Ngày 14/6, UBND Tp.HCM đã quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần (tức kéo dài đến 0h ngày 29/6). Đây là điều không mong muốn, nhưng rất cần để phòng chống dịch Covid-19 đợt thứ 4.
Khốn khó triền miên
Còn với những doanh nghiệp (DN) ở Tp.HCM đang chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, việc chật vật xoay sở giữa cảnh khó khăn tiếp tục là phép thử lớn đối với họ.
Các DN trong ngành công nghiệp chế biến ở tỉnh Đồng Nai đang gặp khó do giá nguyên liệu đầu vào tăng từ 30-80%. |
Chẳng hạn như các DN trong các lĩnh vực liên quan đến du lịch, dịch vụ ăn uống. Theo đánh giá mới đây của Sở Du lịch Tp.HCM, hiện số DN hoạt động du lịch lữ hành chỉ chiếm tỷ lệ 52%, còn lại hàng trăm DN đã không hoạt động, tạm ngưng hoạt động, thay đổi trụ sở.
Để hỗ trợ phần nào cho các DN lữ hành vượt qua khó khăn trong lúc này thì Sở Du lịch thành phố có đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ DN giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động.
Hơn nữa, nên cho phép DN lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn hai năm để giúp tạo dòng tiền vào cho DN duy trì hoạt động và có nguồn tiền làm vốn lưu động.
Ngoài ra, một cuộc khảo sát nhanh mới đây của Hiệp hội DN Tp.HCM với 100 DN cho thấy, có 40% DN đang thiếu vốn để phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với VnBusiness, ông Phan Anh Tuấn, giám đốc một công ty thương mại và du lịch ở quận Tân Phú (Tp.HCM), cho rằng những khó khăn triền miên của các công ty lữ hành vẫn còn đó nếu thiếu đi các chính sách hỗ trợ về vốn vay có tính hiệu quả, thực chất hơn đến với DN.
Với các công ty lữ hành, vào những đợt xảy ra dịch bệnh, tuy không có doanh thu nhưng họ vẫn chi trả các khoản chi phí cố định như tiền mặt bằng, lương, bảo hiểm, thuế…là những gánh nặng đối với họ.
Chưa kể, họ còn khó tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp vì ngân hàng xếp công ty lữ hành vào đối tượng nguy cơ rủi ro cao và tiền ký quỹ cho kinh doanh dịch vụ lữ hành vẫn chưa được giảm đáng kể.
Chính vì vậy, theo ông Tuấn, các DN rất mong được gỡ khó thực chất hơn nữa về vốn vay cùng các chính sách hỗ trợ để duy trì năng lực hoạt động trong lúc khó khăn này.
Trong vấn đề về vốn vay, một đánh giá của Tổng cục Thống kê hồi quý I vừa qua về xu hướng hoạt động của ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng có cho biết, 23,9% DN trong ngành này cho rằng lãi suất vay vốn cao. Mặt khác, có 33,1% DN gặp khó khăn về tài chính.
Mong bình ổn giá đầu vào
Không chỉ ở Tp.HCM, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19 đợt thứ 4 thì DN ở các địa phương khác cũng đang đối mặt nhiều gánh nặng trong bối cảnh phải “căng mình” vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì sản xuất.
Ghi nhận ở tỉnh Đồng Nai trong giữa tháng 6/2021 cho thấy, ngoài rủi ro về dịch bệnh thì các DN trong ngành công nghiệp chế biến đang phải chống chọi với hàng loạt rủi ro như: giao thương bị cản trở, lương cho lao động tăng 10%, giá nguyên liệu đầu vào tăng từ 30-80%, cước phí vận tải hàng hóa quốc tế tăng 20-30%…
Không những vậy, vì nguyên liệu đầu vào tăng 30-80% nên giá thành sản phẩm của các DN ở Đồng Nai cũng bị đẩy lên rất cao. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, đầu ra bấp bênh, ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu, lợi nhuận của DN. Nhất là với những đơn hàng ký dài hạn thì việc tăng giá thành sản phẩm làm cho DN phải chịu cảnh thua lỗ.
Với các DN trong lĩnh vực xây dựng cũng rơi vào cảnh túng quẫn không kém khi nửa đầu năm nay giá cả sắt thép, vật liệu xây dựng leo thang chóng mặt. Một cuộc thăm dò cho thấy trong quý II/2021 thì khoảng 47,7% đánh giá là khó khăn hơn so với quý I/2021. Còn hồi quý I/2021 thì 51,3% DN xây dựng cho rằng khó khăn hơn so với quý IV/2020.
Như hồi tháng 5/2021 vừa qua chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép đã tăng đến 40,47% so với cùng kỳ năm trước. Rồi mặt hàng nhôm tăng khoảng 50 - 60%, vật tư điện nước gồm ống nhựa các loại, dây điện tăng khoảng 15 - 25%... Điều này đã ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động xây dựng.
Đà tăng giá đột biến của thép và nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng khác đã và đang làm nhiều dự án lớn “đội” chi phí thêm hàng trăm tỷ đồng. Nhiều nhà thầu buộc phải lựa chọn giải pháp ngưng thi công. Chính điều này khiến cho hàng loạt dự án đầu tư công đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
Riêng hồi quý I/2021, Theo Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) thì tỷ lệ thiệt hại do thép tăng đột biến là từ 4,5% - 6% trên tổng giá trị hợp đồng. Đây là chưa tính đến thiệt hại do yếu tố tăng giá trong thời gian qua của các vật liệu khác như cát, xi măng, vật liệu cáp điện, các loại thép khác…
Nhằm giảm bớt gánh nặng giữa thế khó do tác động của dịch bệnh kéo dài cho đến tháng 6/2021 như hiện nay, nhiều nhà thầu xây dựng cho rằng cần bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường vật liệu xây dựng.
Mặt khác, các nhà thầu xây dựng cũng mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi bằng các chính sách tín dụng, tài chính, giảm lãi suất, giãn nợ, giảm thuế, cũng như cắt giảm các thủ tục rườm rà, chồng chéo…
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |