Báo cáo về phát triển ngành công nghiệp ô tô vừa được Bộ Công Thương gửi Quốc hội cho biết, hiện có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô các loại trong nước với tổng công suất lắp ráp thiết kế 680.000 xe/năm. Tốc độ tăng trưởng thị trường xe dưới 9 chỗ trung bình 20 - 30%/năm.
Dù vậy, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.
Kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ chạm mốc 3,4 tỷ USD (Ảnh Internet) |
Sự cạnh tranh gay gắt của các xe nhập khẩu xuất xứ ASEAN như Thái Lan, Indonesia và trong vòng 7 - 10 năm tới là ô tô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các nước EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực càng làm khó cho xe nội địa.
Dẫn chứng số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 3 quý của năm 2019, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 109.000 xe các loại, trị giá 2,4 tỷ USD, Bộ Công Thương dự kiến nhập khẩu ô tô năm nay đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái (năm 2018 kim ngạch nhập khẩu xe ô tô là 1,8 tỷ USD).
Báo cáo đánh giá, dưới tác động tích cực của một số chính sách mới trong thời gian gần đây như Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong trung và ngắn hạn thay đổi đáng kể theo chiều hướng tăng về số lượng xe sản xuất, lắp ráp.
Dù vậy, ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh, nhất là cạnh tranh với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được ưu đãi thuế quan.
Công Trí