Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Top 5 sàn TMĐT chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam vẫn thuộc về Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, nhưng đã có sự thay đổi bất ngờ trong nhóm dẫn dắt thị trường này.
Mặc dù doanh thu tăng, song nhiều nhà bán hàng trên nền tảng TMĐT cho biết, hành vi của người tiêu dùng thay đổi, họ tìm đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, có giá tốt và đặc biệt tìm kiếm nhiều hơn các khuyến mãi giảm giá trực tiếp. Đồng thời, giá trị giỏ hàng của người mua giảm dần. Nguyên nhân là do khó khăn kinh tế, ảnh hưởng của lạm phát nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Các sàn TMĐT liên tục cạnh tranh bằng các chương trình khuyến mại để hút khách, trong đó có miễn phí vận chuyển. |
Chị Bùi Thu Châu, có gian hàng điện tử trên sàn Lazada, cho biết doanh thu nhóm hàng này giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, người mua hàng online chỉ tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng hay chăm sóc sức khỏe, cắt giảm chi tiêu không cần thiết.
Theo báo cáo về thị trường TMĐT được thực hiện bởi Lazada, người tiêu dùng có xu hướng chờ nhận được thêm nhiều giá trị hơn, bên cạnh tìm kiếm các ưu đãi giảm giá đơn thuần...
Khi người dùng chi tiêu thận trọng thì các sàn TMĐT cũng biết cách chiều chuộng khách mua hơn. Ví dụ như gần đây, sàn TMĐT Shopee đã triển khai việc đồng kiểm sản phẩm. Nghĩa là khi người giao hàng đến, khách hàng có thể mở ra ngay và nếu sản phẩm có vấn đề gì sẽ trả lại luôn - điều được cho là có thể gây rắc rối và phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Đại diện sàn lý giải, áp dụng chính sách được đồng kiểm với một số loại hàng là cách để tháo gỡ sự e dè của người dân về những rắc rối khi mua hàng trực tuyến, từ đó kích thích sức mua.
Ngoài cải thiện trải nghiệm giao nhận hàng, các chợ trực tuyến đang đẩy mạnh các chương trình miễn, giảm phí vận chuyển. Theo nghiên cứu nội bộ của các sàn, miễn phí giao hàng có vai trò quan trọng để khắc phục đến 50% vấn đề trong trải nghiệm của người dùng tại Việt Nam.
Một khảo sát gần đây của TGM Research (công ty nghiên cứu thị trường dựa trên nền tảng công nghệ) về TMĐT cho thấy những kỳ vọng, nhu cầu và hành vi của khách hàng đã thay đổi như thế nào trong suốt những năm qua khi nói đến mua sắm trực tuyến.
Theo đó, người tiêu dùng tại Việt Nam đặt "chi phí thấp" và "miễn phí vận chuyển" là những yếu tố hàng đầu khi mua hàng trực tuyến, với tỷ lệ 46%. Giá là yếu tố thứ hai, chiếm 43%.
Do đó, các sàn TMĐT liên tục cạnh tranh bằng các chương trình khuyến mại để hút khách. Trong đó, "cuộc chiến" phí vận chuyển liên tục diễn ra trong thời gian qua. Theo giới phân tích, năm nay, một số sàn cũng tiếp tục đổ hàng chục triệu USD để đầu tư mới cho logistics, tự động hóa quy trình, từ đó giảm được chi phí vận đơn, đẩy nhanh tiến độ giao hàng.
"Điều này sẽ tạo áp lực về vốn đầu tư trong ngắn hạn cho các sàn TMĐT. Sàn nào có vốn mạnh sẽ có lợi thế nhưng đây lại không phải là thế mạnh của nhóm doanh nghiệp TMĐT nội địa", một chuyên gia nhận xét.
Báo cáo từ hãng nghiên cứu Metric cho thấy, trong nửa đầu năm nay, chỉ tính riêng các sàn TMĐT đa ngành, doanh nghiệp ngoại đã chiếm đến hơn 95% tổng giá trị các giao dịch hàng hóa thành công, hai cái tên nội địa là Tiki và Sendo chia nhau chưa tới 5% thị phần.
Về doanh số, theo Báo cáo TMĐT 2023 do Công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works vừa công bố, tổng giá trị giao dịch hàng hóa TMĐT năm 2022 tại Việt Nam đạt 9 tỷ USD. Trong đó, Tiki chỉ đóng góp 6%, tương ứng 540 triệu USD (khoảng 12.150 tỷ đồng); Shopee chiếm tới 63%, đạt khoảng 5,67 tỷ USD (khoảng 113.245 tỷ đồng); đứng ở vị trí thứ hai là Lazada, với 2,7 tỷ USD (khoảng 63.450 tỷ đồng).
Năm 2022, tổng doanh thu của Tiki giảm 7% so với năm 2021, trong khi chi phí tăng 4%, khiến khoản lỗ hoạt động tăng thêm 39%. Các thông tin cho hay, khoản lỗ của Tiki trong năm 2022 ước khoảng 100 triệu USD.
Theo phân tích của chuyên gia Momentum Works, nếu Shopee tập trung vào mô hình 3P (third party) - các nhà bán hàng bán trực tiếp tới tay người dùng, thì Tiki duy trì cả hai hình thức 3P và 1P. Trong đó, 1P là mô hình mà Tiki vừa nhập hàng, kiểm soát giá, bán hàng và vận chuyển tới tay khách hàng - khá tương tự cách thức vận hành của Amazon.
Giá trị giao dịch hàng hóa từ 1P chiếm tới 45% tổng giá trị giao dịch hàng hóa của Tiki. Mô hình này giúp Tiki kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn, nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu.
Cụ thể, giá trị giao dịch hàng hóa đến quá nhiều từ 1P tại một thị trường TMĐT ở giai đoạn sớm khiến Tiki tốn nhiều chi phí, trong khi việc mở rộng quy mô bị hạn chế. Việc tự nhập hàng - tự bán dẫn đến tính đa dạng sản phẩm/người bán thấp hơn nhiều so với các nền tảng Marketplace khác như Shopee hay Lazada. Doanh thu của Tiki năm 2022 giảm 7% so với năm trước đó.
Trái ngược với Tiki, TikTok Shop mới ra mắt tháng 4/2022 nhưng đã thần tốc cất bước, soán ngôi Tiki và đe dọa cả 2 "ông lớn" Shopee và Lazada. Sau hơn 1 năm, TikTok Shop đạt tổng giá trị giao dịch hàng hóa khoảng 360 triệu USD.
Kết thúc quý I/2023, TikTok Shop đã có gần 70.000 shop có lượt bán và hơn 42 triệu sản phẩm bán ra thị trường. Tính trung bình mỗi ngày, TikTok Shop đạt doanh thu 56,6 tỷ đồng và có 434.000 sản phẩm bán ra. Đây là con số mà các sàn TMĐT phải mất rất nhiều năm mới có được.
Thanh Hoa