Đến giữa năm 2018, thị trường xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ vào vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tăng mạnh, lũy kế đến tháng 5/2018 đạt 51,84 tỷ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư). Riêng 5 tháng đầu năm nay, theo lĩnh vực đầu tư FDI, hoạt động kinh doanh BĐS đứng thứ hai với 1,07 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Xây dựng "lên ngôi"
Tổ chức Business Monitor International (BMI) dự báo ngành xây dựng sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng thực trong năm 2018 đạt 9,63%, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng đầu tư của khối tư nhân và nước ngoài.
Tại hội thảo "Xây dựng và cơ sở hạ tầng: Triển vọng thị trường và tăng trưởng" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) tổ chức ở Tp.HCM vừa qua, ông Đặng Lê Dũng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng Tp.HCM, cho biết qua đánh giá và kết quả thực tế từ mức độ lạc quan của nền kinh tế Việt Nam, ngành xây dựng tăng trưởng khả quan trong năm nay và các năm tiếp theo.
Theo ông Dũng, thị trường xây dựng cơ sở hạ tầng ở trong nước những năm tới dự báo sẽ tăng trưởng tốt, đạt bình quân 7,8 – 8% trong các năm 2019, 2020, 2021 dựa vào vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực này tiếp tục tăng mạnh.
Ngoài ra, tính khả quan của ngành xây dựng còn dựa trên các yếu tố như các doanh nghiệp (DN) xây dựng dân dụng với lượng hợp đồng ký kết cho cả năm 2018 vẫn duy trì mức tốt, cũng như nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tăng trưởng ổn định trong dài hạn.
Nếu so sánh với mức tăng trưởng bình quân về lĩnh vực xây dựng trên toàn thế giới từ nay đến năm 2021 là 3% (theo nghiên cứu từ Construction Intelligence Center – CIC), có thể thấy đây là mức tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam trong nhóm 6 quốc gia ở khu vực ASEAN (gồm Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam) được đánh giá là thị trường xây dựng trị giá hơn 250 tỷ USD và sẽ đạt mức tăng trưởng 7,5%/năm.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh và môi trường kinh doanh lý tưởng cho DN trong ngành này, từ các nhà thầu xây dựng, nhà sản xuất, nhà cung cấp các thiết bị và giải pháp, nhà cung cấp dịch vụ, các chủ dự án…, theo phản ánh của nhiều DN, rất cần gỡ bỏ những bất cập trong quản lý lĩnh vực xây dựng hiện nay.
Những yêu cầu tạo "giấy phép con" trong quản lý ngành xây dựng cần sớm được gỡ bỏ |
Giảm thủ tục hành chính
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, giám đốc một công ty xây dựng tại Tp.HCM phản ánh ở khu vực phía Nam, đặc biệt là Tp.HCM và các tỉnh lân cận, nơi tập trung rất nhiều công trình xây dựng cấp I, hiện nay có tình trạng các chủ đầu tư dự án đều phải "ôm" hồ sơ ra Hà Nội, tìm đến Cục Quản lý các hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật.
Trong quá trình thẩm định, phải thực hiện chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ nên tốn rất nhiều thời gian, công sức, chi phí chính thức lẫn chi phí không chính thức của các DN. Trong khi đó, Cục Công tác phía Nam của Bộ Xây dựng đóng tại Tp.HCM lại chưa được giao thẩm quyền để thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật công trình cấp I.
Rõ ràng, như chia sẻ của vị chủ DN xây dựng này, đây là một bất cập điển hình về khâu thủ tục hành chính gây tốn kém cho DN trong bối cảnh ngành xây dựng đang có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt.
Hoặc như trong văn bản kiến nghị gửi đến Bộ Xây dựng vào tháng 6 này, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 78 Luật Xây dựng "Chính phủ quy định chi tiết các bước thiết kế xây dựng, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng" theo hướng phân cấp và giao thêm thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật) các công trình cấp I trên địa bàn có chiều cao tối đa không quá 120m (khoảng 35 tầng).
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, trừ trường hợp UBND cấp tỉnh có yêu cầu thì Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định thiết kế xây dựng đối với công trình này, do năng lực của Sở Xây dựng các địa phương không đồng đều, nên có thể có địa phương đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế công trình.
"Còn về lâu dài, Bộ Xây dựng nên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng theo hướng giao cho các tổ chức, cá nhân có chức năng và có năng lực được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các loại công trình xây dựng", ông Châu nhấn mạnh.
Trong vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng Bộ Xây dựng chỉ nên giữ vai trò quản lý nhà nước, ban hành quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế, định mức, chỉ số giá, giá và thực hiện công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Điều đó sẽ giúp tinh giản bộ máy và giảm thiểu thủ tục hành chính và chỉ tập trung thẩm định các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Ngay như trong ý kiến của Bộ Tài chính về xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh BĐS, Quy hoạch đô thị cũng lưu ý bất cập về quy định điều kiện năng lực hoạt động xây dựng tại Điều 148 Luật Xây dựng.
Đó là việc yêu cầu bắt buộc các DN xây dựng khi tham gia đấu thầu phải có chứng chỉ cấp phép do Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng chuyên ngành cấp và cho phép hoạt động. Yêu cầu này là tạo "giấy phép con", gây khó khăn cho các DN khi hoạt động theo Luật DN.
Thế Vinh