Trong các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu (NK) đang có sự tăng trưởng mạnh lên trong 4 tháng đầu năm, theo Bộ Công Thương, NK nhóm hàng ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi đứng đầu, tăng hơn 7 lần về lượng và hơn 6 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Nhập khẩu tăng mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, NK ôtô nguyên chiếc các loại trong 4 tháng đầu năm tăng 949 triệu USD, tương ứng tăng 6,4 lần… so với cùng kỳ.
Chỉ chưa đầy 4 tháng tính từ đầu năm, kim ngạch NK ôtô đã vượt 1 tỷ USD. Riêng quý I, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng ôtô nguyên chiếc NK tăng 852%, đạt 39.000 xe, trong khi năm ngoái chỉ là 4.097 xe.
Thái Lan là quốc gia xuất khẩu nhiều xe nhất sang Việt Nam, đứng thứ hai là Indonesia. Đây là hai quốc gia thuộc ASEAN hưởng ưu đãi thuế NK 0% theo Hiệp định ATIGA.
Trong khi đó, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 4, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 11%, xe NK tăng 202% so với cùng kỳ.
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô tại Việt Nam tính đến hết tháng 4 tăng 23% so với cùng kỳ. Trong đó, xe ôtô du lịch tăng 38%, xe thương mại giảm 1% và xe chuyên dụng giảm 40%.
Cần nhắc lại, hồi năm ngoái, ôtô con từ ASEAN được miễn thuế chiếm gần 90% tổng số xe NK do đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40%. Tính đến nay, sau một năm 4 tháng thực hiện ATIGA và Nghị định 116, phần lớn các hãng xe đã hoàn tất mọi điều kiện khắt khe để có thể NK xe ổn định. Nhiều hãng xe đã chuyển từ sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sang NK nguyên chiếc một số mẫu xe từ ASEAN.
Đáng chú ý, những mẫu xe hiện được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đạt doanh số thấp sẽ được các hãng chuyển dần sang NK nguyên chiếc từ ASEAN bởi chi phí sẽ rẻ hơn so với xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Nhiều ý kiến đặt vấn đề: xe lắp ráp trong nước vẫn phải nhập các phụ kiện lớn, giá trị cao và vẫn bị tính thuế, cho nên cần đẩy nhanh việc tăng cao tỷ lệ nội địa hóa để giá xe giảm thì mới có thể cạnh tranh với xe nhập.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị NK nhóm hàng linh kiện và phụ tùng ôtô trong quý I/2019 lên tới 979 triệu USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu là từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Ấn Độ, Indonesia.
Ở góc độ một doanh nghiệp (DN) đầu tàu ngành sản xuất, lắp ráp trong nước, để tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm tăng sức cạnh tranh, hồi tháng 3/2019, CTCP Ôtô Trường Hải (Thaco) đã khởi công Dự án khu công nghiệp Cơ khí và Ôtô mở rộng tại khu kinh tế mở Chu Lai với diện tích 115ha, với tổng vốn đầu tư cho hạ tầng lên tới 1.600 tỷ đồng.
Việc ôtô nhập khẩu từ một số quốc gia trong khu vực tăng gấp nhiều lần từ đầu năm đến nay |
Ngóng nội địa hóa
Theo chia sẻ của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Thaco, dự án này là để thu hút, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm giá thành và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ôtô du lịch đạt trên 40%, đáp ứng điều kiện để xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN vào năm 2020.
Giới chuyên gia cho biết, cách tính tỷ lệ nội địa hóa xe ôtô vẫn được áp dụng theo Thông tư 05 của Bộ KH&CN. Theo đó, phương pháp tính căn cứ vào tỷ lệ nội địa hóa của các cụm linh kiện, nhưng không giống với cách tính chung của ASEAN là theo giá trị linh kiện nội địa hóa trên một mẫu xe.
Hồi đầu năm nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trong việc kiểm tra, đánh giá tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm ôtô NK vào Việt Nam từ các nước ASEAN đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi thuế suất (0%) theo Hiệp định ATIGA.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát chính sách về ôtô, đánh giá toàn diện tác động tới thị trường ôtô Việt Nam sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực với các mặt triển vọng, khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp phát triển, tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh công nghiệp ôtô tại Việt Nam; báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý II/2019.
Thực tế cho thấy, tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm giảm giá thành để cạnh tranh với xe NK là một bài toán nan giải. Định hướng được đặt ra trong thời gian tới với ngành công nghiệp ôtô nội địa vẫn là tăng cường hợp tác giữa các DN trong nước và các DN lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công nghệ cao để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế NK.
Mục tiêu là đạt tỷ lệ giá trị sản xuất chế tạo trong nước đối với sản xuất ôtô đến năm tới của xe 9 chỗ đạt 30 – 40%, từ 10 chỗ trở lên đạt 35 – 45%, xe tải đạt 30 – 40%, xe chuyên dụng đạt 25 – 35%.
Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa không thể chỉ dựa vào "đầu tàu" như Thaco hay tương lai như VinFast hoặc một số DN có quy mô nhỏ hơn, mà tiếp tục cần thêm những chính sách hữu hiệu.
Thế Vinh