phải nộp hồ sơ và thực hiện thủ tục riêng lẻ có thể sẽ phức tạp, tốn kém chi phí, kéo dài thời gian và có thể mất nhiều cơ hội “khôi phục” cho cơ sở”.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep, để hỗ trợ DN khắc phục hậu quả thiên tai, vực dậy sản xuất, rất cần những giải pháp đồng bộ về miễn, giảm các loại thuế, phí; giãn hoãn khoản vay ngân hàng, giảm chi phí thuê đất, phí BOT, logistics…
Để hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau bão, mới đây Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng với lâm, thủy sản lên khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng. Nhưng không riêng gì lĩnh vực này, điều mà nhiều DN vừa và nhỏ mong đợi là các ngân hàng cần chung tay với họ để khắc phục khó khăn sau bão, nhất là tránh các thủ tục “lòng vòng”, giảm lãi vay, có chính sách giãn nợ và các gói vay ưu đãi, xét duyệt cởi mở hơn và triển khai càng nhanh càng tốt.
Bên cạnh việc hỗ trợ tín dụng với những trường hợp chịu thiệt hại do Bão số 3, theo giới chuyên gia, trước “bão” khó khăn chung của các DN vừa và nhỏ như hiện tại, đòi hỏi phía ngân hàng và DN càng phải thấu hiểu, cần chia sẻ và cần đứng ở vị trí của nhau để nhìn nhận đánh giá trong mối quan hệ giữa hai bên để cùng “vượt khó”, để không bị “ngã”.
Bởi lẽ, hiện tại vẫn còn tình trạng nhiều DN sản xuất ra sản phẩm nhưng khó tiêu thụ, tồn kho tăng, nhất là trải qua hơn 8 tháng đầu của năm 2024 với đầy rẫy khó khăn thì lại có những trường hợp DN lại gặp thiên tai, bão lũ. Và việc hỗ trợ đúng địa chỉ, không “lòng vòng” sẽ có tác động sâu rộng, tích cực tới sự phục hồi kinh tế trong thời gian tới, sẽ giúp cho các DN vừa và nhỏ không đánh mất đi cơ hội “thoát đáy” khó khăn.
Thế Vinh