Tại Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) 2019 với chủ đề Doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu diễn ra ngày 28/11, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết CNHT ôtô Việt Nam “phân tán, rời rạc, lỏng lẻo” giữa các nhà lắp ráp và nhà cung ứng.
Tỷ lệ nội địa hóa thấp
Tính hết năm 2018, cả nước có 350 DN sản xuất, lắp ráp ôtô; 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô… với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ.
Một số DN nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu và xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…
Tuy nhiên, Bộ Công Thương thừa nhận ngành sản xuất lắp ráp ôtô Việt Nam chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thật sự. Không chỉ tỷ lệ nội địa hóa thấp, mà các sản phẩm do DN Việt sản xuất đang ở phân khúc giá trị thấp, gồm các sản phẩm như săm, lốp, kính… và chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của các DN nước ngoài.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết: “Việt Nam phải nhập khẩu (NK) ròng hầu hết các nhóm sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái, yêu cầu công nghệ chế tạo ở mức cao”.
Thống kê cho thấy để phục vụ lắp ráp ôtô trong nước, trong giai đoạn 2010-2016, Việt Nam đã NK các loại phụ tùng, linh kiện khác nhau với tổng kim ngạch bình quân mỗi năm khoảng 2 tỷ USD, chủ yếu từ Nhật Bản (23%), Trung Quốc (23%), Hàn Quốc (16%) và Thái Lan (16%).
Điều này khiến giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, do chi phí đầu tư quá lớn, thậm chí nhiều DN đã giảm giá và tăng khuyến mãi nhưng vẫn khó tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc một công ty sản xuất phụ tùng nội thất ôtô tại Tp.HCM, với hiện tượng ôtô nguyên chiếc NK tăng mạnh, có thể đạt đến con số trên dưới 140.000 chiếc trong năm nay, việc tiêu thụ các sản phẩm ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước gặp nhiều khó khăn hơn là điều khó tránh khỏi.
“Ngành ôtô trong nước đang bị thất thế so với xe nhập do chi phí sản xuất ôtô ở Việt Nam cao hơn 18-20% so với các nước trong khối ASEAN”, ông Tiến nói.
Ông Chu Trọng Trung, Giám đốc công ty TNHH Cao su Giải Phóng, chia sẻ DN đang tập trung sản xuất linh kiện cao su có chất lượng cao để cung cấp cho các DN trong nước. Tuy nhiên, nguyên liệu để sản xuất đều NK nên giá thành sản xuất bị đẩy lên cao.
Đại diện công ty Toyota Việt Nam cũng cho biết khó khăn lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là quy mô thị trường nhỏ, sản lượng thấp. Điều này khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, đặc biệt là chi phí khấu hao.
Do sản lượng còn quá nhỏ nên các nhà sản xuất ôtô phải NK linh kiện, dẫn đến chi phí cao cho việc đóng gói, vận chuyển, thuế NK. Mặt khác, CNHT ôtô cũng không phát triển được do sản lượng thấp.
“Hiện nay, chi phí sản xuất ôtô sản xuất tại Việt Nam cao hơn khoảng 10-20% so với Thái Lan và Indonesia”, đại diện Toyota cho hay.
Theo các DN ôtô, nếu trong tương lai không có gì thay đổi, không có những biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước, tỷ trọng xe sản xuất trong nước có thể theo chiều hướng thấp hơn xe nhập, trong khi thị trường ôtô Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh. Khi đó, số tiền chi cho nhập ôtô nguyên chiếc sẽ tiếp tục tăng cao.
CNHT ngành ô tô chưa phát triển nên tỷ lệ nội địa hóa còn thấp |
Doanh nghiệp mong giảm thuế
Ông Bùi Minh Hải, Tổng giám đốc công ty Nhựa Hà Nội, cho biết công ty đã phải nỗ lực rất nhiều, tuy nhiên sản lượng cung ứng và hiệu quả vẫn còn thấp.
“Làm CNHT phải làm từ ít đến nhiều, đơn giản đến phức tạp, không thể một hai ngày, một hai năm, mà là hàng thế kỷ, một hành trình dài…”, ông Hải chia sẻ.
Do đó, các DN kiến nghị cần giảm thuế để tăng tính cạnh tranh cho xe ôtô nội địa.
