Theo chia sẻ của ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido, các vị trí mặt bằng đắc địa bị bỏ trống do tác động của dịch Covid-19 lại là cơ hội cho chuỗi F&B mới do Kido đầu tư có thể tiếp cận.
Cơ hội từ mặt bằng đắc địa giá rẻ
Chẳng hạn, nếu như trước đây để có một mặt bằng đẹp ở quận 1 (Tp.HCM) thì phải đầu tư khoảng 15.000 USD/tháng, nhưng đến nay, ông Nguyên cho biết đã ký hợp đồng thuê được hơn 10 mặt bằng có vị trí rất đẹp nhưng giá thuê chỉ còn phân nửa.
Để trụ vững trong "bão" Covid-19, các DN ngành hàng F&B cần không ngừng tái cấu trúc, tìm những cơ hội mới. |
Theo ghi nhận của VnBusiness, nhiều tháng nay, rất nhiều mặt bằng đắc địa có giá thuê từ 100 - 300 triệu ở trung tâm Tp.HCM đều treo biển cho thuê với mức giá giảm xuống thấy rõ nhưng vẫn không có ai thuê.
Ngoài vấn đề mặt bằng, ngày 7/6, tại buổi công bố trực tuyến về việc chính thức tham gia thị trường F&B dưới thương hiệu Chuk Chuk chuyên bán kem, cà phê, trà, ông Trần Lệ Nguyên cũng không giấu tham vọng đến năm 2025 sẽ bao phủ thương hiệu trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Và tuy thương hiệu Chuk Chuk còn quá mới mẻ, Kido vẫn đặt mục tiêu trở thành thương hiệu quốc gia dẫn đầu thị trường F&B về độ phủ của thương hiệu và độ yêu thích của khách hàng, là thương hiệu đảm bảo tiêu chuẩn nhượng quyền quốc tế với hệ thống 1.000 cửa hàng.
Mục tiêu này sẽ cần thời gian kiểm chứng, nhưng có thể thấy đây là tín hiệu đáng khích lệ cho các doanh nghiệp (DN) nội địa có tiềm lực mạnh tấn công vào thị trường F&B được ví như “mỏ vàng” dù đang gặp nhiều khó khăn lớn do tác động kéo dài của dịch Covid-19.
Vì sao nhiều DN trong mảng F&B đang gặp khốn đốn, phải trả mặt bằng thì một “ông lớn” nội địa như Kido lại nhảy vào lĩnh vực này? Ngoài vấn đề về mặt bằng giá rẻ trong thời điểm Covid, phải chăng là Kido đang thấy những cơ hội từ thị trường F&B giữa lúc nguy khốn như hiện nay?
Theo giới phân tích, nếu như dịch Covid-19 được giải quyết tốt thông qua tiêm chủng vắc xin đại trà cho người dân, thì việc thị trường F&B trở lại thời hoàng kim là hoàn toàn có thể.
Dự báo doanh thu của ngành F&B ở Việt Nam trong 2 năm tới có thể đạt quy mô gấp đôi năm 2019. Cùng với dân số thuộc tầng lớp trung lưu gia tăng, ước đạt 45 triệu người vào năm 2025, thị trường F&B sẽ vẫn tiếp tục là một "miếng bánh" hấp dẫn các nhà đầu tư.
Không ngừng tái cấu trúc
Hiện tại, do dịch bệnh nên nhiều chuỗi cửa hàng rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những nhà đầu tư vẫn chực chờ để nhảy vào ngành F&B khi nhìn thấy được tiềm năng lâu dài của thị trường này là rất lớn.
Không những vậy, các nhà đầu tư khi rót vốn vào ngành F&B có nhiều mục đích khác nhau, và đầu tư xong rồi sang nhượng kiếm lợi nhuận cũng là một cách.
Còn với các DN nhỏ và vừa đang phải “vật lộn” với thị trường F&B đầy thách thức như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, trước tác động của dịch Covid-19, cần có bước đi chậm rãi để kiểm soát chi phí, điều chỉnh hệ thống và chính sách trước khi nhân rộng mô hình.
Đặc biệt, vấn đề lớn của DN F&B nội địa là khoảng cách giữa nói và làm luôn mất tính kết nối, nếu không thay đổi thì về lâu dài sẽ phương hại đến chỉ số tín nhiệm thương hiệu.
Để thấy được cơ hội trong cơn nguy khốn bởi dịch Covid-19, giới chuyên gia lưu ý các DN ngành F&B cần không ngừng tái cấu trúc. Muốn tự cứu mình, các DN trong mảng F&B năm nay phải tiếp tục đẩy mạnh hơn việc tái cấu trúc điểm bán, tìm đến vị trí bán hàng tốt hơn.
Đặc biệt là trong lúc này cần có sách lược đối phó bài bản và quản trị khủng hoảng. Trong đó, công tác nhận diện, đánh giá, đo lường những thách thức mà DN sẽ gặp phải để đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời là quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã và đang dần khiến các nhà kinh doanh F&B nhận ra cần phải phát triển thương hiệu của mình cả trên các nền tảng trực tuyến (online) nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đó là bước đi cần thiết để có thể bắt kịp xu hướng và cũng là giải pháp thông minh giúp đối phó với hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp - khi người dân hạn chế ra đường như hiện nay.
Được biết, trong chiến lược của Kido, vào tháng 7/2021 sẽ đưa hệ thống kiot và xe đẩy vào hoạt động cho chuỗi cửa hàng F&B. Theo Công ty nghiên cứu thị trường JLL, một số thương hiệu F&B ở Việt Nam đang tận dụng mô hình lưu động để tăng thị phần cũng như giảm bớt chi phí vận hành và thuê mặt bằng. Đây sẽ là xu hướng mới cho ngành F&B đi theo dấu chân của các thị trường trưởng thành hơn trong khu vực.
Tuy nhiên, về lâu dài, để tiếp tục cạnh tranh với mô hình truyền thống, các mô hình lưu động cần phải liên tục nâng cấp chất lượng sản phẩm, và tận dụng tính linh hoạt thuận tiện để tạo ra những ý tưởng mới nhằm thu hút và giữ chân khách hàng.
Thế Vinh