HTX Vụn Art cho rằng: xác nhận của chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp, HTX có trụ sở cũng là một rào cản khiến họ khó tiếp cận gói hỗ trợ. |
Số liệu được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tại diễn đàn: “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi” cho thấy, nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành rất sớm và kịp thời, nhưng tính thực thi lại quá chậm trễ.
Chẳng hạn, gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách cho các doanh nghiệp vay để hỗ trợ tiền lương cho công nhân được ban hành từ tháng 4, nhưng đến cuối tháng 10 mới có doanh nghiệp được vay vốn.
Thống kê của Ngân hàng chính sách xã hội, đến cuối tháng 11/2020 mới có 75 doanh nghiệp vay được gói hỗ trợ, kết quả này có được chỉ sau khi Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi các điều kiện được vay vốn.
Tương tự như gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đã và đang bị mất, giảm việc làm và tạm dừng làm việc được đánh giá mang tính nhân văn nhưng quá trình triển khai đã gặp những vướng mắc, bất cập khiến tỷ lệ giải ngân thấp. Bắt đầu triển khai từ tháng 5/2020 nhưng tính đến hết tháng 7 năm nay mới giải ngân được 11,9 nghìn tỉ đồng, tương đương 12%, hỗ trợ cho gần 12 triệu người và gần 13.000 hộ kinh doanh.
Chia sẻ thêm, một chuyên gia cho hay, với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, thống kê có khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng chính sách này. Trong đó người lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm (hay còn gọi là lao động tự do) sẽ nằm trong nhóm được hỗ trợ. Tuy nhiên, khi được hỏi đã có cán bộ nào đến nói với dân xóm trọ rằng người dân nơi đây thuộc diện được hưởng gói cứu trợ vì bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không? thì "Không", là câu trả lời của hầu hết người dân lao động tự do trên địa bàn Hà Nội.
“Thậm chí có người lao động chủ động lên Phường hỏi thủ tục xin hỗ trợ và sau khi được cán bộ hướng dẫn thì đã từ bỏ ý định xin hỗ trợ và thủ tục quá rườm rà, khó thực hiện được”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Trước những vấn đề trên, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã có kiến nghị với Chính phủ sửa đổi theo hướng nới lỏng điều kiện thụ hưởng.
Chia sẻ về thực tế của Hợp tác xã, ông Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn và các gói hỗ trợ này.
"Tôi cho rằng các vướng mắc về thủ tục pháp lý là rào cản rất lớn để cho các doanh nghiệp siêu nhỏ như chúng tôi tiếp cận. Việc xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đóng cũng là một rào cản. Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở đây, nhưng người ta sản xuất nơi khác, nên địa phương sẽ không bao giờ xác nhận vì sợ trách nhiệm, dẫn đến chúng tôi không thể đầy đủ điều kiện xác nhận được những gói hỗ trợ như vậy", ông Cường nói.
Theo đánh giá của VCCI, trong khi những hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ ban hành trong đợt 1 chưa thể đến được với người dân và doanh nghiệp, thì sau đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát, cộng đồng doanh nghiệp đã khó thì nay càng gặp khó khăn hơn.
Đến tháng 11 vừa qua, cả nước có trên 15.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, 44.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường, tăng đến 60% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng, có trên 5.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay, kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập của người lao động.
Từ những kết quả này, địa diện VCCI cho rằng, điều cần phải rút kinh nghiệm ở đây đó là vấn đề thiết kế chính sách và thực thi chính sách đang có khoảng cách quá lớn.
Trong đó, cần phải tăng cường nỗ lực hợp tác giữa cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong cả việc định hình các chính sách và tổ chức thực thi chính sách.
Thanh Hoa