Báo cáo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) về nhu cầu vắc xin ngừa Covid-19 của doanh nghiệp trong ngành cho thấy, có 78,46% số nhà máy được hỏi (649 nhà máy) có nguyện vọng chờ vắc xin của Anh và Mỹ.
Nôn nóng chờ tiêm vắc xin
Ngoài ra, 92% nhà máy dệt may được khảo sát cho biết, sẵn sàng chi trả kinh phí để người lao động được tiêm chủng, chỉ có 8% cần Nhà nước hỗ trợ kinh phí.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 làm cho trên 84% DN vừa và nhỏ ở Tp.HCM gặp khó khăn. |
Với mong muốn có vắc xin càng sớm càng tốt tiêm phòng cho lực lượng lao động, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng, nguyện vọng của Vitas là người lao động trong ngành dệt may có thể được tiêm phòng dịch trong cuối tháng 7/2021.
Theo ghi nhận, dịch Covid-19 đợt 4 đang diễn biến khó lường khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày gặp nhiều xáo trộn, đặc biệt là tại các vùng dịch.
Đơn cử như hôm 9/6 ở Công ty PouYuen Việt Nam (chuyên về sản xuất da giày, ở quận Bình Tân, Tp.HCM), sau khi ghi nhận 1 trường hợp nghi nhiễm làm việc tại đây thì hơn 1.100 công nhân đã phải tạm nghỉ việc.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, điều đáng lo ngại ở Tp.HCM là nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào các nhà máy, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong bối cảnh như vậy, vừa đảm bảo phòng chống dịch, an toàn cho người lao động vừa duy trì chuỗi cung ứng, đảm bảo đơn hàng cho các đối tác theo đúng tiến độ là cả vấn đề thách thức lớn đối với hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may, da giày nói riêng và các doanh nghiệp nói chung tại Tp.HCM.
Theo thông tin đưa ra tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Tp.HCM và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tổ chức ngày 10/6, từ đầu năm đến nay đã có 1.365 doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, 42.500 công nhân, người lao động mất việc làm, 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân.
Không những vậy, trong 5 tháng đầu năm nay, số DN ở Tp.HCM tạm ngưng hoạt động là 9.849 doanh nghiệp, tăng 23,79% so với cùng kỳ năm trước.
Lo ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HTQT CTCP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn nhấn mạnh, cần ưu tiên tiêm vắc xin cho cộng đồng doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Còn theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM, qua khảo sát nhanh 100 doanh nghiệp thì đợt dịch lần thứ 4 này khiến cho trên 84% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn. Trong khi đó, giá nguyên liệu tăng chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm sức cạnh tranh thị trường giảm.
Theo phản ánh, chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển hàng hóa tăng cao cộng với sự không chắc chắn về tình hình dịch bệnh đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất giày dép ở Việt Nam. Còn các doanh nghiệp dệt may thì gặp khó do đơn hàng xuất sang các nước châu Âu vẫn chưa phục hồi.
Tiếp tục tái cấu trúc sản phẩm
Điều đáng ngại do dịch bệnh lần này là các doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, bị cản trở hoạt động kinh doanh do giãn cách xã hội, phát sinh chi phí phòng ngừa dịch Covid-19, thiếu vốn kinh doanh, thị trường thu hẹp, cắt giảm lao động…
Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, trao đổi với VnBusiness về vấn đề chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, mỗi sản phẩm làm ra của doanh nghiệp là kết tinh của rất nhiều yếu tố, từ các loại nguyên vật liệu, nguồn linh phụ kiện đầu vào, nhiên phụ liệu…
“Với mỗi sản phẩm có nhiều nhà cung cấp ở nhiều địa điểm khác nhau, khi dịch Covid-19 xảy ra thì việc lưu chuyển hàng hoá sẽ không được tự do như trước”, ông Dũng nói.
Cho nên, theo chuyên gia này, các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm càng phức tạp, có yếu tố đầu vào nhiều thì càng khó khăn. Chỉ cần thiếu một yếu tố trong nguyên liệu đầu vào thì sản phẩm sẽ không thể sản xuất được, hoặc là sản xuất khiếm khuyết, thiếu chi tiết để ra được sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chẳng hạn như với vỏ bao bì đòi hỏi các chi tiết về in ấn, thiết kế phải quen thuộc với người tiêu dùng. Vì vậy, với những doanh nghiệp đang sản xuất những sản phẩm càng phức tạp, càng có nhiều yếu tố đầu vào cấu thành thì càng khó khăn ở đợt dịch lần thứ 4 này khi tại Tp.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội.
Mặt khác, với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có thị trường đầu ra rộng cũng gặp khó khăn. Do dịch bệnh nên đối tác không dám nhập, không dám tiếp cận, tương tác trực tiếp... Điều này khiến cho doanh nghiệp mất thị trường, mất doanh thu và dẫn đến không màng tiếp cận nguồn cung đầu vào từ các doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, đầu ra những sản phẩm mới cũng sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là với những doanh nghiệp đang có “giấc mộng” đầu tư nửa chừng cho sản phẩm mới mà họ chuẩn bị đưa ra thị trường thì dịch bệnh làm cho có thể bị “đứt”.
Không những vậy, ở những thị trường lớn đang tập trung quyết liệt chống dịch, đưa ra các quy định nghiêm ngặt về đầu ra và đầu vào, đã gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp liên quan đến xuất - nhập khẩu.
Để giải bài toán duy trì chuỗi cung ứng, giới chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp nên tạm co hẹp lại hoạt động sản xuất trong lúc này và cần tiếp tục tái cấu trúc sản phẩm để chuỗi cung ứng vẫn còn có thể hoạt động được trong tầm tay và có đầu ra rõ ràng.
Thế Vinh