Từ góc nhìn của DN, đại diện Toyota đề xuất có chính sách kịp thời, rõ ràng, công bằng và hỗ trợ vừa đủ cho các nhà sản xuất ôtô trong nước: “Chúng tôi rất cần những chính sách để hỗ trợ xe CKD sản xuất trong nước trong bối cảnh thuế NK của xe nguyên chiếc về 0% kể từ năm 2018”.
Một DN ôtô lớn khác là Thaco cũng đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế NK linh kiện về 0% mà không kèm bất cứ điều kiện nào, bởi thuế NK xe nguyên chiếc hiện đã về 0%, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco kiến nghị Chính phủ sớm xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các linh kiện, phù tùng sản xuất trong nước. Thực tế, các nước như Malaysia đã áp dụng chính sách này từ rất lâu. Khi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt chắc chắn tỷ lệ nội địa hóa xe trong nước sẽ tăng và kéo giá xe giảm.
Đồng tình, CTCP Tập đoàn Thành Công cũng cho rằng không nên tính thuế NK nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất linh kiện nội địa hóa trong nước. Chính sách này có tác dụng thúc đẩy các nhà sản xuất linh kiện và các sản phẩm cơ khí phục vụ cho việc sản xuất lắp ráp ôtô có cơ sở để đẩy mạnh quy mô sản xuất.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng Bùi Quang Hải cũng cho rằng cần xem xét chính sách thuế thu nhập DN, thuế tiêu thụ đặc biệt và kể cả thuế đất nếu xác định đây là ngành quan trọng. Hiện nay không thiếu văn bản chính sách nhưng ngành cơ khí, CNHT và công nghiệp ôtô chưa phát triển được là do chính sách chưa đủ mạnh.
Để tăng dung lượng thị trường, cần có chính sách đối với người tiêu dùng. Nếu xác định người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì phải xem xét lại chính sách lệ phí trước bạ khi có địa phương áp mức thu tới 12%.
Phản hồi về các ý kiến này, bà Nguyễn Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), đồng tình với kiến nghị của các DN sửa đổi chính sách thuế cho phù hợp với thực tế. Bộ Tài chính hiện đang phối hợp bộ ngành có liên quan trình sửa đổi Nghị định 125, bổ sung thêm chương trình ưu đãi trong 5 năm dựa trên sự phân tích các điểm nghẽn.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất chương trình ưu đãi 5 năm đối với nguyên liệu, vật tư, phụ tùng trong nước chưa sản xuất được sẽ được hưởng ưu đãi thuế 0%.
Hoàng Hà
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ. Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Thái Lan, Indonesia, Malaysia phát triển công nghiệp ôtô từ năm 1960, trong khi đến năm 1991, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam mới ra đời. Bởi vậy, khi Việt Nam mới đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành thì công nghiệp ôtô tại các nước khác đã rất phát triển, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đe dọa nền sản xuất trong nước. Ông Koji Onishi - Trợ lý Giám đốc khối mua hàng, Honda Việt Nam Công ty Honda Việt Nam đã yêu cầu nhà cung ứng linh kiện xe máy chuyển sang ôtô đòi hỏi nhiều về chất lượng, nên vẫn còn nhiều thách thức. Sản phẩm lốp xe mà công ty đặt hàng, nhà cung cấp Việt Nam vẫn cần phải cải thiện rất nhiều. Hiện, Honda đã có những chương trình cụ thể đồng hành cùng nhà cung cấp, như đào tạo 5S, kaizen, đào tạo, hợp tác kỹ thuật, đưa các nhà lãnh đạo kinh doanh Việt Nam ra nước ngoài tìm kiếm thêm đối tác, học hỏi kinh nghiệm và tri thức sản xuất. Ông Lê Ngọc Đức - Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công Để các DN ngành ôtô đạt được mục tiêu như chiến lược phát triển ngành đề ra, cần các chính sách ưu đãi, hỗ trợ như một đòn bẩy. Theo đó, Nhà nước không nên tính thuế NK nguyên liệu, vật tư và linh kiện phụ tùng để sản xuất linh kiện nội địa hóa trong nước, điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị nội địa hóa ôtô, áp dụng các gói tín dụng dành cho phát triển ngành CNHT. Ngoài ra, cần đưa sản phẩm ôtô vào danh mục “sản phẩm công nghệ cao” để khuyến khích phát triển. |