Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết 6 tháng đầu năm 2019, cả nước nhập khẩu 75.437 ôtô các loại, trị giá gần 1,7 tỷ USD, tăng 511,5% về số lượng và tăng 411,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018, gần đạt mức cả năm 2018 (81.787 chiếc).
Nhập khẩu kỷ lục
Số lượng nhập khẩu trung bình mỗi tháng khoảng 12.570 xe, tương đương số lượng xe nhập khẩu trung bình 5 tháng cuối năm 2018.
Giá nhập khẩu trung bình ôtô các loại giảm hơn 4.000 USD/xe, từ mức 26.649 USD/xe xuống còn 22.275 USD/ xe. Trong đó, ôtô dưới 9 chỗ ngồi có giá nhập khẩu trung bình giảm khoảng hơn 3.000 USD/ xe (từ mức 22.530 USD/ xe xuống còn 19.258 USD/xe).
Nhập khẩu ôtô tăng mạnh xuất phát từ một số nguyên nhân như: Mức tăng mạnh tập trung chủ yếu vào dòng ôtô con, chiếm đến 72,8% tổng lượng nhập khẩu ôtô. Đây là dòng xe vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa phục vụ kinh doanh nên nhu cầu xã hội rất lớn.
Ngoài ra, một số dòng ôtô con còn được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dung tích nhỏ theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.
Thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về Việt Nam giảm về mức 0%, do vậy nhập khẩu ôtô từ khu vực ASEAN tăng mạnh.
Sau một thời gian bị chững lại do những quy định của Nghị định 116, các doanh nghiệp nhập khẩu và hãng sản xuất đã đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định, đặc biệt là vấn đề Giấy chứng nhận kiểu loại (VTA). Do vậy, các doanh nghiệp (DN) gia tăng nhập khẩu để bù vào lượng xe nhập khẩu giảm ngay sau khi Nghị định 116 được ban hành.
“Lượng xe nhập khẩu giảm mạnh trong nửa đầu năm 2018, bắt đầu tăng ở 6 tháng cuối năm 2018 và duy trì mức độ nhập khẩu từ đó đến nay. Do vậy, khi so sánh 6 tháng đầu năm 2019 với 6 tháng đầu năm 2018 thì mức tăng nhập khẩu rất cao”, ông Chinh phân tích.
Theo dự kiến của cơ quan quản lý, nhập siêu ngành ôtô năm nay đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ôtô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất nội địa và cán cân thương mại.
Dự kiến, nhập siêu ngành ôtô năm nay đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD |
Mấu chốt vẫn là nội địa hóa
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc nhập khẩu tăng mạnh sẽ tác động đến sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Các DN nhập khẩu tranh thủ cơ hội ưu đãi thuế quan để tạo áp lực cạnh tranh với DN sản xuất lắp ráp nội địa.
Vì vậy, người đứng đầu ngành công thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu rà soát lại việc nhập khẩu và phân tích về hiện tượng tăng nhanh số lượng nhập ôtô về Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu Cục Công nghiệp rà soát đánh giá chung trong bối cảnh phát triển công nghiệp ôtô trong nước, tính toán các phương án, dư địa có thể sử dụng (thuế nội địa, thực thi cam kết hội nhập) nhằm hài hòa lợi ích quốc gia, phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước và bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, vấn đề của ngành công nghiệp ôtô trong nước còn nằm ở chỗ giá bán cao, chất lượng chưa bằng nhập khẩu. Báo cáo của Cục Công nghiệp cho biết trong nước hiện có khoảng hơn 170 DN sản xuất, lắp ráp ôtô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho hay ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ôtô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.
Đặc biệt, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặt dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗi ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính…
Theo ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, Phụ trách công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast, thành công của ngành công nghiệp ôtô không thể đến từ những DN sản xuất riêng lẻ mà đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ của cả mạng lưới phụ trợ hoàn hảo. Vì vậy, muốn xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ôtô phải tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước thành một chuỗi cung ứng đầu vào cho các DN sản xuất, lắp ráp.
Tại hội nghị tổng kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước là rất đúng đắn. “Chúng ta không yêu cầu 100% nội địa hóa ngay, việc nội địa hóa ôtô phải thực hiện từng bước một, theo hướng tăng dần. Từ 5% lên 10%, 20%, 40% là vô cùng quý giá. Trong 100 triệu giá trị của chiếc xe, Việt Nam phải tham gia được 30-40%”, Phó Thủ tướng nói.
Thy Lê