Trong 2 ngày từ 1-2/3, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc gặp mặt đánh giá tình hình, đề xuất gói hỗ trợ lần 2 cho DN gặp khó khăn do dịch COVID-19.
'Sức khỏe' DN kém lạc quan
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, hiện nay "sức khỏe" của cộng đồng DN Việt Nam đang ở mức kém lạc quan nhất. Tình hình DN năm 2020 có sự giảm sút về số lượng DN thành lập mới với hơn 134,9 nghìn DN, giảm 2,3% so với năm 2019. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong năm 2020 là hơn 1 triệu lao động, giảm 16,9% so với năm 2019.
Gói hỗ trợ lần 2 cần đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp. |
2 tháng đầu năm 2021, đã có 33.611 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 3.595 DN, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng nói, có tới 16/17 ngành kinh doanh chính có số lượng DN giải thể tăng.
Sở dĩ số DN gặp khó khăn còn lớn là do dịch COVID-19 bùng phát trở lại lần thứ 3 ở trong nước. Ngành du lịch tiếp tục là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất khi thị trường khách quốc tế vẫn cơ bản giảm sút tới hơn 99%, thị trường nội địa gặp khó vì dịch bệnh.
Chủ một DN cung cấp du thuyền tham quan Vịnh Hạ Long, chia sẻ do đối tượng khách hàng của DN là khách quốc tế đến như Hàn Quốc, Nhật Bản... Vì vậy, hơn một năm qua khi thị trường du lịch quốc tế đóng cửa, DN này đã rơi vào cảnh khốn khổ.
"Tôi đã chuyển hướng sang phục vụ khách nội địa bằng các gói giảm giá, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Chúng tôi thay đổi và kỳ vọng rất nhiều ở mùa du lịch Tết Nguyên đán 2021 nhưng bất ngờ dịch COVID-19 xuất hiện tại Quảng Ninh, dẫn tới, mọi cố gắng đã đổ vỡ khi khách hàng hủy tour", vị này nói.
Tương tự, ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc công ty CP Du lịch Tân Thế Giới nhìn nhận, dịch bệnh đợt 3 xuất hiện khiến ngành du lịch đã khó lại càng thêm khó. Dự báo, trong vòng ít nhất 2 năm tới, du lịch nước ngoài vẫn khó có thể hoạt động trở lại. Do vậy, du lịch nội địa sẽ là trọng tâm. Tuy nhiên, ngành du lịch rất cần Chính phủ có những hỗ trợ đặc biệt để DN sớm phục hồi.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cho biết các DN đang trong tình cảnh hết sức khó khăn, người dân hạn chế đi lại, trong khi nhà xe phải thực hiện giãn cách xã hội nên tiền vé không đủ bù chi phí vận chuyển.
"Bản thân tôi cũng phụ trách một đơn vị vận tải nên rất hiểu. Trước thời điểm chưa có dịch thì duy trì hoạt động 79 xe khách trong một tháng nhưng giờ phải giảm xuống 19 xe. Nhân sự cắt giảm, thậm chí giám đốc cũng không có lương", ông Liên nói.
Khó có "mẫu số chung"
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, với các DN sản xuất dệt may, tình hình có khá hơn nhưng điều đó không có nghĩa là họ sống tốt. Đơn hàng không thiếu nhưng giá lại giảm. Chưa kể, các DN, đặc biệt DN nằm trong vùng dịch gặp rất nhiều khó khăn về lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh do không có sự thống nhất.
"Vừa qua, việc Hải Phòng đưa ra nhiều quy định kiểm soát khắt khe khiến DN không lấy nguyên vật liệu từ cảng Hải Phòng về sản xuất được, trong khi sản phẩm sản xuất ra cũng không xuất được". Vị đại diện các DN dệt may nói, đồng thời kiến nghị việc thiết kế gói hỗ trợ cho DN trên tiêu chí và điều kiện đưa ra phải hợp lý, sát thực tế hơn để DN dễ dàng tiếp cận.
Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch công ty CP công nghệ mới Nhật Hải (OIC Nano), lo ngại về việc không tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu sẽ khiến các DN Việt Nam phụ thuộc nước ngoài. "Hồi tháng 3, tháng 4 năm ngoái, chúng tôi có đơn hàng nhưng lại rơi vào tình cảnh nguyên liệu khan hiếm, không nhập được vì các đối tác ở Mỹ, Nga, Ấn Độ phải đóng cửa nhà máy do COVID-19. Đến nay, tình hình đã được cải thiện hơn nhưng nói điều này để thấy, nếu không tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu, DN sẽ rơi vào thế bị động, thậm chí đóng cửa.", ông nói.
Đặc biệt, theo vị đại diện DN trên, trong thời buổi dịch bệnh rất cần DN Việt Nam phát huy sự đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam đến nay vẫn chưa có nhiều DN thực hiện đổi mới, sáng tạo vì thiếu cơ chế hỗ trợ trên thực tế. 5-10 năm tới, chúng ta phải tập trung cả nguồn lực xã hội đầu tư vào công nghệ để bắt kịp các nước, cũng như vượt qua khó khăn.
Như vậy, có thể thấy nhu cầu hỗ trợ của mỗi một nhóm DN sẽ khác nhau. Dẫn tới, nếu không có sự phân tích, đánh giá từ thực tế thì chính sách hỗ trợ sẽ khó đáp ứng đúng và trúng.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ở thời điểm hiện nay, những chính sách ưu đãi cần phải đặt lên bàn cân để có những tính toán hợp lý, từ đó hỗ trợ hiệu quả nhất cho DN.
Đơn cử, để kích thích DN tiếp tục đầu tư vào sản xuất và kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN trong bối cảnh khó khăn. Đến giờ sức khỏe của khu vực DN vẫn còn yếu, vì vậy việc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay vẫn rất cần thiết.
Tuy nhiên, với chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN, ông Cung cho rằng sẽ không có nhiều ý nghĩa như năm 2020 bởi thực tế là DN đã không có thu nhập sau 1 năm khó khăn vì COVID-19. Tuy nhiên, giảm thuế VAT lại có thể tác động trong việc kích thích tiêu dùng, từ đó gia tăng tổng cầu cho nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất của DN... Do vậy cần tiếp tục giảm thuế VAT.
Cùng với đó, ông Cung cho rằng nên xem xét tới gói kích thích phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, ngoài cải cách thì cần ưu tiên phục hồi kinh tế.
"Chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ phục hồi hơn nữa. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích chứ không phải chỉ là hỗ trợ. Hiện tại, chúng ta cần khuyến khích DN mới, ngành nghề mới xuất hiện nhiều hơn nữa chứ không chỉ cứu những DN đã chết", ông Cung nhấn mạnh.
Ông Trần Quốc Phương Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Bộ KH&ĐT nhận định các đối tượng bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19 đã thu hẹp lại (gồm ngành du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, lưu trú, ăn uống… Ngoài ra có một số DN vận tải, trong đó có vận tải hàng không. Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT sẽ đánh giá tác động của dịch bệnh đối với các hoạt động thuộc từng lĩnh vực; đánh giá các giải pháp sao cho đúng, cho trúng; rà soát các đối tượng để chính sách đi đúng chỗ, khả thi; nguồn lực ở đâu và thực hiện như thế nào. Ông Nguyễn Văn Thân Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam Cộng đồng DN nhỏ và vừa mong muốn Chính phủ có thể dành 30% dự án đầu tư công giao cho DN nhỏ và vừa thực hiện. Đồng thời, phải có giải pháp huy động nguồn vốn, nguồn lực trong dân bằng nhiều hình thức để phát triển DN, cũng như hỗ trợ DN chuyển đổi số. TS. Nguyễn Đức Thành Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nếu Việt Nam không có một nền sản xuất thực sự, tiến tới quy mô lớn hơn dựa trên đổi mới sáng tạo nhiều hơn thì kinh tế của chúng ta không thể bứt phá ngoạn mục sau dịch bệnh. Sau dịch bệnh, các nước đẩy mạnh phục hồi kinh tế thì chúng ta lại trở về với vạch đích ban đầu, nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hữu. Do vậy, cần phải tận dụng lợi thế kiểm soát tốt dịch bệnh để đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng các biện pháp hỗ trợ kịp thời. |
Lê Thúy