Đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) rất được các nhà đầu tư kỳ vọng, nhưng "mảnh đất" này còn bỏ trống khá nhiều, nhất là trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo các nhà đầu tư, thực tiễn việc triển khai thực hiện một số dự án PPP ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc từ các quy định trong "khung khổ pháp lý".
Chẳng hạn như các dự án PPP chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp (DN)… Các luật này được xây dựng hướng tới dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân thuần túy, chưa xét đến đặc thù đầu tư PPP.
Nhiều luật quản lý vẫn lỏng
Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP chịu sự điều chỉnh tại Luật Đầu tư công như một dự án đầu tư công thuần túy. Quy định ngân sách riêng để làm phần vốn góp của Nhà nước tham gia thực hiện dự án, hiện nay đang vướng Luật NSNN, Luật Đầu tư công. Quy định cơ chế bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh thu tối thiểu, chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro chính sách đang vướng Luật Quản lý nợ công, Luật NSNN…
Vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư còn thiếu, cụ thể là về cơ chế chính sách chia sẻ rủi ro, giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia thực hiện. Trong khi đó, các quy định về chế tài xử lý vi phạm, quyết toán công trình, quyết toán hợp đồng dự án PPP… chưa rõ ràng.
Đồng thời, thực tế triển khai các dự án PPP cho thấy trước khi có Nghị định số 15/2015/ NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, các dự án BOT, BT được thực hiện theo quy định tại Nghị định 108/2009/ NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Thông qua các báo cáo thanh tra, kiểm toán đối với các dự án BOT, BT, đặc biệt đối với các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, đang cho thấy một số bất cập như nhiều dự án BOT, BT được áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư kém mặn mà với các dự án PPP vì lo ngại rủi ro. Đơn cử, từ các dự án phát điện "xanh" cho thấy ước tính chỉ có 10% phát triển mới do khu vực tư nhân tài trợ. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư lo ngại về các vấn đề cụ thể như đảm bảo thỏa thuận mua bán điện, hợp đồng vận hành đối với tài sản điện/cơ sở hạ tầng có đủ giảm thiểu rủi ro?
Trong lĩnh vực giao thông, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho hay trong quá trình đầu tư vào một dự án đường cao tốc mới có những rủi ro về lưu lượng giao thông không thể xác định, tỷ giá hối đoái, khả năng chuyển đổi ngoại tệ, lãi suất và chính sách. Tuy nhiên, Chính phủ không có cơ chế chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư kém mặn mà tham gia các công trình cơ sở hạ tầng vì sợ rủi ro |
Giải "bài toán" lợi ích
Ông Tuấn đề nghị Chính phủ nên cung cấp cơ chế chia sẻ rủi ro và xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên. Điều này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào các dự án mới.
Phương pháp chia sẻ rủi ro có thể bao gồm: bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ, sử dụng bên thứ ba để đại diện cho Chính phủ trong việc thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng của mình.
Cùng với đó, hiện tại của nền kinh tế, huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng ngày càng khó khăn khi nợ công đang tăng lên, NSNN ngày càng hạn chế và các khoản vay ODA đang giảm.
Vì vậy, VEC mong muốn được quản lý tiền mặt nhàn rỗi (sau khi đã trả hết nợ) để tái đầu tư vào kinh doanh, hoạt động và đầu tư vào các dự án mới. Đồng thời, cho phép VEC sử dụng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng thu phí để đầu tư vào các dự án mới (sau khi đã hoàn trả tất cả các khoản nợ).
Bên cạnh đó, liên quan tới việc chuyển nhượng khai thác vận hành các dự án đường cao tốc, ông Tuấn cho biết nhiều nhà đầu tư quốc tế hiện quan tâm tới lĩnh vực này. Cụ thể, có nhà đầu tư đặt vấn đề nhận chuyển nhượng tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ hành lang pháp lý chuyển nhượng chưa có.
Do vậy, DN đề xuất Chính phủ cần phải xây dựng hành lang pháp lý về phương thức chuyển nhượng, quy trình đấu thầu chuyển nhượng.
Đại diện Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho rằng khu vực tư nhân chưa đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiều, vì vậy, cần có các cơ chế, cách tiếp cận mới cho phép khu vực tư nhân phát huy được tiềm lực nhiều hơn nữa.
Trong khi đó, đại diện Bộ GTVT cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ có một danh sách các lĩnh vực, dự án cơ sở hạ tầng cần thu hút. Có như vậy, các DN trong và ngoài nước sẽ biết rõ được yêu cầu, nguyện vọng của Chính phủ.
Ở góc độ chuyên gia, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, nhận định PPP là phương thức tốt trong đầu tư xây dựng hạ tầng, nhiều nước đã áp dụng và đạt kết quả tốt.
Với Việt Nam, vấn đề chủ yếu là giải quyết hợp lý quan hệ lợi ích giữa các bên là: nhà đầu tư – người dân – Nhà nước, vận dụng trong từng dự án cụ thể. Đặc biệt, chống tiêu cực lợi ích nhóm, tham nhũng khi phê duyệt và triển khai dự án, tránh gây bất bình trong dân và thiệt hại cho Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, hiện nay, trên thế giới có nhiều kinh nghiệm hay về thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đây là cơ hội để Việt Nam tìm được khuôn mẫu tốt để học theo, từ đó xây dựng cơ chế chính sách pháp lý hiệu quả.
Để hoàn thiện khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động đầu tư PPP, tới đây, Chính phủ hướng tới xây dựng Luật PPP, khi đó chắc chắn các dự án sẽ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Phát triển cơ sở hạ tầng là yêu cầu lớn trong quá trình phát triển của Việt Nam. Nhu cầu lớn nhưng NSNN còn hạn chế, trong khi phải đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia (nợ công, bội chi ngân sách, nợ Chính phủ) nên không đầu tư vượt quá mức cho phép. Do vậy, phải huy động vốn từ tư nhân (trong nước và nước ngoài) để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng, đảm bảo cho Việt Nam tăng trưởng nhanh. Ông Justin Wood - Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của WEF Cơ sở hạ tầng là nền tảng của bất cứ nền kinh tế nào. Do đó, lĩnh vực này cần được xây dựng, hỗ trợ, hợp tác của khu vực nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, để hợp tác này thực hiện được là không dễ dàng. Đây là lĩnh vực Việt Nam cần phải làm nhằm tạo không gian chung để cả khu vực tư nhân và Nhà nước hợp tác được với nhau. Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Muốn huy động được vốn từ khu vực tư nhân, cả vốn vay và vốn chủ sở hữu, cần hiểu khu vực tư nhân chỉ chấp nhận tham gia khi thấy thoải mái về phân bổ rủi ro và lợi ích. Đồng thời, khi triển khai các dự án PPP, việc xây dựng năng lực cho các cơ quan nhà nước là rất quan trọng để nhận biết và quản lý tốt rủi ro. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có năng lực hiểu biết để không chỉ lựa chọn nhà đầu tư mà còn theo dõi việc thực hiện dự án trong tương lai. |