Tại dự thảo báo cáo của Chính phủ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ KH&ĐT cho biết, bối cảnh kinh tế toàn cầu là bức tranh khủng hoảng trầm trọng bởi đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng chưa từng có trong lịch sử. Trong nước, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; tiêu thụ hàng hóa giảm sút; sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ; hàng triệu lao động mất việc làm, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập.
Dự báo tăng trưởng vẫn ở mức cao
Dù không đạt được mục tiêu, song tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn rất đáng ghi nhận. Tốc độ tăng GDP đạt 2,91%, quy mô kinh tế đạt 271,2 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.799 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân tăng 3,23%.
Ưu tiên chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. |
Song, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế còn hạn chế. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa được phát huy mạnh mẽ...
Vì vậy, dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến nhiều người lo ngại tăng trưởng kinh tế có thể lặp phải kịch bản như năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá, dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021.
Bà Sagarika Chandara, Trưởng Bộ phận phân tích về Việt Nam tại Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo, GDP năm 2021 của Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 7,5%, bất chấp đợt dịch mới đang bùng phát.
"Fitch vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là do chúng tôi nhìn thấy quá trình chống dịch của Việt Nam rất hiệu quả, từ đó giúp số ca lây nhiễm ở mức thấp, dựa trên các số liệu chính thức được công bố", bà Sagarika Chandara nói.
Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cũng nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 7% nhờ sự hồi phục của nhu cầu bên ngoài, giúp nền kinh tế trong nước có khả năng phục hồi và năng lực sản xuất tăng.
Theo đánh giá của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, kịch bản tăng trưởng của năm 2021 sẽ khác hẳn 2020. Năm 2020, khi bùng phát dịch bệnh thì không chỉ người dân, doanh nghiệp mà Nhà nước cũng bị động. Chính sách, giải pháp còn thiếu kịp thời sâu sát. Tính chủ động của doanh nghiệp trong phòng chống dịch chưa cao.
"Lúc đó, khả năng phòng chống dịch chưa cao nên chúng ta phải cách ly toàn xã hội, dẫn tới ngừng trệ trong nền kinh tế, đứt gẫy trong chuỗi sản xuất. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh, khiến chúng ta mất nhiều thời gian phục hồi", ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, từ cuối quý IV/2020, doanh nghiệp, người dân đã hiểu biết nhiều, nâng cao tinh thần phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, Chính phủ có giải pháp ngăn chặn kịp thời dịch bệnh, thực hiện khoanh vùng nhỏ gọn, hợp lý. Kết quả sản xuất kinh doanh đã được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp thích nghi với điều kiện thị trường mới.
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp
Tinh thần này được nối tiếp trong năm 2021. Dù dịch bệnh quay trở lại nhưng xuất khẩu đạt được kết quả rất tốt, xuất siêu gần 3 tỷ USD tính tới ngày 15/2. Doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại nền kinh tế tăng vọt. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng với trạng thái bình thường mới, ngay cả khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Thêm nữa, năm 2021, với việc thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tốt hơn sang thị trường thế giới. Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều "cửa sáng" để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, sản xuất kinh doanh.
"Dù dịch bệnh chưa chấm dứt nhưng tôi tin rằng, mục tiêu 6,5% hoàn toàn đạt được. Trong năm 2021, với việc nhập khẩu vắc xin ngừa COVID-19, thì dịch bệnh sẽ sớm được khống chế. Từ đó, nền kinh tế Việt Nam còn có thể đạt tăng trưởng từ 6,8-7,4%", ông Thịnh lạc quan.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng không cần gói kích thích kinh tế nhưng chắc chắn phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp chịu khó khăn vì dịch bệnh để giúp họ phục hồi.
Còn theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong năm 2021, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát nhu cầu. Việc khoanh/ngưng miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai... Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành.
Trong trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cụ thể, thì các chính sách này cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng.
"Chúng tôi cho rằng việc giãn/giảm thuế, nếu có chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đại đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn", ông Thế Anh nhấn mạnh.
Nhật Linh