Cách đây 5 tháng, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT đã ký kết hợp tác cùng TikTok Việt Nam nhằm nâng cao năng lực số cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, các hợp tác xã tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Ai giúp TikTok Shop lên như “diều gặp gió”?
Theo đó, nền tảng này thành lập các nhóm tư vấn trực tiếp để hướng dẫn giải quyết, xử lý các vướng mắc trong quá trình thiết lập, vận hành kênh bán hàng. Bên cạnh đó là việc thiết lập ngành hàng riêng cho các sản phẩm OCOP trên sàn TMĐT TikTok Shop.
Doanh thu của Tiki hiện chỉ bằng 1/10 của TikTok Shop – một “tay chơi” mới nổi của khối ngoại trên thị phần các sàn TMĐT ở Việt Nam. |
Còn hồi tháng 11 năm trước, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương) đã kết hợp với nền tảng TikTok để thực hiện chương trình mua sắm trực tuyến - Online Friday 2022.
Không chỉ vậy, thời gian gần đây một số địa phương cũng hợp tác với TikTok để nâng cao năng lực chuyển đổi số cho chương trình OCOP, đào tạo bán hàng qua sàn TMĐT, quảng bá du lịch…
Những mối hợp tác như vậy từ cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cho đến địa phương đã phần nào giúp cho một sàn TMĐT “chân ước chân ráo” của khối ngoại như TikTok Shop đã và đang lên như “diều gặp gió”.
Trong Báo cáo TMĐT quý 2/2023 do Metric (nền tảng số liệu TMĐT) mới công bố cho thấy, TikTok Shop đã vượt qua Lazada để vươn lên là sàn TMĐT lớn thứ 2 tại Việt Nam sau Shopee.
Theo Metric, hồi quý 4/2022, khi Tiktok Shop mới ra đời được 4 tháng, doanh thu đã bằng 80% doanh thu của Lazada. Nhưng đến quý 1/2023, TikTok Shop chỉ còn kém Lazada 3,5% về doanh thu và nhanh chóng vượt mặt đàn anh trong quý 2/2023.
Gần đây, trong Báo cáo chỉ số TMĐT năm 2023 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), khi nhận định về sự nổi trội của sàn TMĐT, có cho rằng nổi bật nhất là sự ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ của Tiktok Shop. Kinh doanh trên nền tảng này có sức hút rất lớn đối với đông đảo thương nhân trên cả nước.
Còn theo Ts. Sam Goundar (Đại học RMIT), TikTok có mặt ở Việt Nam từ năm 2019 và đã chứng kiến sự bùng nổ về số lượng người dùng từ đó đến giờ. Tính đến tháng 4/2023, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia có lượng người xem TikTok lớn nhất thế giới, với hơn 50 triệu người dùng TikTok trên 18 tuổi theo dữ liệu được công bố trên Statista.
Như VnBusiness từng phản ánh trước đó, việc TikTok tuy chỉ mới gia nhập thị trường TMĐT ở Việt Nam cách đây không lâu thông qua sàn TMĐT là TikTok Shop nhưng được xem là một “mối đe dọa” lớn về thị phần với các sàn TMĐT hàng đầu khác.
Doanh thu của TikTok Shop trong nửa đầu năm nay đạt 16.300 tỷ đồng – bằng 27% thành tích của Shopee, với 117 triệu sản phẩm được bán ra. Trong khi đó, do thị phần co hẹp, nửa năm qua, Tiki và Sendo vẫn chưa thể làm nên bất ngờ khi tiếp tục đuối sức trước đối thủ, chỉ đạt doanh thu lần lượt 1.600 tỷ đồng và 112,3 tỷ đồng.
Đừng chờ có “phép màu”
Như vậy doanh thu của Tiki hiện chỉ bằng 1/10 của TikTok Shop. Với Tiki, trước kết quả kinh doanh không mấy khả quan, trong trung tuần tháng 7/2023 lại xôn xao thông tin ông Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành nộp đơn từ chức (tuy nhiên ông Sơn chưa xác nhận việc này).
Hồi năm trước, tổng giá trị hàng hóa qua sàn Tiki năm 2022 đã giảm 7% so với năm 2021. Đáng chú ý là có đến 45% lượng giao dịch này là do Tiki tự phân phối.
Còn thông tin hồi tháng 2/2023 cho thấy khoản đầu tư của Công ty cổ phần VNG vào Tiki đã bị “ăn mòn” toàn bộ, bởi khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư (510 tỷ đồng).
Lý giải về sự thất thế của khối nội trên thị phần các sàn TMĐT, giới chuyên gia lưu ý một trong những thách thức lớn là nguồn lực tài chính có hạn, nên thị phần dễ bị lấn át bởi khối ngoại với lợi thế có sẵn vốn dồi dào từ tập đoàn mẹ (như trường hợp TikTok Shop).
Không chỉ vậy, cả hai sàn Tiki và Sendo vẫn nằm trong sự dòm ngó nhằm thâu tóm của các nhà đầu tư ngoại. Cần nhắc lại, hồi tháng 7/2022, thương vụ sáp nhập cả hai sàn này bị đổ bể vô thời hạn do hàng loạt cổ đông không tìm được tiếng nói chung với những điều khoản sáp nhập.
Ngoài ra, bên cạnh thị phần ngày càng co hẹp của hai sàn TMĐT nêu trên thì hoạt động kém hiệu quả của sàn TMĐT ở các địa phương cũng là điều đáng bàn. Như nhận định mới đây của Cục TMĐT và kinh tế số, đó là thực trạng hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trên các sàn TMĐT của các địa phương còn nhiều hạn chế, hoạt động kém hiệu quả.
Thực tế cho thấy những sàn TMĐT do đa phần các địa phương xây dựng và vận hành đều có số giao dịch thấp, sản phẩm nghèo nàn, công nghệ lạc hậu, thông tin sản phẩm ít được cập nhật, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng.
Cho nên, để khối nội cải thiện thị phần trên các sàn TMĐT là đều không dễ. Thay vì chờ “phép màu” để vươn lên như TikTok Shop, theo giới chuyên gia, điều mà khối nội cần làm trong lúc này là nên tự lực cánh sinh và có cơ sở hạ tầng bền vững.
Như chia sẻ của Phó giáo sư Phạm Công Hiệp (Đại học RMIT), họ cần chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, điển hình là đầu tư lắp đặt, nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu, khai thác dữ liệu, tự động hoá, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo.
“An toàn thông tin là ưu tiên cấp thiết để nâng cao khả năng phát triển bền vững cho TMĐT. Hệ thống logistics hiệu quả cũng rất quan trọng cho việc kết nối đầu cuối trong toàn bộ chuỗi cung ứng và gia tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng”, ông Hiệp nói.
Cũng theo giới chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ là điều không thể bỏ qua cho các sàn TMĐT của khối nội nếu muốn nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng một cách toàn diện. Áp dụng công nghệ cũng có thể giúp tăng hiệu quả trong giao vận và các nghiệp vụ sau giao hàng.
Hơn thế nữa, các sàn TMĐT nội địa cũng nên đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ trong từng “điểm chạm” xuyên suốt hành trình mua sắm của khách hàng. Đó là một trong những cách để họ có được sự trung thành của khách hàng và giữ được thị phần.
Thế Vinh