Các chuyên gia kiến nghị gói hỗ trợ lần 2 cần phải nhanh và có yếu tố cơ bản, lâu dài. |
Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế và các chính sách thuộc gói hỗ trợ lần 1 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, chính sách hỗ trợ được ban hành nhanh chóng và trúng, nhưng hiệu quả lại không cao và số lượng doanh nghiệp được “cứu” không nhiều.
Hiệu quả thấp
Theo kết quả khảo sát, 61% doanh nghiệp được hỏi cho biết hoạt động bình thường, 30% cắt giảm quy mô sản xuất và gần 10% phải tạm dừng hoạt động. Tác động của đại dịch đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ là nặng nề nhất.
Đặc biệt, về các gói hỗ trợ, khoảng 80% doanh nghiệp được điều tra cho biết không nhận được hỗ trợ của Chính phủ. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ.
Nguyên nhân, theo PGS-TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, chủ yếu là do doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện, không có thông tin về chính sách.
“Tính minh bạch của một số gói hỗ trợ rất đáng quan ngại: cải cách thủ tục hành chính, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, vay không cần tài sản thế chấp. Ngoài ra, còn nhiều chính sách được đánh giá là không có tác động tích cực như kỳ vọng: hỗ trợ chi phí logistics, cải cách thủ tục hành chính”, ông Chương nói.
Các chuyên gia cho rằng, thực tế gói hỗ trợ lần 1 chủ yếu tập trung vào gói gia hạn về thuế. Trong khi đó, lãi suất dù nhiều lần được điều chỉnh giảm nhưng vẫn còn khá cao so với “sức khỏe” của doanh nghiệp.
TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cũng bảy tỏ sự đáng tiếc khi hiệu quả của gói cứu trợ lần 1 thấp, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực, chính sách được chủ động ban hành kịp thời và quyết liệt với sự lắng nghe doanh nghiệp và đã xây dựng các kịch bản khác nhau để có phương án xử lý thích hợp nhất.
Theo ông Thành, tuy chính sách đúng và kịp thời nhưng việc thực hiện không theo tinh thần thời chiến. Việc phục hồi kinh tế không có ban chỉ đạo, trong khi Covid-19 gây ra tác động lớn và trầm trọng.
Kỳ vọng về gói hỗ trợ lần 2
Trước thực trạng này, các chuyên gia và nhà khoa học đều nhất trí cho rằng, các chính sách của gói hỗ trợ lần 2 cần được triển khai nhanh và kịp thời hơn nữa. Đặc biệt, cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững, nhằm tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế cả vĩ mô và vi mô, bởi thế giới ngày càng bất định và mức độ bất định ngày càng gia tăng.
Theo ông Thành, gói hỗ trợ lần 2 cần có một số nguyên tắc: phải đủ lớn; có độ rộng bao phủ toàn xã hội, từ người lao động đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải có trọng điểm, hỗ trợ những lĩnh vực, những doanh nghiệp có tính lan tỏa, những doanh nghiệp còn có thể “cứu” được, có sức “đề kháng” để vực dậy.
Cùng với đó, gói hỗ trợ lần này phải thực hiện nhanh và kéo dài đến hết năm 2021 và gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, vì Việt Nam cần tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chiến lược đầu tư nước ngoài trước làn sóng dịch chuyển của nhiều doanh nghiệp quốc tế.
Đồng tình, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, để xây dựng gói hỗ trợ lần 2, cần đánh giá Việt Nam đã khắc phục được ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong giai đoạn 1 như thế nào và giai đoạn 2 sẽ phục hồi ra sao, từ đó hướng đến mục tiêu cứu trợ những vấn đề mà doanh nghiệp cần.
“Việc dành 3% GDP để cứu trợ doanh nghiệp là không cần thiết, mà phải có chính sách để doanh nghiệp tự phục hồi và phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực du lịch và các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh”, ông Thạo nhấn mạnh.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng, dịch Covid-19 là tình huống đặc biệt, nên các chính sách cần phải sớm ban hành để đạt hiệu quả. Như vậy vừa có tính chất cứu trợ vừa có yếu tố cơ bản và lâu dài, vì phía trước nền kinh tế thế giới còn nhiều bất định, nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc hỗ trợ cần có sự chọn lọc, hướng tới các doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai, không hỗ trợ dàn trải. Ngoài ra, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, nên cần lựa chọn kỹ hơn các nhà đầu tư nước ngoài, chuẩn bị điều kiện tốt cho họ ở lại thị trường lâu dài. Hơn nữa, thị trường giao thương cũng nên rộng mở, cần quan tâm nhiều hơn đến tái cấu trúc thương mại quốc tế để tránh bị lệ thuộc vào một số ít thị trường như thời gian vừa qua.
Bà Lan nhấn mạnh, Covid-19 gây khó khăn nhưng cũng là thời cơ lớn để Việt Nam xem ngành nào trong tương lai phát triển hơn, bền vững hơn.
Thanh Hoa