Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh với doanh nghiệp (DN) Mỹ, ngược lại còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Mỹ được sử dụng hàng hóa với mẫu mã đa dạng và giá cả cạnh tranh.
Tiềm năng lớn ở thị trường online
Đáng chú ý, qua số liệu thống kê, các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hoặc suy giảm tương ứng với các nhóm hàng mà Mỹ tăng hoặc giảm nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2023. Trong 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất mà Việt Nam xuất sang Mỹ thì 6/10 nhóm hàng đạt tỷ trọng lớn từ 10 - 27% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.
Xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử được xem là con đường hấp dẫn cho hàng Việt ở thị trường Mỹ. |
Mặc dù vậy, phần lớn các DN Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Mỹ theo các kênh mua bán truyền thống và hiện nay kênh thương mại này đã có xu hướng giảm sút, đặc biệt là thời gian đại dịch và sau đại dịch COVID-19.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 8 tháng năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, mức này đã giảm mạnh hơn 15 tỷ USD. Nguyên nhân là do các nhà nhập khẩu tồn kho lớn nên hạn chế nhập thêm sản phẩm mới từ Việt Nam.
Theo dữ liệu từ Statista, trong khi thương mại bán lẻ truyền thống toàn cầu đã liên tục suy giảm thời gian gần đây (từ năm 2012) thì thương mại điện tử liên tục tăng và dự báo thương mại bán lẻ trực tuyến tăng 6,29% trong giai đoạn 2021-2025. Mỹ là động lực chính thúc đẩy sự trỗi dậy của thương mại điện tử toàn cầu, với tổng doanh số thương mại điện tử ở Mỹ năm 2022 đạt mức 1,03 nghìn tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua 1 nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc, với số lượng giờ truy cập internet bình quân của người dân hơn 7 giờ/ngày và tỷ lệ người dùng internet để mua sắm hàng tuần lên tới 57,8% (theo Sách trắng – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương 2022).
Hơn nữa, hoạt động mua sắm trực tuyến cũng được đánh giá là xu thế của mua sắm trong tương lai của Mỹ. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cơ hội bán hàng trực tuyến vào thị trường này còn nhiều dư địa để phát triển.
Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam dẫn số liệu thống kê cho thấy có hàng nghìn DN Việt Nam đang có cửa hàng trên Amazon. Năm 2022, có hơn 10 triệu sản phẩm Việt Nam được bán tới khách hàng Âu - Mỹ, doanh thu tăng trưởng hơn 45% so với cùng kỳ 2022. Điều này cho thấy, hàng Việt đang có đà tăng trưởng tốt ở thị trường Mỹ nói riêng cũng như khu vực Âu - Mỹ nói chung.
Sản phẩm xanh được người Mỹ ưa chuộng
Theo ông Toàn, hàng Việt muốn bán lẻ tới thị trường Mỹ thì cần phải trải qua nhiều khâu trung gian như nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, phân phối tại thị trường Mỹ… Ngay cả DN lớn cũng gặp cản trở khi chinh phục thị trường này. Nhưng với nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, hành trình chinh phục thị trường Mỹ của hàng Việt đơn giản hơn, cắt khâu trung gian ở giữa, tiếp cận nhanh nhất tới khách hàng tiêu dùng cuối cùng.
Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam lưu ý, những mặt hàng có lợi thế để xuất khẩu trực tuyến như nhà bếp, trang trí nhà cửa, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, dệt may… song thời gian qua, nhiều DN Việt vẫn e ngại vì quy mô nhỏ nên chưa dám tiếp cận kênh này.
“Tại sao DN Việt không nhìn nhận đây là cơ hội để bắt tay hành động. Trong cuộc chơi thương mại điện tử xuyên biên giới, nếu mình không chủ động tấn công thị trường nước ngoài, thì chính các đối thủ sẽ đến và chiếm ngay thị trường sân nhà của mình”, ông Toàn nói.
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), DN Việt Nam cần phải nắm bắt xu hướng này để phát triển xuất khẩu, tạo ra kênh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cạnh tranh hơn qua các nền tảng trực tuyến ngoài cách kênh truyền thống, đến với khách hàng Mỹ. Bằng cách tiếp cận này, các công ty Việt Nam có thể tìm kiếm, hiểu thêm khách hàng mới ở Mỹ, thâm nhập thị trường này với chi phí thấp, thực hiện công việc kinh doanh 24/7…
Để thực hiện được điều đó buộc DN Việt Nam phải có sự thay đổi tư duy, đầu tư về công nghệ, chuyển đổi số dựa trên các nền tảng trực tuyến, có sự hiểu biết về nhu cầu thương mại điện tử, các xu hướng, các quy định của thương mại liên quan đến thương mại điện tử của Mỹ và đặc biệt phải có cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nền tảng vững chắc về thương mại điện tử, quy mô thị trường xếp top 3 khu vực. Tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ có khoảng 20% DN Việt ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống.
Khó khăn của DN Việt chính là khả năng thích ứng và linh hoạt, khi mà Mỹ là một trong những thị trường khắt khe nhất về hàng hóa nhập khẩu. Điều này đòi hỏi DN cần kỹ năng ứng dụng và khai thác thương mại điện tử, tối ưu hóa tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Mặt khác, ông Trần Đình Toản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhấn mạnh xu hướng sản phẩm xanh cũng đang được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng. Do vậy, DN cần đáp ứng để đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử, từ đó thu hút người tiêu dùng Mỹ.
Theo kinh nghiệm của ông Toản, buổi tối theo giờ Việt Nam sẽ là ngày làm việc của Mỹ, vì vậy DN cần phải duy trì nhân sự làm đêm để trao đổi nhắn tin trực tiếp nếu họ có nhu cầu cần tư vấn sản phẩm. Đồng thời, minh bạch hóa sản phẩm theo quy định quốc tế đặt ra.
Dân số Mỹ là hơn 330 triệu người, đa dạng về sắc tộc, trong đó người Mỹ gốc Việt là hơn 2,1 triệu người. Đây là cộng đồng người Việt sinh sống tại nước ngoài đông nhất trên thế giới, với tinh thần luôn hướng về quê hương đất nước và mong muốn được sử dụng những sản phẩm Việt Nam. Đây là tiềm năng to lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để tiến sâu vào thị trường Mỹ qua cả kênh truyền thống và thương mại điện tử.
Nhật Linh