Báo cáo từ Tổng cục Thuế mới công bố cho biết, Cổng thông tin TMĐT đến nay đã ghi nhận 333 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó một số sàn chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki…
Cụ thể, theo thông tin của các sàn cung cấp, trong quý IV/2022 có 159.218 cá nhân và 31.882 tổ chức có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, với 50,7 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt 15.272 tỷ đồng. Trong quý đầu năm 2023 (tính đến ngày 24/6) có 64.327 cá nhân và 22.840 tổ chức kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, với hơn 9 tỷ lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 11.478 tỷ đồng.
Trong quý I/2023 có hơn 9 tỷ lượt giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT với tổng giá trị giao dịch 11.478 tỷ đồng. |
Nếu tính bình quân trong quý IV/2022, giá trị giao dịch của một đơn hàng đạt hơn 301.000 đồng. Tuy nhiên, sang quý I/2023, số lượt giao dịch tăng gấp 225 lần nhưng giá trị giao dịch bình quân lại giảm hơn 300 lần, chỉ còn khoảng 1.200 đồng/đơn hàng. Con số này khiến nhiều chuyên gia cho là bất thường.
Trao đổi với VnBusiness, anh Mai Đình Đạt, bán hàng trên sàn TMĐT Shopee, Lazada cho biết: Hiện nay, không ít cá nhân, tổ chức bán hàng trên sàn TMĐT sử dụng công cụ để làm tăng lượt giao dịch như một chiêu quảng cáo, bán hàng. Bên cạnh đó, người bán hàng có dấu hiệu làm giảm doanh thu để giảm số thuế phải nộp theo quy định.
Cụ thể, chủ gian hàng tự đăng đơn ảo (tự đặt hàng, giao hàng cho mình và người thân) để tăng lượt tương tác nhằm cạnh tranh hút khách và nhận đánh giá shop nhiều sao. Theo đó, chủ gian hàng sẽ hạ giá thấp nhất để tăng tương tác, tăng xếp hạng shop trên sàn.
“Người bán hàng trên sàn TMĐT thời gian đầu mới lập shop đều dùng cách đặt đơn ảo, hạ giá sập sàn để cạnh tranh, lấy đánh giá shop được yêu thích nên doanh thu không phản ánh đúng thực tế kinh doanh, lợi nhuận thấp. Ví dụ, một số shop mỹ phẩm, quần áo chấp nhận bán rẻ hơn cửa hàng tới 40-50% để “hút khách”, bỏ ngắn nuôi dài, chịu lỗ để xây shop mạnh rồi tăng giá sau. Vì vậy, khi cơ quan thuế căn cứ trên doanh thu yêu cầu nộp thuế, người bán hàng như chúng tôi méo mặt”, anh Đạt nói.
Thực tế, lâu nay, ngành thuế cũng đã thừa nhận TMĐT là lĩnh vực vẫn thất thoát thuế khá lớn, cơ quan thuế chưa kiểm soát được hết hoạt động kinh doanh mua bán cũng như doanh thu thực tế của nhiều cá nhân, tổ chức.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, điều này đặt ra vấn đề ngành thuế cần có sự kiểm tra lại các thông tin từ báo cáo của các sàn TMĐT. Từ đó công khai xem liệu có vấn đề gì sai sót hay không, có chuyện giấu doanh thu để trốn thuế hay không? Khi có những trường hợp sai phạm bị xử lý, truy thu thuế thì phải công khai rộng rãi để mang tính răn đe các hành vi tương tự có thể xảy ra, hạn chế thất thu thuế.
Liên quan đến vấn đề số lượt giao dịch tăng vọt trong quý I/2023, nhận thấy thông tin về giao dịch và giá trị hàng hoá giao dịch chưa tương xứng với thực tế, Tổng cục Thuế đã rà soát và phát hiện có sự bất thường.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, dẫn chứng: Công ty Cổ phần Cooky có mã số thuế 0314498604 có số lượt giao dịch trong quý IV/2022 là 40.247 lượt, trong khi quý I/2023 là hơn 9,034 tỷ lượt, chênh lệch lớn bất thường, gấp 225 lần số lượt giao dịch trong quý IV/2022.
"Sau khi rà soát, chúng tôi nhận thấy Công ty cổ phần Cooky khi gửi thông tin đến cơ quan thuế do nhầm lẫn mà gửi con số lên đến hơn 9 tỷ giao dịch. Đây là một lỗi mà do phía sàn cung cấp thông tin không chính xác, dẫn đến dữ liệu của cơ quan thuế là không đúng", bà Lan cho biết. Do đó, cơ quan thuế thông báo cho các sàn để điều chỉnh lại thông tin, bắt đầu từ quý sau, dữ liệu gửi sẽ phải chính xác hơn.
Theo tính toán của Tổng cục Thuế, sau khi trừ đi số liệu kê khai không chính xác của Công ty Cooky, số lượt giao dịch qua các sàn TMĐT quý I/2023 chỉ còn khoảng 47 triệu lượt.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 91, chỉ các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tiếp mới phải cung cấp thông tin doanh thu. Còn các sàn không có chức năng đặt hàng trực tiếp thì không phải cung cấp thông tin doanh thu.
"Do vậy, khi sử dụng giá trị giao dịch trên sàn để chia cho tổng số lượt giao dịch của tất cả các sàn là hoàn toàn không phù hợp, vì chia cho cả những sàn không cung cấp thông tin doanh thu cho cơ quan thuế. Nếu muốn chia bình quân giao dịch thì chỉ chia cho các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến", đại diện Tổng cục Thuế thông tin thêm.
Chuyên gia ngành thuế, Th.S Vũ Quốc Chinh cho rằng, việc kiểm soát được doanh thu của hoạt động TMĐT là quan trọng nhất. Ngành thuế có thể sử dụng thông tin từ các sàn TMĐT, kết hợp với thông tin từ các đơn vị giao hàng. Đặc biệt, cần nghiên cứu sử dụng công cụ như trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm, sàng lọc thông tin giao dịch trên mạng theo các tiêu chí về nhóm hàng, địa bàn…
"Xu hướng kinh doanh trên mạng là tất yếu và sẽ trở nên phổ biến hơn nữa. Thực tế đó có thể sẽ phát sinh ra nhiều bài toán về trốn thuế, lách thuế … mà cơ quan quản lý phải tính đến để giảm tình trạng hụt thu", ông Chinh chia sẻ.
Theo ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, năm 2023, ngành thuế tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có những giải pháp yêu cầu các sàn TMĐT chấn chỉnh ngay việc lưu giữ thông tin đầy đủ và có thông tin xác thực cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước
Thực tế, để tăng cường chống thất thu thuế TMĐT, mới đây, Cục Thuế TPHCM đã truy thu, phạt tiền nộp chậm đối với 2 doanh nghiệp đối tác của Google số tiền hơn 26 tỷ đồng. Đơn vị này cũng kiểm tra 2 doanh nghiệp trung gian thanh toán, truy thu phạt hơn 9 tỷ đồng, giảm lỗ gần 194 tỷ đồng.
Thanh Hoa